21/09/2018 11:07 GMT+7

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam phải tận dụng tốt thời cơ

LÊ THANH - A.HỒNG - T.LINH
LÊ THANH - A.HỒNG - T.LINH

TTO - Có thể nói cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp, căng thẳng và kéo dài chắc chắn tác động đến nền thương mại của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam phải tận dụng tốt thời cơ - Ảnh 1.

Những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sẽ được lợi. Trong ảnh: công nhân tại một doanh nghiệp gỗ xuất khẩu - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Trương Văn Phước, quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ

Ông Phước nói: "Với chủ trương làm bạn với nhiều đối tác, Việt Nam sẽ có những chính sách linh hoạt nhằm tận dụng tốt các cơ hội từ cuộc chiến thương mại này".

* Thương mại Việt Nam với các nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, thưa ông?

- Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt hơn 400 tỉ USD, gấp đôi cả GDP, chắc chắn bị ảnh hưởng khi lưu thông hàng hóa của thế giới có những diễn biến tiêu cực. 

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại và chắc hẳn có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tôi, tác động tiêu cực là không nhiều bởi Việt Nam đã theo đuổi chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa tất cả các quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ thương mại. 

Đến nay, Việt Nam đã mở rộng thương mại với rất nhiều đối tác, hơn 10 hiệp định thương mại tự do được ký kết. Và chủ trương của Việt Nam là không để xuất siêu hay nhập siêu quá lớn từ một thị trường nào.

* Một số chuyên gia nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có những tác động tích cực đối với các nước Đông Nam Á. Quan điểm của ông như thế nào?

- Theo tôi, sẽ có những thay đổi rất căn bản trong phân công lại, sắp xếp lại, bố trí lại cơ cấu sản xuất của hai cường quốc lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế khác nữa. 

Với việc áp thuế như thế, những doanh nghiệp có nhà máy, phân xưởng sản xuất ở Mỹ, Trung Quốc hay ở các quốc gia khác sẽ tính toán để làm sao hàng hóa của mình không vào quốc gia có xảy ra cuộc chiến tranh thương mại.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam phải tận dụng tốt thời cơ - Ảnh 2.

Ảnh: L.Thanh

* Liệu sẽ có thêm vốn ngoại rót vào Việt Nam?

- Cuộc chiến tranh thương mại này đặt ra rất nhiều bài toán cho các nhà đầu tư trên toàn cầu. Nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến hai yếu tố khi đầu tư vào bất cứ quốc gia nào. Thứ nhất là lạm phát của quốc gia đó có thấp hay không?

Thứ hai là tỉ giá hối đoái có ổn định hay không? Từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng khoảng 1,2%. Lạm phát thấp xấp xỉ 3,5%. 

Đặc biệt, chúng ta có nền chính trị ổn định là điểm quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, yên tâm làm ăn.

Trong mấy tháng qua, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, có những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán thế giới, rồi tỉ giá trên các thị trường ngoại hối. Nhiều đồng tiền bị mất giá.

Tuy có biến động về sự chu chuyển các dòng vốn trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đón nhận thêm vốn từ bên ngoài. Điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

* Vì sao đồng nhân dân tệ không còn có xu hướng mất giá thời gian gần đây, thưa ông?

- Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung được hai bên sử dụng cùng một loại "vũ khí" là thuế suất đánh vào hàng nhập khẩu. Nhưng vì là hàng hóa xuất nhập khẩu nên có một loại "vũ khí" khác nữa trong cuộc chiến tranh thương mại, đó là tỉ giá hối đoái.

Nếu phá giá tiền tệ nhiều, quốc gia đó sẽ phải sử dụng tỉ giá hối đoái để bù đắp sự kém cạnh tranh của hàng hóa nước mình. Từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu nhất quán, đó là không mong muốn đồng USD tăng giá.

Ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) muốn tăng lãi suất 2 lần từ nay đến cuối năm, đặc biệt từ ngày 27-9 FED có thể tăng lãi suất 0,25% thì tổng thống Mỹ đã có những ý kiến không đồng tình. 

Tuy nhiên, theo tôi, tổng thống Mỹ có thể sẽ học lại những bài học về thị trường ngoại hối, về tỉ giá hối đoái khoảng 40 năm trước ở ngay thị trường Hoa Kỳ.

Tháng 9-1985, Mỹ cùng với các nước Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp đã đi đến thỏa thuận giảm giá đồng USD so với đồng yen Nhật và đồng mark Đức để giải quyết vấn đề nhập siêu trầm trọng của nước Mỹ lúc đó. Chỉ hai năm sau, đến năm 1987, đồng USD mất giá hơn 50%.

Nhắc lại điều này để thấy tỉ giá hối đoái có ý nghĩa khá quan trọng, là "vũ khí" hữu hiệu phục vụ chiến tranh thương mại hiện nay. Nếu cần phải đưa ra một dự báo, theo tôi, đồng USD sẽ không tăng giá mạnh nữa và đồng nhân dân tệ không suy yếu nhiều hơn nữa.

* Cuối tháng 9 này, FED dự kiến tăng lãi suất, tỉ giá tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

- Các dự báo cho thấy ngày 27-9 FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%, thậm chí đến tháng 12 lãi suất sẽ tăng một lần nữa. Điều này gần như chắc chắn. Còn việc FED tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tỉ giá của Việt Nam.

Như Ngân hàng Nhà nước cho biết chính sách điều hành tỉ giá của Việt Nam đều có tính toán đến việc này rồi. 

Trong năm nay, theo dự báo của tôi, tỉ giá trung tâm tăng không quá 2%. Đây là mức điều chỉnh khá phù hợp trong điều kiện của tài chính thương mại quốc tế, cũng như điều kiện nội tại của nền kinh tế nước ta.

Ông Nguyễn Thái Linh (giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn 1):

Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó

Việc Trung Quốc đối phó lại các lệnh áp thuế từ Mỹ bằng chính sách tỉ giá có thể sẽ khiến DN nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Bởi hàng Trung Quốc sẽ tìm thị trường khác để tiêu thụ, trong đó có Việt Nam, nếu việc xuất sang Mỹ gặp khó.

Do tỉ giá VND/USD tăng, chúng tôi nhập khẩu (giấy, mực, hóa chất...) đã phải trả giá cao rồi.

Chưa kể hàng loạt chính sách khác như tăng lương tối thiểu làm chi phí của DN gia tăng thêm. Do vậy, kết quả kinh doanh năm nay dự báo giảm 10-15% so với năm ngoái.

Chúng tôi cũng đang tính toán các biện pháp để đối phó, trước mắt giảm hàng tồn kho, giảm vốn vay và giảm bớt nhân sự. Khi nào tình hình ổn định mới dám mở rộng.

Ông Trần Duy Khanh (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam):

Ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, chắc chắn ngành chăn nuôi Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc và Mỹ đều là cường quốc chăn nuôi lớn trên thế giới.

Một khi không xuất khẩu được sang Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách đưa sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt heo, sang Việt Nam bằng "đường mòn, lối mở". Tương tự, các sản phẩm gia cầm giá rẻ của Mỹ cũng sẽ đổ bộ vào Việt Nam.

Trong lúc tình hình dịch tả heo châu Phi ngày càng nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần phải siết chặt, kiểm soát các đường biên giới để ngăn chặn lợn thịt, heo giống Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam.

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm dịch, nhất là hàng tạm nhập tái xuất, tránh tình trạng mượn danh tạm nhập tái xuất nhưng tiêu thụ tại Việt Nam, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Chiến tranh thương mại leo thang: Mỹ - Trung

TTO - Tổng thống Mỹ đã chính thức công bố áp thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, đưa cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực do độ mở lớn.

LÊ THANH - A.HỒNG - T.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp