08/03/2022 07:28 GMT+7

Chiến sự tại Ukraine làm giá dầu, giá kim loại tăng, chứng khoán giảm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Thị trường chứng khoán mất điểm, giá kim loại đạt mức cao kỷ lục và giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 7-3 sau khi Mỹ bàn về việc cấm nhập khẩu với dầu thô của Nga - một động thái mà châu Âu kêu gọi thận trọng.

Chiến sự tại Ukraine làm giá dầu, giá kim loại tăng, chứng khoán giảm - Ảnh 1.

Các thùng dầu tại bãi của tập đoàn Canada Vermilion Energy ở Parentis-en-Born, Pháp - Ảnh: REUTERS

Chứng khoán giảm

Theo Hãng tin AFP, thị trường chứng khoán ở châu Âu dao động lên xuống sau khi thị trường ở Hong Kong giảm 4%, Frankfurt giảm 2% trong phiên giao dịch ngày 7-3, thị trường ở London và Paris tiếp tục giảm ở mức thấp.

Ở Mỹ, thị trường chứng khoán gặp cú sốc lớn, chỉ số S&P 500 (chỉ số được tính toán dựa trên vốn hóa thị trường của 500 công ty đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ) giảm 3% trên diện rộng vào cuối phiên và chỉ số Nasdaq mất 3,6%.

"Có vẻ như sự thay đổi cơ bản do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine gây ra là áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào một thời điểm nào đó trong 24 tháng tới", chuyên gia Edward Moya của Công ty Oanda nhận định.

Ngày 6-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Nhà Trắng và các đồng minh đang thảo luận về việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo động thái này có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro. Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đồng tình với quan điểm này.

Ông Scholz nói: "Châu Âu đã cố ý miễn trừng phạt các nguồn cung năng lượng từ Nga. Hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu để sưởi ấm, di chuyển, sản xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu với việc cung cấp cho các dịch vụ công cộng và đời sống hằng ngày của người dân châu Âu".

Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, lượng khí đốt nhập từ Nga là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.

Tuần này, khi phương Tây và Mỹ siết các biện pháp trừng phạt Nga, EU vẫn phải bỏ ra khoản tiền 722 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng từ Nga, cao gấp ba lần so với thời điểm trước khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine - số liệu do tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) cung cấp.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tuần trước, cao ủy phụ trách năng lượng EU, ông Kadri Simson cho rằng thay thế năng lượng nhập khẩu Nga là bài toán không dễ. Việc xây dựng các trạm, cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hay Qatar có hạn chế nhất định. Chính phủ Đức mới đây thông qua kế hoạch xây dựng hai trung tâm lưu trữ LNG kiểu này, nhưng sớm nhất phải ba năm nữa mới hoàn tất.

Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets Anh, cho rằng: "Mỹ có thể không sao khi cấm nhập khẩu dầu của Nga nhưng để làm như vậy ở châu Âu thì sẽ khó khăn hơn nhiều".

Dầu, kim loại tăng

Trong ngày 7-3, hợp đồng dầu thô Brent Biển Bắc tiêu chuẩn đã vọt lên mức cao nhất gần 14 năm khi đạt 139,13 USD trước khi hạ nhiệt xuống chỉ còn hơn 123 USD.

Mức cao kỷ lục trước đây là 147,50 USD xác lập năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá khí đốt châu Âu cũng đạt đỉnh kỷ lục do lo ngại về nguồn cung năng lượng.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu.

Giá vàng tăng lên hơn 2.000 USD/ounce vì là kênh đầu tư an toàn. Giá các kim loại nhôm, đồng, niken và palađi đều tăng vọt.

Richard Hunter, trưởng bộ phận thị trường của Công ty Interactive Investor, cho biết: "Giá hàng hóa và năng lượng chắc chắn đã chịu áp lực tăng. Các lệnh trừng phạt leo thang với Nga và việc đóng cửa một số cảng ở Ukraine thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn cung thay thế cho nông sản, kim loại và năng lượng".

Hãng thông tấn Interfax Ukraine đưa tin Ukraine, một trong những nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, đã đặt ra hạn chế xuất khẩu với lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Động thái này đã đẩy giá lúa mì lên cao với Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới và Ukraine đứng thứ 4, theo ước tính chính thức của Mỹ.

Giá tăng đang là vấn đề đau đầu với các ngân hàng trung ương. Bối cảnh hiện tại cũng đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát, áp lực lạm phát tăng khó sẽ bù đắp bằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cuối tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt với Nga sẽ có "tác động nghiêm trọng" đến nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu tăng gần 140 USD/thùng, vàng châu Á vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce Giá dầu tăng gần 140 USD/thùng, vàng châu Á vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce

TTO - Chỉ trong vài phút giao dịch đầu ngày 7-3, cả giá dầu Brent và WTI đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2008, trong khi dầu Brent vọt lên 139,13 USD/thùng thì dầu WTI cũng tăng lên mức 130,5 USD/thùng.


HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp