Khi Đảng Cộng hòa đang chia rẽ và mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, Tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng đặt mình lên trên cuộc xung đột nhằm chứng tỏ ông là người bình tĩnh và là sự thay thế cho hỗn loạn.
Trong tuyên bố ngày 4-10 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden kêu gọi chấm dứt sự đối đầu chính trị tại Washington D.C - thủ đô của nước Mỹ.
"Chúng ta cần thay đổi bầu không khí độc hại ở Washington", ông Biden nói tại Nhà Trắng. "Chúng ta có những bất đồng sâu sắc nhưng chúng ta cần ngừng coi nhau là kẻ thù", vị tổng thống là đảng viên Dân chủ thúc giục.
Hôm 3-10 (giờ Mỹ), 8 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện và các nghị sĩ Dân chủ đã bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Động thái được dự báo sẽ làm phức tạp thêm cuộc đàm phán tìm kiếm ngân sách cho Chính phủ Mỹ, đồng thời đẩy phe Cộng hòa vào cuộc đấu đá nội bộ để tìm ra người thay thế ông McCarthy.
Ít nhất 4 người đã thể hiện ý định chạy đua vào chiếc ghế bỏ trống tính đến ngày 4-10.
Sau lời kêu gọi nhắm đến cả hai phe, Tổng thống Biden quay trở lại với các chính sách mà ông tin sẽ thu phục được cử tri. Trong đó ông thông báo thêm 9 tỉ USD giảm nợ cho sinh viên, sau khi Tòa án tối cao hủy bỏ chương trình xóa nợ của ông vào tháng 6.
Trước đó, hôm 3-10, tổng thống cũng cho biết các nhà sản xuất thuốc đã đồng ý đàm phán về việc giảm giá. Đây là bước quan trọng trong nỗ lực của ông nhằm cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng cao ngay trước bầu cử tổng thống năm sau.
Những động thái của đương kim tổng thống, theo Hãng thông tấn AFP, không nằm ngoài mục tiêu tạo ra sự tương phản với phe Cộng hòa.
Ông Robert Rowland, chuyên gia truyền thông chính trị tại Đại học Kansas, đánh giá cao cái gọi là chiến thuật "chia đôi màn hình" của ông Biden.
"Ông ấy nên chứng tỏ mình là một tổng thống mạnh mẽ và để cho cuộc tắm máu của Đảng Cộng hòa diễn ra. Ông ấy không thể làm bất cứ điều gì trong chuyện này ngoài việc để Đảng Dân chủ được hưởng lợi từ đó", ông Rowland nêu quan điểm.
Trong chiến thuật đó, việc sử dụng quyền lực và các hình ảnh biểu tượng của tổng thống cũng được tận dụng. Tổng thống Biden đã đưa ra những lời kêu gọi hòa giải ngày 4-10 từ Phòng Roosevelt của Nhà Trắng, tạo cảm giác ông là một người bình tĩnh và đứng trên sự hỗn loạn.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ông Biden khó có thể đứng ngoài cuộc nếu cuộc đấu đá ở Hạ viện bất phân thắng bại.
Ngân sách tạm thời cho Chính phủ sẽ hết hạn vào ngày 18-11 và cả hai đảng cần tìm được tiếng nói chung trước mốc đó để tránh viễn cảnh Chính phủ liên bang đóng cửa.
Tuy nhiên, tâm trí của các nghị sĩ ở Hạ viện giờ đây đang bị cuốn vào cuộc đua quyền lực và làm thế nào để loại bỏ nguyên tắc khiến một chủ tịch Hạ viện bị hạ bệ dễ dàng như vừa qua.
Một vấn đề nữa là các khoản viện trợ cho Ukraine sẽ tiếp tục bị trì hoãn nếu khủng hoảng ở Hạ viện Mỹ không có lối thoát. Các khoản tiền dành cho Ukraine đã bị cắt khỏi ngân sách tạm thời khiến một số nước đồng minh của Mỹ lo lắng.
Tổng thống Biden đã cố gắng trấn an những nước này, rằng các nhà lập pháp lưỡng đảng sẽ đưa ngân sách viện trợ cho Ukraine trở lại. Thế rồi biến cố tại Hạ viện xảy ra, khiến lời trấn an đó bị đặt dấu chấm hỏi lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận