Tổng thống Mỹ Donald - Ảnh: Reuters
Gọi Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mới, thay thế cho Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), là "thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử Mỹ", ông Trump khẳng định thỏa thuận mới xóa bỏ những sai lầm của thỏa thuận NAFTA bao phủ ba nền kinh tế trị giá 1.200 tỉ USD và đưa khu vực này trở lại vị trí "cường quốc sản xuất".
Lãnh đạo ba nước Bắc Mỹ này sẽ chính thức ký thỏa thuận vào cuối tháng 11-2018 trước khi đệ trình lên quốc hội thông qua.
Nhiều lợi ích cho Mỹ
Thỏa thuận USMCA đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ. "Những biện pháp này sẽ hỗ trợ hàng trăm ngàn việc làm cho người Mỹ, hơn thế, đó là những việc làm chất lượng cao" - Reuters dẫn lời tổng thống Mỹ.
Trong thỏa thuận đạt được vào phút cuối với Canada, Ottawa chấp nhận mở cửa thị trường sữa vốn được bảo hộ chặt chẽ cho các nông dân Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thuế xe hơi nhập khẩu từ Canada.
Tuy nhiên tỉ lệ nội địa hóa xe nâng từ 62,5% lên 75% và 40-45% phụ tùng xe phải được sản xuất ở Bắc Mỹ với mức lương tối thiểu 16 USD/giờ. Hai cơ chế giải quyết các bất đồng thương mại là Chương 19 và 20 sẽ được giữ lại trong khi cơ chế thứ ba, Chương 11, bị loại khỏi thỏa thuận Mỹ - Canada nhưng vẫn được giữ lại trong một số lĩnh vực như dầu khí, hạ tầng và viễn thông giữa Mỹ và Mexico.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đều hoan nghênh thỏa thuận mới. "Chúng tôi đã phải nhượng bộ. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó sẽ dễ dàng, nó không dễ dàng, nhưng hôm nay là một ngày tốt lành cho Canada" - ông Trudeau nói.
Ngay từ đầu, việc Mexico và Canada chấp nhận tái đàm phán NAFTA đã tạo ưu thế cho Mỹ. Bên cạnh việc liên tục đe dọa đánh thuế, đặt ra hạn chót, dọa loại ra khỏi cuộc chơi... Washington cũng áp dụng chiến thuật đàm phán riêng lẻ với hai thành viên còn lại trong thỏa thuận.
Việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận vào tháng 8-2018 đã thực sự gây sức ép lớn lên Canada, giúp Mỹ đạt được nhiều mục tiêu hơn trong thỏa thuận với Ottawa và là nước có lợi nhất trong USMCA.
Vòng vây đối với Trung Quốc
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng USMCA, ông Trump cho rằng "Trung Quốc rất muốn đối thoại nhưng vẫn còn quá sớm để đàm phán bởi họ chưa sẵn sàng.
Về mặt chính trị, nếu quá vội vàng sẽ không thể đạt một thỏa thuận phù hợp cho đất nước cũng như người lao động của mình", để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục đánh thuế hàng hóa của Bắc Kinh.
Thậm chí, theo các chuyên gia, Mỹ dường như đang chuẩn bị sẵn chiến thuật dành cho Trung Quốc. Trong vài tuần qua, chính quyền ông Trump đã tạo nên một "liên minh" sau khi đạt được thỏa thuận vào phút chót với Canada, Mexico, ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và thuyết phục Nhật Bản đàm phán song phương, vận động Liên minh châu Âu gây sức ép lên Trung Quốc.
USMCA cũng được coi là một thỏa thuận "chống Trung Quốc" với các điều khoản sửa đổi buộc các thành viên phải báo trước 3 tháng nếu đàm phán thương mại với một "nền kinh tế phi thị trường" và Washington có thể hủy thỏa thuận với Mexico hoặc Canada nếu một trong hai bắt tay với một nền kinh tế phi thị trường.
"Nếu Mỹ đạt thỏa thuận với các đối tác thương mại lớn, trong đó cũng có nhiều nước là đối tác quan trọng của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ càng cảm thấy bị bủa vây" - chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell, Eswar Prasad nhận định.
Ấn Độ và Brazil vào tầm ngắm
Ông Trump ngày 1-10 cũng chỉ trích các chiến thuật thương mại của Ấn Độ và Brazil "có lẽ là kinh khủng nhất thế giới về chủ nghĩa bảo hộ".
Theo tổng thống Mỹ, "Ấn Độ đánh thuế cao khủng khiếp" đối với Mỹ và cho biết thêm Ấn Độ muốn bắt đầu đối thoại "ngay lập tức" với Washington về thương mại.
Ông cũng chỉ trích Brazil, nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Mỹ "nằm trong số những nước khó làm ăn nhất trên thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận