27/12/2018 10:25 GMT+7

Chiều nay Bộ GD-ĐT công bố chương trình môn học mới

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT công bố chương trình bộ môn - chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều nay 27-12. Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, sẽ có một số môn học mới.

Chiều nay Bộ GD-ĐT công bố chương trình môn học mới - Ảnh 1.

Nội dung giáo dục của chương trình mới sẽ cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ - Ảnh: VĨNH HÀ

GS Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ những điểm đáng chú ý của chương trình.

Kế thừa những gì?

Chương trình mới tiếp tục kế thừa mục tiêu giáo dục mà chương trình hiện hành đã đặt ra là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Chương trình mới cũng kế thừa nguyên lý giáo dục nền tảng như "Học đi đôi với hành", "Lý luận gắn với thực tiễn", "Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội".

Nội dung giáo dục của chương trình mới có cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.

Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: tin học và công nghệ, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên ở cấp THCS; âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.

Việc đổi tên môn kỹ thuật ở cấp tiểu học thành tin học và công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần tin học và tổ chức lại nội dung phần kỹ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.

Ở cấp THCS, môn khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn lịch sử và địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý. 

Học sinh đã học môn khoa học, môn lịch sử và địa lý ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này. Chương trình hai môn học được thiết kế theo các mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên cũng không gây khó khăn cho giáo viên trong thực hiện.  

Hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cả ba cấp học cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng… trong chương trình hiện hành.

Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Về phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. 

Từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…); do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.

Những điểm khác biệt

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để thực hiện mục tiêu đổi mới, chương trình GDPT mới vừa phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT hiện hành, vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. Những điểm cần khắc phục cũng chính là những khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với chương trình hiện hành.

Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là "chất liệu", "đầu vào" vừa là "kết quả", "đầu ra" của quá trình giáo dục. Vì vậy học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

Nhưng chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. 

Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.

Nhưng điểm khác của chương trình GDPT mới là  phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học (tin học và công nghệ, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. 

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Trong chương trình GDPT hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông.

Còn chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

 Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên. Còn chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Hệ thống môn học của chương trình mới

Cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Bậc học này xuất hiện môn học mới là tin học và công nghệ.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật. Môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ở bậc học này là môn tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: ttiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh  THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

Chương trình giáo dục mới: các môn học thay đổi thế nào?

TTO - Theo dự thảo chương trình môn học mới sắp được Bộ GD-ĐT công bố, môn ngữ văn sẽ chú trọng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; môn toán theo hướng "toán học cho mọi người"...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp