Mâm ngũ quả và bàn thờ đón Tết Nguyên đán 2020 trên đảo Sinh Tồn Đông đang được chuẩn bị - Ảnh: MY LĂNG
Ngày cuối cùng của năm cũ nơi đảo xa
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ.
Ở Sơn Ca - hòn đảo có cái tên rất vui vẻ, yêu đời của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), từ sáng 30 tết, kíp quân y trên đảo đã lau chùi, quét dọn khu vực công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một mâm trái cây, bánh kẹo cũng được chuẩn bị tươm tất dâng lên Đại tướng.Đây là đảo duy nhất ở quần đảo Trường Sa có công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thượng tá Hoàng Đức Chiến (chính trị viên đảo Sơn Ca) còn tự hào vì đảo mình có cây quất tứ quý với lộc, hoa, quả chín và quả xanh. "Ở đây thời tiết khắc nghiệt, chăm chậu quất còn hơn chăm em bé. Gần tết là nó nở hoa, ra quả sum suê nhìn thích lắm" - anh Chiến nói.
Tổ quân y đảo Sơn Ca chuẩn bị mâm trái cây, bánh kẹo thắp nhang tại tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: MY LĂNG
Ở đảo Song Tử Tây - chốt tiền tiêu phía Bắc của quần đảo Trường Sa, thượng tá Bùi Thanh Tùng (chính trị viên đảo Song Tử Tây) cho biết mọi thứ chuẩn bị để đón Tết Nguyên đán 2020 đã đâu vào đấy, chỉ đợi đến giờ là thực hiện theo kế hoạch .
Thượng tá Tùng dí dỏm khoe: "Đảo mình cũng có mai, có đào đấy. Là cây mai, cành đào do bộ đội sáng tạo ra". Ở quần đảo sóng gió và thời tiết khắc nghiệt này, cây mai, cây đào có đưa được ra cũng không sống nổi.
Không có hoa mai, hoa đào tươi, các chiến sĩ đảo Song Tử Tây chặt cành phi lao, cành mù u gắn mai, gắn đào bằng nhựa, bằng vải lên. Bộ đội còn làm những cành hoa ốc từ các con ốc biển tạo thành chậu hoa cảnh rất đẹp để trang trí trên bàn thờ. Đặc biệt, tết năm nay đảo Song Tử Tây "sang" hơn khi có 2 chậu hoa lan nhỏ từ đất liền gửi ra, màu sắc tươi tắn, đậm đà.
Trên đảo Song Tử Tây, cây ăn trái chỉ có dừa, đu đủ và chuối. "Cây ăn quả trên đảo chỉ có 3 loại cơ bản đó nên không đủ làm thành mâm ngũ quả. Hồi cuối tháng 12-2019 tàu ra cấp cho xoài và bưởi, quà của đất liền gửi ra đấy. Bọn mình bảo quản mãi, đợi đến hôm qua, 29 tết, mới chưng ra cho tươi", thượng tá Tùng nói.
Tết năm nay, cả đảo được hậu cần mang ra cấp cho 8 con heo. Với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu cao, thượng tá Tùng cho hay mọi thứ đã sẵn sàng cho cái tết cổ truyền. Ngày 28 tết, mỗi đơn vị đã được cấp phát 1 trái dừa, 1 nải chuối để làm mâm "ngũ quả".
Các chiến sĩ trẻ vừa ra đảo Nam Yết vui vẻ ngồi ôm đàn ghita hát trong lúc canh nồi bánh chưng - Ảnh: MY LĂNG
Nhiệm vụ hàng đầu vẫn là sẵn sàng chiến đấu
Tối nay, 19h đêm 30 tết, đảo vừa tổ chức văn nghệ, hái hoa dân chủ đón giao thừa với sự tham dự của bà con nhân dân trên xã đảo. "Chủ xị" là màn trình diễn của các chiến sĩ. Các em nhỏ - những công dân đặc biệt ở Trường Sa - đang sống ở đảo Song Tử Tây hào hứng, nhiệt tình tham gia một số tiết mục văn nghệ cùng các chú bộ đội. Chiến sĩ thì múa lân khắp các đơn vị, đến từng nhà dân "khuấy động" không khí.
Chiến sĩ, người dân và các em bé trên xã đảo Song Tử Tây hát cùng nhau trong đêm văn nghệ đón Giao thừa Tết Nguyên đán 2020 - Ảnh: MY LĂNG
Tiết mục song ca của người dân trên xã đảo Song Tử Tây và chiến sĩ trong đêm văn nghệ đón giao thừa Tết Nguyên đán 2020 - Ảnh: MY LĂNG
Thượng tá Bùi Thanh Tùng cho biết chốc nữa khi giao thừa đến, với những sĩ quan, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác đúng khoảnh khắc thiêng liêng nhất, lãnh đạo chỉ huy đơn vị sẽ đến tận vị trí gác chúc tết, lì xì để động viên tinh thần bộ đội.
Ngày mai - mùng 1 tết, chỉ huy đảo và người dân sẽ cùng đi chùa thắp hương cầu an. Sau đó, chỉ huy đảo đi chúc tết các thầy giáo, chúc tết từng hộ dân và các đơn vị phối thuộc, nhà đèn, khí tượng...
Trong những ngày xuân, đảo Song Tử Tây sẽ tổ chức nhiều hoạt động để bộ đội, nhất là các chiến sĩ trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà với các trò chơi dân gian như: kéo co, chèo bắt vịt, đi chân rết, nhảy bao bố, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền....
"Tuy nhiên, nhiệm vụ chúng tôi đặt lên hàng đầu vẫn là công tác sẵn sàng chiến đấu, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Đảo không để đất liền bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ theo tinh thần vui xuân mới không quên nhiệm vụ" - thượng tá Bùi Thanh Tùng khẳng định.
25 năm quân ngũ, 19 năm công tác ở đất liền trước khi đi đảo, 3 năm liền ăn tết ở đảo Song Tử Tây, thượng tá Bùi Thanh Tùng bảo anh đã quen với những cái tết xa nhà. "Ngay ở trong đất liền cũng có nhiều cái tết mình không về nhà, phải trực trong đơn vị. Là người lính thì nhiệm vụ với Tổ quốc vẫn là trên hết", anh nói.
Trong không khí náo nức đón tết cổ truyền, có những chiến sĩ vẫn lặng lẽ đi canh gác để không bị bất ngờ trước mọi tình huống - Ảnh: MY LĂNG
Vào bờ sắm áo dài đón xuân
Chị Nguyễn Thị Lan, người dân trên xã đảo Song Tử Tây, cho biết gần hai tháng trước, một số hộ dân vào đất liền mua đồ chuẩn bị đón tết đã tranh thủ sắm luôn quần áo, giày dép cho bọn trẻ con và người lớn. Cánh phụ nữ thì rủ nhau may áo dài đồng phục, màu đỏ và vàng rất tươi và "nổi".
Trong chuyến tàu ra đảo hồi cuối tháng 12-2019, những kiện hàng gồm rau củ quả, thịt đông lạnh, miến, phở, bột.... đã được chuyển lên đảo bỏ vào thùng đông lạnh đón tết. "Mỗi nhà mua sắm hết hơn 20 triệu để đón tết và ăn trong mấy tháng đấy" - chị Lan cho hay.
Những đứa trẻ trên xã đảo Song Tử Tây đã được bố mẹ sắm áo dài mới đón tết cổ truyền 2020 - Ảnh: MY LĂNG
Chị em phụ nữ trên xã đảo Song Tử Tây đã sắm áo dài mới đón tết cổ truyền 2020 - Ảnh: MY LĂNG
Nhiều năm sinh sống trên đảo, chị Lan bảo ở đây bốn bề là biển nước mênh mông nên tình cảm xóm giềng và tình quân dân lúc nào cũng ấm áp, gần gũi, nhất là những ngày ết cổ truyền.
Từ ngày 20 âm lịch, các hộ gia đình đã chia nhau "lên lịch" tổ chức tất niên, làm mâm cơm rồi mời các nhà khác và đơn vị kết nghĩa đến dự.
Một bữa tiệc tất niên tại nhà dân trên xã đảo Song Tử Tây - Ảnh: MY LĂNG
Ngoài đảo, mỗi hộ dân đều kết nghĩa với một đơn vị. "Mình làm dưa chua, củ kiệu cũng mang lên cho mấy chú bộ đội một ít. Mấy chú có miếng thịt ngon cũng chừa lại vài ký cho các cháu nhà mình.
Sáng mùng 1 tết, dân và bộ đội cùng đi chùa cầu an đầu năm. Sau đó, chỉ huy đảo rồi chỉ huy đơn vị kết nghĩa đến nhà dân chúc tết, ăn miếng bánh chưng, cắn hạt dưa trò chuyện tình cảm lắm" - chị Lan nói.
Xuân ở đảo chìm
Ở đảo Đá Nam, mùa xuân này bộ đội được đón tết trên nhà mới, rộng hơn, cao hơn. "Năm ngoái ở nhà cũ, sóng đánh vào làm hỏng mất chậu quất. Năm nay có nhà mới, rộng rãi, cao ráo, sẽ giữ được chậu quất lâu hơn" - thượng úy Hoàng Văn Nhuận, chính trị viên đảo Đá Nam, nói.
Đảo chìm là tòa nhà 2-3 tầng xây trên nền san hô của bãi cạn. Đảo là khối bêtông, không có đất, không trồng được cây ăn trái như đảo nổi. Vậy nên mâm ngũ quả của lính đảo chìm chỉ có hai loại trái cây bảo quản được lâu như cam, bưởi do tàu vừa ra cấp hồi đầu tháng 1-2020. Năm nay, đảo chìm ngoài chậu quất do tỉnh Hưng Yên tặng còn có chậu hoa lan tươi - loài hoa quý hiếm, "sang chảnh" ở quần đảo sóng gió, nắng cháy bỏng rát da người này.
Còn ở đảo Đá Thị, các chiến sĩ đã dày công làm được vườn hoa thanh niên để ngắm cảnh hàng ngày và có hoa đón xuân về. Đất phải chắt chiu mang từ trong đất liền ra, để trong các thùng xốp, thùng nhựa. Và vườn hoa cũng thật đặc biệt: toàn những loài chịu được nắng gió, điều kiện khắc nghiệt: cây bàng vuông, hoa sứ, hoa giấy, xương rồng...
Chiến sĩ trẻ bồng súng đứng gác dưới cái nắng của ngày 30 tết. Ảnh chụp tại đảo chìm Đá Thị - Ảnh: MY LĂNG
Dù đảo chìm nhỏ tí, chật hẹp nhưng bộ đội vẫn quây quần bên nhau gói bánh chưng, tạo không khí cho vui. Tối 29 tết, đảo đã luộc xong mẻ bánh chưng. "Luộc bánh chưng vui lắm, tạo cảm giác như ở trong đất liền cho anh em bộ đội. Anh em ai đi gác cứ đi, còn lại thì cứ chốc chốc lại chạy xuống xem nồi bánh chưng", đại úy Vũ Quang Khắc (Chính trị viên đảo Đá Thị) cho hay.
Bị hạn chế bởi không gian chật chội nên việc tổ chức các hoạt động đón tết khó khăn hơn các đảo nổi. Đại úy Vũ Quang Khắc cho biết dù đảo chìm không rộng như đảo nổi, nhưng các ngày tết, đảo Đá Thị cũng tổ chức một số trò chơi như thi ném vòng cổ chai, đánh trống và thi đấu bóng bàn. "Phần thưởng chỉ là nước ngọt, không có giá trị vật chất nhưng cái chính là tạo không khí cho anh em bộ đội vui vẻ", đại úy Khắc nói.
Năm nay là lần thứ 3 đại úy Vũ Quang Khắc đón Tết Nguyên đán ở quần đảo Trường Sa. Người sĩ quan trẻ rắn rỏi nói: "Đã là người lính thì phải chấp nhận những cái tết xa nhà. Thời khắc giao thừa, nghĩ đến vợ con, bố mẹ ở nhà vắng mình sẽ buồn, mình cũng buồn chứ. Nhưng là lãnh đạo, chỉ huy đảo thì phải nén lại cảm xúc riêng tư cá nhân, vẫn vui vẻ để động viên các em chiến sĩ.
Mình là chỗ dựa tinh thần cho các em mà. Xa gia đình nhưng tụi mình lại được đón tết gần đồng đội. Mấy ngày xuân anh em quây quần bên nhau ăn miếng bánh chưng, uống ngụm nước chè, như là một đại gia đình sum họp về vậy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận