02/03/2023 11:36 GMT+7

Chiến tranh NATO - Nga đang diễn ra?

Cuộc chiến giữa Nga với Ukraine - quốc gia đang được NATO trang bị vũ khí - thực chất là cuộc chiến giữa Nga với Ukraine hay giữa Nga với NATO? Những tuyên bố của Matxcơva về vấn đề này đang gây nhiều chú ý.

Các sĩ quan Ukraine đi ngang qua xe quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày trong cuộc triển lãm ngoài trời ở thủ đô Kiev, Ukraine hôm 27-2 - Ảnh: AFP

Các sĩ quan Ukraine đi ngang qua xe quân sự Nga bị phá hủy được trưng bày trong cuộc triển lãm ngoài trời ở thủ đô Kiev, Ukraine hôm 27-2 - Ảnh: AFP

Từ đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya cho tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, và mới nhất là người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, phía Nga những ngày gần đây liên tục tuyên bố họ đang trong một cuộc chiến với NATO, với cả phương Tây, chứ không chỉ với Ukraine.

Một trong những lập luận của Nga là NATO đang "cung cấp vũ khí miễn phí cho Ukraine để bắn vào quân đội chúng tôi".

Nga nói "có", NATO nói "không"

"Các nước Pháp, Anh, Mỹ hiện đang ở trong cùng một tổ chức (NATO) mà trên thực tế đang có chiến tranh với chúng tôi và đang trong tình trạng đối đầu vũ trang trực tiếp với chúng tôi do vũ khí của họ ở Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Izvestia (Nga) hôm 28-2.

Kể từ đầu chiến sự đến nay, đây không phải lần đầu tiên Nga nói họ đang trong cuộc chiến với NATO. Tháng 9-2022, thời điểm Nga công bố sắc lệnh động viên một phần, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng từng nói Nga đang không chỉ đối đầu với Ukraine, mà còn với NATO.

"Tại thời điểm này, chúng tôi thực sự đang có chiến tranh với NATO, với cả phương Tây", ông Shoigu lúc đó nhấn mạnh, cho rằng Nga đã thành công trong việc tìm cách chống lại các vũ khí do phương Tây cấp cho Ukraine. Ông cũng nói Ukraine đã gần như không còn các vũ khí sản xuất từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên lập trường của NATO lại khác. "Hiện NATO không có chiến tranh với Nga. NATO thậm chí còn chưa bắt đầu một chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Nga", ông Gabrielius Landsbergis, ngoại trưởng Lithuania (Litva), nước thành viên NATO, viết trên Twitter hôm 21-2.

NATO khẳng định họ ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine, nhiệm vụ cốt lõi của họ là giữ an toàn cho 30 nước thành viên trong khối và đảm bảo xung đột không leo thang, không lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng dựa trên các định nghĩa được quốc tế chấp nhận, việc cho rằng NATO đang có chiến tranh với Nga là không có cơ sở.

Ông William Alberque - giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - giải thích: "Chiến tranh cần có các cuộc tấn công do lực lượng của Mỹ hoặc NATO thực hiện, triển khai từ lãnh thổ NATO chống lại lực lượng Nga, lãnh thổ Nga hoặc người dân Nga".

Giới chuyên gia cũng nhắc lại điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc: "Không một điều khoản nào trong hiến chương này làm thiệt hại đến quyền tự vệ cá thể hay tập thể chính đáng, trong trường hợp một thành viên Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang, cho đến khi Hội đồng Bảo an ấn định những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".

Tuy nhiên, Đài CNN cho rằng vẫn có một số "vùng xám" Nga có thể khai thác để tuyên bố NATO là một bên tham gia xung đột. Một trong số đó có thể là việc thông tin tình báo phương Tây được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng có một "Bộ chỉ huy phương Tây" đã hiện diện tại thủ đô Kiev của Ukraine và chỉ đạo hoạt động quân sự ở Ukraine. Ông cáo buộc hơn 70 vệ tinh quân sự và 200 vệ tinh dân sự của phương Tây đang hoạt động để do thám vị trí của phía Nga.

Xung đột sẽ không lan rộng?

Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đầu tuần này, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho rằng việc Mỹ và các nước NATO khác liên tục cấp vũ khí cho Kiev là dấu hiệu chắc chắn cho thấy phương Tây muốn leo thang hơn nữa cuộc khủng hoảng Ukraine.

"Cho đến nay, hành động của Mỹ và các nước NATO khác cho thấy họ muốn tiếp tục leo thang cuộc khủng hoảng. Vũ khí hạng nặng, gồm cả xe tăng do Mỹ và Đức sản xuất, sẽ được cấp cho Kiev và khả năng gửi máy bay chiến đấu cũng đang được thảo luận", ông Morgulov nói.

Trong khi đó, ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và là giám đốc cấp cao của Trung tâm Á - Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng việc Matxcơva coi cuộc chiến ở Ukraine là chiến tranh giữa NATO - Nga sẽ giúp họ giải thích cho công chúng Nga vì sao chiến dịch quân sự của Nga đã không thành công nhanh chóng như ông Putin mong đợi.

Giới quan sát lo ngại cuộc chiến ở Ukraine có thể lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine. Tuy nhiên, hiện ít có khả năng như vậy vì việc để cuộc chiến lan sang châu Âu sẽ không có lợi cho bên nào, theo trang Euronews.

"Công bằng mà nói, không ai muốn cuộc chiến lan rộng ra ngoài Ukraine. Hiện tại kịch bản đó không có lợi cho Nga và cũng không có lợi cho NATO", nhà nghiên cứu Mathieu Droin tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) giải thích.

Drone tấn công vào sâu lãnh thổ Nga

Ngày 28-2, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine thực hiện loạt tấn công bằng drone nhằm vào cơ sở hạ tầng sâu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Andrei Vorobyov, thống đốc tỉnh Matxcơva, cho biết một drone của Ukraine đã bị bắn rơi gần làng Gubastovo phía đông nam thủ đô của Nga. Theo Đài CNN, cho tới ngày 1-3 Ukraine chưa lên tiếng về vụ việc. Trước đây Ukraine thường từ chối bình luận về các cuộc tấn công xảy ra bên trong lãnh thổ Nga.

Nga tố Ukraine tập kích lớn vào Crimea bằng UAVNga tố Ukraine tập kích lớn vào Crimea bằng UAV

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chặn đứng một đợt tập kích lớn của Ukraine bằng máy bay không người lái vào bán đảo Crimea ngày 1-3, và nhấn mạnh không có thương vong nào trên mặt đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp