06/10/2019 10:32 GMT+7

Chiến tranh drone - chiến tranh của tương lai

SÁNG ÁNH
SÁNG ÁNH

TTO - Những bước phát triển của drone 20 năm qua khiến tương quan mạnh - yếu cổ điển về quân sự lung lay. Chẳng khác gì bà mẹ đơn thân Hai Phượng đập chết cả băng đảng buôn người...

Chiến tranh drone - chiến tranh của tương lai - Ảnh 1.

Ảnh: The New York Times

Sáng 14-9-2019, Vương quốc Saudi vùng bật dậy thẫn thờ dụi mắt. Đây là quốc gia có ngân quỹ quốc phòng thứ 3 thế giới, với 68 tỉ USD năm 2018 và là bá cường khu vực, trấn sa mạc, bình eo biển.

Hai trung tâm kỹ nghệ Khurais và Abqaiq, một là nhà máy bơm và một là nhà máy lọc dầu, vừa bị đánh. Tuy không có người thiệt mạng, 50% khả năng sản xuất dầu hỏa của nước này tê liệt tức khắc. Đây là 5% của lượng sản xuất dầu thế giới, hay 5,7 triệu thùng/ngày, quy ra tiền tương đương thiệt hại 315 triệu USD mỗi ngày.

Ai là kẻ thủ ác, vượt qua kiểm soát không phận hiện đại hàng đầu và lực lượng không quân hạng 12 thế giới với 242 chiến đấu cơ phối hợp cùng hệ thống rađa và tên lửa?

"Chiến tranh được Saudi sửa soạn trong 30 năm và họ thất bại chỉ trong 30 phút" - theo lời Pierre Noel, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS). Phong trào phiến loạn Houthi tại Yemen với 100.000 tay súng đi dép đứt quai cho biết đây là chiến công của họ, dùng 10 drone để ra tay.

Từ tên lửa tới drone

Đây không phải lần đầu phong trào phiến loạn này sử dụng drone (hay UAV - Unmaned Aerial Vehicle, máy bay không người lái) trong chiến tranh với Saudi từ hơn 4 năm nay.

Từ tháng 4-2017 đến tháng 9-2018, mỗi tháng phe Houthi phóng trung bình 6 chiếc Qasef 1 là phiên bản địa phương của drone Ababil T do Iran chế tạo, tầm xa 100km và mang 30kg chất nổ, sang Saudi. Các drone này dùng để đánh tên lửa hay rađa của hệ thống phòng không Patriot đặt bên kia biên giới.

Giai đoạn 2015 - 2017, Houthi từng bắn 60 tên lửa Qaher 1 sang Saudi. Đây là tên lửa phòng không cũ SA2 của Liên Xô, được cải tiến thành tên lửa đánh mặt đất, mang 125kg chất nổ và tầm xa 250km.

Năm 2017, Houthi lên cấp, dùng tên lửa Burkan 2-H, phiên bản của tên lửa Liên Xô Scud, mang đầu đạn 750kg chất nổ, đánh thủ đô Riyadh và nhà máy dầu Yanbu. Tuy các tên lửa này không gây nhiều thiệt hại, nhưng chúng chứng tỏ hệ thống phòng không hiện đại của Saudi chỉ là "hổ giấy".

Ngoài drone, Houthi từng dùng tàu không người lái đánh chiến hạm Saudi một bận, làm hai người chết và gây hư hại nhẹ cho tàu. Thế nào thì chuyện mới đây cũng đặt ra vấn đề làm sao đối đầu với một địch thủ nghèo và yếu kém, dùng vũ khí bất đối xứng, giá chỉ vài đồng, nhưng lại làm tê liệt một bá quyền rủng rỉnh xu hào.

Phía Saudi đổ ngay thủ phạm ném đá các giếng dầu là kình địch Iran, dùng 18 drone và 7 tên lửa, nhưng không đưa ra bằng chứng. Iran là bạn từ xa của Houthi và có khả năng cao về kỹ thuật, chí ít là nghe đâu có thể làm bom nguyên tử và tên lửa tầm xa đe dọa thế giới, tức là đe dọa Hoa Kỳ.

Trong 40 năm bị vây hãm và cấm vận, từ ngày thần quyền lật đổ chế độ quân chủ của vua Shah (thân Mỹ), Iran đã tự lực trong lãnh vực quốc phòng và đầu tư vào việc sản xuất vũ khí bất đối xứng như tên lửa và drone, ghe máy, thay vì chiến hạm hay phi cơ tiêm kích, phi cơ chiến đấu đắt tiền.

Những bước phát triển của drone 20 năm qua khiến tương quan mạnh - yếu cổ điển về quân sự lung lay. Chẳng khác gì bà mẹ đơn thân Hai Phượng đập chết cả băng đảng buôn người.

Ưu việt so với tiêm kích truyền thống

Một phi vụ máy bay tiêm kích truyền thống cần phi trường với phi đạo tương ứng, đặt vấn đề xây dựng căn cứ và an ninh của căn cứ. Thời gian thực hiện phi vụ giới hạn là 1-2 tiếng.

Drone, ngược lại, có thể điều khiển bởi người lái ở căn cứ Jalalabad (Afghanistan) hay thậm chí từ tận Creech AFB (bang Nevada ở Hoa Kỳ), mỗi phi vụ 24 tiếng có 3 ca phi công thay phiên nhau nhìn màn hình. Các phi công này không cần sức khỏe, mắt tốt, giỏi toán và đèn sách mấy năm huấn luyện cấp đại học..., mà được tuyển thẳng từ các game thủ.

Hiện số phi công drone trong quân lực Mỹ đã vượt số phi công máy bay. Võ trang có thể thay đổi để đáp ứng hoàn cảnh, bằng tên lửa Hellfire chống chiến xa, công sự hay tên lửa nhỏ SSW (võ khí nhỏ thông minh) nhắm vào người, xe gắn máy.

Đây là giải pháp chiến tranh thật sự ưu việt. Drone đời chót như Reaper mang 1.360kg vũ khí, hoạt động 27 tiếng liên tục, trần cao nhất là 15.000m, tốc độ cao nhất là 430 km/h, nhưng có thể là đà rất thấp, tránh hệ thống phòng không. Vũ khí này không cần tốn phí huấn luyện cao, không cần hạ tầng cơ cấu nặng, không có thiệt hại về nhân mạng. Giá thành lại rẻ: 16 triệu USD so với một chiến đấu cơ 40 hay 100 triệu.

Trên lý thuyết thì ngoài sự lợi hại trong việc đánh khủng bố, drone còn giảm số thường dân bị sát hại oan ức vì nhìn kỹ mục tiêu hơn một chiến đấu cơ bay ngang cái ào với tốc độ cả ngàn cây số/giờ và văng bom xuống đất.

Tuy nhiên trong thực hành, đến tháng 6-2015, số người bị drone sát hại tại khu vực giáp ranh Afghanistan - Pakistan lên đến 6.000 mạng, tỉ lệ là 10 thường dân và 1 khủng bố. Lý do là ở đời chẳng có gì đơn giản cả, và anh nào râu ria đeo súng đối với drone đều là khủng bố.

Đơn cử, ngày 17-3-2011, một hội nghị của 38 viên chức dân cử thuộc chính quyền Pakistan bị drone đánh vì nhầm là họp khủng bố. Có lúc cả đám ma, đám cưới cũng bị đánh nhầm. Tuy drone hẳn phân biệt bạn/thù rõ hơn phi pháo, nhưng cũng chỉ là một dụng cụ và nếu dùng bừa bãi, thiếu phần "tình báo con người", thì vẫn lệch lạc trong việc thi hành.

Việc sử dụng drone tối đa này gây ra hội chứng "drone arrogance" (kiêu căng không người lái). Sau khi thủ tướng Pakistan lúc bấy giờ Pervez Musharraf cho phép Mỹ dùng drone trong không phận Pakistan mà không cần báo trước hay xin phép thì tình báo quân đội Pakistan (ISI) thấy họ mất ảnh hưởng và chủ quyền quốc gia.

Giữa các cơ quan Hoa Kỳ cũng mâu thuẫn, chương trình "ám sát" bằng drone là do CIA thực hiện bí mật, quân đội không kiểm soát được, gây ra ganh ghét lẫn nhau và hội chứng "các anh giết nhiều thường dân hơn tôi".

Về công nghệ cũng có nhiều kẽ hở chết người. Lúc đầu, một phần mềm mua giá 15 USD từ Nga cho phép Taliban hay Al Qaeda dưới đất bật laptop lên và thấy được trên màn hình các drone đang hoạt động, "nó đang đầu ngõ nhà mình kìa"!

Kẽ hở này sau đó được chấn chỉnh, nhưng đã không người lái thì vẫn có thể hack được. Ngày 5-12-2011, Iran cướp được một drone thám thính Sentinel của Hoa Kỳ bằng vũ khí cyber, ra lệnh cho chiếc này đáp xuống Iran thay vì trở về căn cứ.

Vụ chặn bắt thành công gần như mỹ mãn, chỉ sai lầm ở độ cao khi đáp mấy chục mét, khiến drone hụt chân và bị hư hại phần dưới bụng. Nhưng vẫn đủ để Iran khai thác được thông tin kỹ thuật và tự sản xuất drone tương tự.

Còn nhiều ứng dụng

Vũ khí drone là một lãnh vực mới và rộng, từ giá vài ngàn USD một chiếc dùng để "nhích đầu lên" thấy địch bên kia đồi mà không sợ bị bắn vỡ sọ, đến gắn cho nó hai quả lựu đạn ném dọa như thấy sử dụng tại Syria - Iraq bởi các toán bộ binh hai bên.

Ngân quỹ quốc phòng Mỹ dành cho các chương trình drone tăng đều các năm qua, 5,76 tỉ USD năm 2017, 6,97 tỉ năm 2018, và 9,39 tỉ năm 2019. Ở cấp quốc gia, nó cho phép Hoa Kỳ kéo dài chiến tranh bất tận tại Afghanistan - Pakistan và Trung Đông vì kín đáo, không tốn kém nhiều, và không gây tổn thất nhân mạng.

Mặt tiêu cực là phi công tiêm kích của drone dần sẽ thân quen với mục tiêu, thuộc từng thôn xóm và quả đồi, trẻ em chơi diều và phụ nữ vắt sữa dê trước khi bấm cò. Sau đó người phi công sẽ thấy hậu quả của việc bấm cò trên màn hình, lặp đi lặp lại, chứ không bay mất 3 giây sau khi ném bom như trước kia.

Mặt tiêu cực ở dưới đất là sự hiện diện thường xuyên và lâu dài của drone trong vùng. Nó cứ lượn qua lượn lại hết ngày này sang ngày khác, chẳng hiểu lúc nào thì nó bắn, khác hẳn với nghe tiếng phi cơ thì chạy xuống hầm, làm tăng số người tị nạn phải bỏ xứ vì thần kinh căng thẳng.

Nó góp phần kéo dài chiến tranh khiến nửa triệu người thiệt mạng, trong đó 250.000 là thường dân (tháng 10-2001 đến tháng 10-2018 ở Afghanistan - Pakistan). Năm 2017, số người tị nạn tại các khu vực chiến tranh này là hơn 12 triệu.

Ngày 14-9 vừa rồi lại một lần nữa cho thấy tính hai mặt của drone. Cho đến giờ, drone là ưu điểm của quân đội Mỹ. Nhưng Iran hay Houthi không phải mù, họ cũng biết chộp lấy vũ khí này và đến lượt họ gây ra tổn thất không ngờ, vô hiệu hóa các chiến đấu cơ đánh chặn và hệ thống phòng không của quốc gia vung tiền không tiếc như Saudi.

Các hỏa tiễn và drone này, từ giàn phóng xe tải nhẹ 4 bánh, làm tê liệt cho đến nay là 15 ngày sản xuất dầu thô của Saudi, tức 85,5 triệu thùng, trị giá 4,7 tỉ USD. Saudi cho biết họ sẽ phục hồi nay mai, và trong khi chờ đợi sẽ tiếp tục dùng dự trữ để đáp ứng nhu cầu.

Thị trường an tâm và giữ giá cũ, nhưng đó là vì không ai muốn lớn chuyện với Iran. Còn gây gổ và lớn tiếng, Houthi tặng thêm vài chục drone nữa, thì ai biết ra sao ngày sau!

Việc sử dụng vật bay không người lái trong chiến tranh không mới. Thế kỷ 19, quân Áo từng dùng khinh khí cầu ném bom thành Venice. Thế chiến II, quân Nhật đã thử dùng khinh khí cầu ném bom lục địa Mỹ.

Drone theo nghĩa hiện đại thực sự được thử nghiệm trong lãnh vực quân sự từ 1995, trong chiến tranh tại Trung Âu, tiên phong là Hoa Kỳ. Các phi vụ này ban đầu chỉ là để thám thính, thu hình, tình báo điện tử và hướng dẫn đánh bom bằng xác định mục tiêu với tia laser.

Drone có nhiều lợi thế chiến thuật hơn phi cơ, ngoài giá thành sản xuất rẻ: các vật bay này rất dài hơi, có thể ở trên không 24 tiếng liền, khó bị phát hiện bởi các hệ thống rađa nhờ bay thấp bám địa hình, và khi bị bắn rơi không có tổn thất nhân mạng.

Một phi công tiêm kích là đầu tư của quốc gia từ lúc sinh ra, vào trường mẫu giáo, cho đến khi tốt nghiệp huấn luyện và cả ngàn giờ bay với giá mấy ngàn USD một giờ. Phi đoàn drone đầu tiên của Mỹ, Predator, được lập năm 2000 và chẳng mấy chốc được võ trang để săn lùng và tiêu diệt bin Laden - Al Qaeda tại Pakistan.

Chiến thuật Chiến thuật 'ruồi bu' với Drone đã xuất hiện ở Saudi Arabia?

TTO - Trong tương lai gần, máy bay không người lái (drone) sẽ trở thành thứ vũ khí đáng sợ trên chiến trường. Vụ tấn công các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia mới đây đã cho thấy hiệu quả và uy lực của các cỗ máy điều khiển từ xa.

SÁNG ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp