Bộ phim Sunny mang quan điểm lập lờ về tội ác của quân đội Hàn Quốc, Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam - Ảnh: IMDb
Số tác phẩm điện ảnh đả động đến cuộc chiến ở Việt Nam mà Hàn Quốc đã dự phần như một đồng minh tích cực của Mỹ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, sự xuất hiện của chiến tranh Việt Nam trong bộ phim Little Women (tạm dịch: Ba chị em) do Hàn Quốc sản xuất đã khiến nhiều người xem tò mò.
Những góc nhìn thiên lệch
Tuy nhiên, khi tuyến truyện phim càng về kết, những thông tin sai lệch ngày càng xuất hiện dày đặc. Những cựu chiến binh Hàn Quốc được mô tả như anh hùng dân tộc với khả năng một chọi một trăm bất chấp sự thật rằng quân đội nước này đã tàn sát hàng ngàn thường dân vô tội ở Quảng Nam trong giai đoạn 1964 - 1973. Nghiên cứu năm 2012 của thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hồng chỉ ra trong số quân đồng minh, Hàn Quốc có số lính thiệt mạng và bị thương nhiều nhất (lên đến 5.000 quân).
Little Women đã đi theo lối mòn của một số bộ phim hành động cơ bắp khi phóng đại khả năng, sự tinh nhuệ của lính đặc nhiệm dẫn đến những yếu tố phi thực tế trong một bối cảnh lịch sử như chiến tranh Việt Nam.
Trước Little Women, năm 2008, bộ phim Sunny của đạo diễn Lee Joon-ik cũng mang đến nhiều góc nhìn thiên lệch dù được lồng ghép rất "khéo léo". Phim kể về chuyến đi của cô gái Soon-yi. Cô lặn lội khắp các chiến trường, từ Sài Gòn đến Hội An, để tìm người chồng đang ra mặt trận. Trong vai một ca sĩ, Soon-yi chứng kiến nhiều mặt của cuộc chiến.
Nếu quân đội Việt Minh được xem như những người lính cảm tử và cũng đầy lòng trắc ẩn thì lính Mỹ là những kẻ máu lạnh, không chùn tay bắn giết. Để nhận được sự giúp đỡ, Soon-yi còn phải đánh đổi cơ thể của mình, trao thân cho một tay chỉ huy người Mỹ. Trong khi đó, lính Đại Hàn được khắc họa như nạn nhân giàu tình cảm của cuộc chiến.
Bộ phim của đạo diễn Lee Joon-ik không giấu ý định đổ vấy lên tay người Mỹ. Ông từng cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc phải nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam bằng một đôi mắt khác, khách quan hơn.
"Khi đàn ông suy ngẫm về chiến tranh, kết quả luôn là trắng và đen, tốt và xấu, trong một chuỗi đối đầu. Nhưng khi phụ nữ nhìn vào cuộc chiến, tất cả đàn ông, dù người Việt, người Mỹ hay người Hàn, đều là những con người" - ông nói.
Tuy nhiên, cách làm lấp lửng của vị đạo diễn có thể gây cảm giác khó chịu cho những nạn nhân Việt Nam. Sunny là một câu chuyện tình cảm động, khai thác hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh nhưng chừng đó vẫn không đủ để làm giảm bớt vai trò và tội ác của quân đội Đại Hàn trên mặt trận.
White Badge - một trong những bộ phim Hàn ít ỏi đề cập đến chiến tranh Việt Nam - Ảnh: IMDb
Bối rối về lịch sử
Trong số những bộ phim ít ỏi đề cập đến chiến tranh Việt Nam, White Badge (tạm dịch: Mề đay trắng) xứng đáng được xem như tuyệt tác điện ảnh Hàn Quốc dù không được nhiều người biết đến. Phát hành năm 1992, bộ phim khai thác sâu sắc đời sống tinh thần của những người lính trong và sau cuộc chiến. Nhân vật chính là phóng viên Han Ki-jo - một cựu binh. Sau cái chết của tổng thống Park Chung-hee, tờ báo của anh quyết định xới lại vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Trong quá trình tìm tư liệu, Han Ki-jo phải đối mặt với ký ức ghê rợn anh đã cố quên nhiều năm. Những trăn trở thực tại được lồng ghép xen kẽ những hồi tưởng trong quá khứ của Han Ki-jo. Đạo diễn Jeong Ji-young đã phác họa đậm nét cảnh tượng bạo tàn, làng mạc bị xâm lược và những cuộc hành quyết thường dân Việt Nam. Ông không né tránh trong cách thể hiện những người lính Nam Hàn: vừa là nạn nhân của hệ thống, nhưng cũng là những kẻ giết người mất nhân tính.
"May thay, không ai hỏi tôi nhận được gì từ đó (Việt Nam - PV). Tôi không bảo vệ Việt Nam hay hòa bình, tôi chỉ bảo vệ cuộc sống thảm hại của mình, trong khi ngày càng trở nên bối rối về giá trị nhân văn và lịch sử" - nhân vật Han Ki-jo độc thoại với chính nội tâm mà gã khinh rẻ.
Những cựu chiến binh trong White Badge là tù nhân của lương tâm. Người dùng món tiền bẩn kiếm được từ cuộc chiến để vung ra trong những cuộc chơi đàng điếm cốt để khỏa lấp quá khứ, kẻ mắc bệnh tâm thần và bị ám ảnh trận mạc đến mức phải chui gầm giường khi nghe tiếng sét. Họ không lối thoát, chỉ có cái chết chực chờ, hoặc phải tự sát hoặc kết liễu linh hồn của mình và ném chúng xuống địa ngục.
Cuối phim, Han Ki-jo đã giải thoát cho người đồng đội cũ bằng phát đạn ân huệ nhằm vào ngực y. Anh cũng nằm gục xuống đất, ghim tròng mắt trân trối vào khoảng không trống rỗng. Anh đã gửi đi một ánh mắt cho người dân Hàn Quốc, cái nhìn của lương tri đày ải.
Trở lại với bộ phim Little Women (2022), dù ra mắt sau White Badge những 30 năm, bộ phim lại thể hiện một cách nhìn hời hợt đối với chiến tranh. Đó không chỉ là bước lùi đáng thất vọng trong tư duy điện ảnh mà còn có phần coi nhẹ sự tàn khốc mà cuộc chiến đã đem lại cho người dân Việt Nam.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết cục này đã có văn bản ngày 3-10 yêu cầu Netflix gỡ phim Little Women khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam do có nội dung xuyên tạc lịch sử. Ông cũng cho biết Netflix đã phản hồi văn bản yêu cầu của cục, cho biết họ đang xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận