28/12/2009 03:05 GMT+7

Chiếu chèo trong cảnh chợ chiều

HIỀN LƯƠNG
HIỀN LƯƠNG

TT - Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009 đã kết thúc trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người tổ chức và cả những nghệ sĩ.

Xepogjno.jpgPhóng to

Mảnh gương nhân sự - huy chương bạc và giải thưởng sáng tạo nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN dành cho đạo diễn trẻ Hà Quốc Minh - Ảnh: Hiền Lương

Mừng bởi lẽ trong cái thời sân khấu chèo đang vật lộn đầy gian nan để tồn tại thì 19 vở diễn của 17 đơn vị tiêu biểu cho các chiếu chèo trong cả nước đã không rời xa cái gốc cơ bản của nghệ thuật chèo. Nhưng với những ai tâm huyết, yêu chèo thì không khỏi lo lắng: trước khoảng trống thiếu hụt của lực lượng sáng tạo làm nên linh hồn cho chèo, trước sự thờ ơ, lạt lẽo với chèo của khán giả, liệu hội diễn năm năm sau, chèo có còn giữ được “phong độ” của hôm nay nữa hay không?

Những cái tên quen thuộc

Kỳ hội diễn này, “những người níu giữ chèo truyền thống” quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên quen thuộc: Bùi Đắc Sừ, Trần Đình Ngôn, Hà Văn Cầu, Bùi Vũ Minh, Hoài Giao... Tác giả Trần Đình Ngôn được 12/17 đơn vị có mặt tại hội diễn đặt hàng viết hợp đồng. Tránh cái tiếng bao sân tám vở tại hội diễn kỳ trước nên ông chỉ có thể nhận lời năm đơn vị.

May mắn là tác giả trẻ Trần Đình Văn đã nối nghiệp cha mình và ngay lập tức anh cũng có tới ba vở tại hội diễn lần này. Tính sơ cha con ông Trần Đình Ngôn đã có 8/19 vở tại hội diễn, chưa kể Trần Đình Ngôn còn làm “cố vấn” giúp một số tác giả địa phương viết chèo. Đạo diễn Bùi Đắc Sừ có bốn vở, đạo diễn Doãn Hoàng Giang ba vở, đạo diễn Lê Hùng bốn vở.

Những tên tuổi đạo diễn trẻ như Trương Hải Thọ, Hà Quốc Minh vẫn không thể “đắt sô” được như những “cây đa, cây đề” đi trước. Nhưng sự thành công của các đạo diễn trẻ tại hội diễn lần này đã cho thấy nhiều đơn vị chưa biết tận dụng lớp trẻ để làm mới sân khấu của mình.

Phải thừa nhận tại hội diễn lần này, nhiều đơn vị đã cố gắng vượt lên khả năng của mình bằng cách làm sang cho chèo với số tiền đầu tư bạc tỉ như Nhà hát chèo Hà Nội, hay từ 600-800 triệu đồng như Nhà hát chèo Thái Bình, Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần.

Trong khi đó, phần đông các đoàn chèo tới tham dự hội diễn đều phải cân đong đo đếm làm sao cho khoản tiền đầu tư dàn dựng và đi dự hội diễn chưa tới 200 triệu đồng. Có những đơn vị, trưởng đoàn và nghệ sĩ phải xin mãi mới được cho tiền đi hội diễn bởi quan niệm chèo chưa phải là thế mạnh của địa phương. Vì lý do kinh phí, hẳn các nghệ sĩ của Đoàn chèo Tuyên Quang không tránh khỏi nỗi buồn khi không thể tới hội diễn.

Buồn vì mức đầu tư đích đáng cho nghệ thuật không cao nhưng càng buồn hơn khi chứng kiến cảnh nghệ sĩ của nhiều đơn vị dẫu muốn ở trọn 11 ngày hội diễn cũng không thể, chỉ vì đơn vị không đủ kinh phí lo cho nghệ sĩ ăn ở trong thời gian hội diễn. Để rồi cố lắm cũng chỉ xem được một vài vở diễn liền kề với lịch thi của đơn vị mình.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Một điều an ủi với người yêu chèo là khán phòng trong 11 ngày diễn ra Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp 2009 luôn đông khán giả. Với nghệ sĩ chèo, được diễn những vở chèo thật sự gọi là chèo “xịn”, được chứng kiến cảnh khán giả và bạn nghề nô nức đi xem chèo, đó cũng chỉ là phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, bởi khi trở về địa phương, họ lại tiếp tục đối diện với cảnh chợ chiều của sân khấu chèo.

NSƯT Lương Duyên (Đoàn chèo Hà Nam) tâm sự: “Chỉ có tới hội diễn, được sống trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, chúng tôi mới cảm nhận được sân khấu là thánh đường như thế nào. Ở địa phương, đối diện với việc chật vật đi tìm hợp đồng cho các suất diễn, đối diện với hàng ghế khán giả thưa thớt, đôi khi cảm thấy vô cùng tủi nghề”. Không ít diễn viên tài năng của chèo phải đi hát văn, hầu đồng để kiếm sống, chưa kể phải diễn chèo theo kiểu “cách tân” nhằm thu hút khán giả.

Vực dậy chèo trong một cơ thể èo uột khi chưa được đầu tư thích đáng là cả một quá trình gian nan, không thể phụ thuộc vào sự nỗ lực của cá nhân nghệ sĩ và từng đơn vị. Đã tới lúc cần có một tư duy mới về đầu tư cho nghệ thuật chèo mới mong có được những mùa hội diễn bội thu bởi những sáng tạo nghệ thuật đích thực.

Hai vở đoạt huy chương vàng

Sau 11 ngày diễn ra, Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã bế mạc vào tối 25-12 tại Cung văn hóa Việt Nhật, Quảng Ninh.

Kết quả, có hai vở đoạt huy chương vàng: Linh khí Hoa Lư (tác giả: Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) thuộc Nhà hát chèo Ninh Bình, Chiến trường không tiếng súng (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Lê Huệ) thuộc Nhà hát chèo Nam Định. Năm vở diễn đoạt huy chương bạc: Mảnh gương nhân sự (Nhà hát chèo VN), Hùng ca Bạch Đằng giang (Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần), Danh chiếm bảng vàng (Đoàn nghệ thuật chèo Bắc Giang), Ngọc Hân công chúa (Nhà hát chèo Hà Nội), Bát Nàn tướng quân (Nhà hát chèo Thái Bình).

_______________

* Đạo diễn Hà Quốc Minh (phó giám đốc phụ trách Nhà hát chèo VN):

Chèo không ra chèo

Hãy tự đặt câu hỏi vì sao khán giả ngày càng quay lưng với chèo. Một phần nguyên nhân chính do nội tại ngành chèo. Khi những người làm chèo đang quay lưng lại với chèo bằng cách làm chèo không ra chèo. Hiện thực đời sống sôi động mà các tác giả lại đưa ra những câu chuyện xa vời với cuộc sống và con người hiện tại.

Ngành chèo hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Lực lượng tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ làm chèo ngày càng thưa vắng. Đặc biệt là nguồn đào tạo lực lượng biên kịch cho chèo còn có vấn đề. Nhiều nhà biên kịch khi trở về đoàn chèo vốn liếng mang theo chỉ là những kiến thức cơ bản về viết kịch, còn những hiểu biết về nghệ thuật chèo rất hạn chế. Trong khi chèo là một loại hình nghệ thuật mang tính ước lệ, hình tượng hóa rất cao, nếu người viết không nắm chắc, hiểu sâu khó có thể viết được kịch bản mang đậm chất chèo. Ngoài ra, vấn đề năng lực diễn viên chèo vẫn có nhiều bất cập, đặc biệt với các đoàn địa phương. Ít có kịch bản hay, ít cơ hội diễn, nhiều diễn viên không còn diễn tốt một vai chèo tích cổ nào nữa, trong khi đây là yếu tố cơ bản để trở thành diễn viên chèo thực thụ.

* Nghệ sĩ Quốc Anh (Nhà hát chèo Hà Nội):

8.000 đồng/buổi tập

Diễn viên ở tỉnh vất vả lắm, các bạn ấy khó sống được bằng nghề. Nghe chuyện catsê của một diễn viên địa phương chỉ có 8.000 đồng một buổi tập cứ ngỡ như đùa. Tiền bồi dưỡng biểu diễn từ 15.000-20.000 đồng, cũng chỉ đủ một bát phở. Nhưng yêu nghề nên các bạn vẫn theo. Nhà hát chỗ tôi năng động hơn nhưng nói chung cũng eo hẹp, diễn viên chính như tôi cũng chỉ đủ ăn, không thể nói dư dật.

HIỀN LƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp