Giới trẻ gặp nhau ngoài đời thực nhưng lại đắm mình với thế giới mạng qua điện thoại - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Làm việc trong lĩnh vực nhân sự, tôi thường xuyên tiếp xúc với những ứng viên trẻ tuổi, cũng nhận thấy điều này từ thế hệ Z (sinh từ khoảng năm 1995 đến 2012). Có nhiều bạn trẻ khi trao đổi qua email hay điện thoại rất nhanh nhẹn, nhưng phỏng vấn trực tiếp với khách hàng, đối tác thì tỏ ra rụt rè, kém linh hoạt.
Thậm chí, rất nhiều bạn trẻ sau khi thử việc thì nộp đơn xin nghỉ, mặc dù trình độ chuyên môn rất tốt nhưng lại ngại giao tiếp nên rất khó kết nối và làm việc nhóm với các anh chị lớn tuổi trong công ty.
Đến công ty đã là thế, khi quay trở về gia đình, rất nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra ngại ngùng, thậm chí tránh né việc tiếp xúc với người thân trong nhà, chỉ lặng lẽ "trốn" trong thế giới ảo của riêng mình.
Em họ tôi - T., từ một học sinh ngoan ngoãn, vì muốn thỏa đam mê "sống ảo" khi có những tấm hình đẹp trên mạng xã hội, đã sẵn sàng trộm tiền của bố mẹ, mua sắm quần áo đắt tiền, thậm chí trốn học chỉ để… đi chụp ảnh.
Cũng tác động của mạng xã hội khiến giới trẻ nghĩ rằng họ có thể được chú ý qua những bức ảnh được chỉnh sửa cầu kỳ và chú thích trau chuốt, tìm một dòng trạng thái thật hay rồi tận hưởng cảm giác ngồi "đếm like", xem có bao nhiêu người yêu thích thành quả của mình.
Xét cho cùng, điều này không thật sự cần thiết cho đời sống tinh thần của bản thân các bạn trẻ. Việc quá phụ thuộc cảm xúc vào những bài đăng trên mạng xã hội càng khiến họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng hơn giữa cuộc sống thực tế.
Thậm chí, nhiều người vì sự so sánh tiêu cực giữa bản thân và hình ảnh lung linh trên mạng xã hội của người khác, có thể dẫn đến chứng trầm cảm, ngại giao tiếp, không tìm được sự kết nối cảm xúc và niềm vui trong đời sống thực tế.
Không chỉ vấn đề khoe hình để "sống ảo" trên mạng, giới trẻ Việt Nam còn gặp khó khăn khi kết nối trong lĩnh vực học tập, công việc. Bạn L. (19 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Điện thoại em liên tục có tin nhắn trò chuyện từ nhóm Zalo của các bạn học cùng lớp đại học. Tuy nhiên, nhóm này chỉ để thông báo lịch học và tín chỉ, chứ hầu như cả lớp chưa bao giờ hội ngộ hoặc đi ăn, đi chơi chung bao giờ. Dù học hết năm nhất, em vẫn không nhớ hết mặt các bạn trong lớp".
Không kể đến khoảng thời gian kéo dài do giãn cách xã hội, cuộc sống thường ngày của T. (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng chỉ từ công ty về đến nhà, như lời chia sẻ: "Ngoài công việc, tôi có rất ít bạn bè. Mỗi ngày khi hoàn thành công việc, tôi đều quay trở về nhà, dù vẫn nhắn tin, gọi điện thoại với đồng nghiệp nhưng rủ nhau cùng đi cà phê hay ăn uống thì tôi từ chối, vì không biết nói gì và thấy không quen".
Có thể thấy rằng những tiện ích của mạng xã hội đã mở ra vô vàn kết nối không biên giới, nhưng cũng từ đó không ít bạn trẻ thế hệ Z đã tự buộc lấy chính mình trong màn hình trực tuyến nhiều hơn.
Thế hệ Z thừa hưởng thành quả của sự phát triển của khoa học, công nghệ và mức sống cao khiến việc giao tiếp, chia sẻ với những người xung quanh trở thành áp lực vô hình. Áp lực thế hệ là câu chuyện không tránh khỏi, nhưng buộc mình với cô đơn hay bước ra thế giới bên ngoài để trải nghiệm thực tế, còn tùy thuộc vào lựa chọn và bản lĩnh của thế hệ Z.
Mời bạn tham gia diễn đàn
Bạn có thấy hình bóng bản thân hoặc của người thân, bạn bè trong những câu chuyện tương tự? Bạn có góc nhìn phản biện hoặc chia sẻ gì khác về việc giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hay bạn có những giải pháp gợi ý cho câu chuyện trên?
Bạn có thể viết bài (trong 900 chữ kèm thông tin cá nhân, số điện thoại) và gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: [email protected] hoặc [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận