30/11/2011 07:10 GMT+7

Chiến lược giải quyết tranh chấp Hoàng Sa

TS LÊ MINH PHIẾU
TS LÊ MINH PHIẾU

TT - Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông bao gồm tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và đường chữ U (đường lưỡi bò). Việc đặt trọng tâm Hoàng Sa trong số những tranh chấp này để đòi lại Hoàng Sa, mà vẫn có thể giải quyết được các tranh chấp khác, đòi hỏi một chiến lược hẳn hoi.

qCInzE7l.jpgPhóng to
TS Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu Hoàng Sa - tặng phiên bản An Nam đại quốc họa đồ cho tộc họ Phạm Văn ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bản đồ này xuất bản năm 1838 có vẽ chính xác tọa độ Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Minh Thu

Read this on Tuoitrenews.vn

Phải gắn Hoàng Sa với tranh chấp biển Đông

Đòi hỏi đường chữ U của Trung Quốc trên biển Đông gây phương hại rất lớn cho quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam. Từ đòi hỏi này, Trung Quốc đã cản trở rất lớn đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển liên quan, đặc biệt là đánh bắt cá và khai thác dầu khí.

Để có thể giải quyết căng thẳng trên, Việt Nam và Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán để phân chia vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Nếu muốn đòi lại Hoàng Sa, điều cơ bản nhất là không bao giờ được bỏ qua Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán trên biển Đông, mà phải gộp Hoàng Sa vào “tranh chấp trên biển Đông” trên các diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế.

Muốn Trung Quốc vừa chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa, Trường Sa, vừa đàm phán về đưỡng chữ U, Việt Nam chẳng những phải dựa vào ASEAN mà còn dựa vào Thượng đỉnh Đông Á.

Thượng đỉnh Đông Á hiện bao gồm 18 thành viên. Ngoài ASEAN, khuôn khổ này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và kể từ ngày 19-11-2011 có thêm Mỹ và Nga.

Nguyên nhân ra đời của Thượng đỉnh Đông Á xuất phát từ thất bại của Nhật trong việc đối trọng với Trung Quốc trong khuôn khổ ASEAN+3 (ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Nhằm xây dựng khu vực mậu dịch tự do Đông Á không nằm dưới sự chi phối lớn của Trung Quốc, Nhật đã ra sức vận động ngoại giao để kết nạp thêm những nước đủ khả năng đối trọng với Trung Quốc.

Đối với tranh chấp trên biển Đông, trong số những thành viên của Thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc là một bên tranh chấp căng thẳng nhất trên biển Đông. Các nước khác có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên biển Đông. Riêng Mỹ từng tuyên bố rằng an ninh trên biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.

Do vậy, việc đưa toàn bộ tranh chấp trên biển Đông, trong đó bao gồm tranh chấp Hoàng Sa, ra chương trình nghị sự của Thượng đỉnh Đông Á là vô cùng cần thiết.

Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đối trọng Trung Quốc khi xây dựng Thượng đỉnh Đông Á, nhằm đưa vấn đề biển Đông, trong đó có vấn đề Hoàng Sa, vào chương trình nghị sự trong tranh chấp trên biển Đông.

Chỉ thông qua Thượng đỉnh Đông Á, các bên liên quan mới có thể buộc Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp trên biển Đông, trong đó có tranh chấp Hoàng Sa, ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ - International Court of Justice).

Đưa vào Quy tắc về ứng xử trên biển Đông

Theo luật quốc tế, ICJ chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của tòa cho chính tranh chấp đó. Sự công nhận này có thể thực hiện theo ba cách.

Thứ nhất, sự công nhận có thể bằng một tuyên bố đơn phương. Theo điều 36, quy chế ICJ, một quốc gia là thành viên của quy chế này có thể tự nguyện ra một tuyên bố đơn phương công nhận thẩm quyền xét xử của tòa. Tuyên bố này có giá trị bắt buộc và có hiệu lực đối với bất kỳ quốc gia nào khác cũng có tuyên bố chấp nhận như vậy. Hệ thống các tuyên bố này đã tạo ra một nhóm các quốc gia công nhận thẩm quyền xét xử của ICJ đối với bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia đó với nhau.

Từ đó, về nguyên tắc, bất kỳ nước nào trong nhóm này cũng có quyền đưa một hay nhiều quốc gia trong nhóm ra trước ICJ. Các tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Các quốc gia đăng ký tuyên bố này với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc và cả Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố này.

Cách thứ hai để có thể khởi kiện ra ICJ là thông qua một thỏa thuận đặc biệt: Việt Nam và Trung Quốc cùng ký một thỏa thuận đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước ICJ. Hiện hai bên chưa đạt được một thỏa thuận như vậy.

Cách thứ ba: Thông qua một điều khoản gọi là compromissory clause trong một hiệp ước. Hiện có trên 300 điều ước quốc tế chứa điều khoản này, theo đó các bên cam kết trước là sẽ chấp nhận thẩm quyền xét xử của ICJ nếu có tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước đó. Cách này dù rất khó nhưng là phương thức khả thi nhất trong số ba cách thức được nêu.

Để có được thỏa thuận này, Thượng đỉnh Đông Á là khuôn khổ thuận lợi nhất mà Việt Nam cần phải vận dụng. Thỏa thuận đó có thể là một điều khoản trong Quy tắc về ứng xử trên biển Đông (COC) mà các bên liên quan đang xây dựng trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

* Ông Trần Đại Dũng (Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Trần Não, Q.2, TP.HCM):

Công khai thông tin về Hoàng Sa

Đòi lại Hoàng Sa bằng phương pháp hòa bình phù hợp với xu hướng quốc tế và lợi ích dân tộc. Để tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc trong việc này cần phải công khai tất cả thông tin về lịch sử Hoàng Sa, bối cảnh bị xâm chiếm, hiện trạng cũng như các động thái của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Tôi tin rằng mỗi người dân khi được tiếp nhận đầy đủ thông tin thì càng có thêm sự đồng lòng, niềm tin vào Nhà nước để cùng nhau nắm tay đòi lại Hoàng Sa. Ví dụ rõ ràng nhất là chỉ sau lời khẳng định chủ quyền, khẳng định phương pháp đấu tranh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì sự đồng lòng trong đại bộ phận nhân dân về chủ quyền Hoàng Sa đang lên rất cao.

* Thầy Nguyễn Văn Cải (hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM):

Đưa Hoàng Sa thành bài giảng

Hiện nay trong chương trình giáo khoa thông tin về Hoàng Sa rất ít ỏi, học sinh chỉ nắm được Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng không nắm rõ tiến trình lịch sử. Tôi nghĩ con đường đấu tranh đòi chủ quyền nên chú ý khía cạnh cung cấp đầy đủ kiến thức hơn cho học sinh, sinh viên về Hoàng Sa - Trường Sa trong chương trình giáo khoa.

Trước mắt, giáo viên có thể chủ động đưa những thông tin của Hoàng Sa từ báo chí, sách, lồng ghép vào các giờ giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa, công tác Đoàn, Đội trong khi chờ một chương trình chính khóa... Khi đứng trên bục giảng, tôi luôn tích hợp nội dung này vào những bài học hợp lý, vào giờ chủ nhiệm, sinh hoạt chi đoàn chủ điểm, giờ sinh hoạt dưới cờ để định hướng học sinh và thấy có tác dụng tốt. Ở trường tôi, nhiều năm nay đều có góc cố định ở bảng tin “Vì biển đảo quê hương”. Các phong trào hướng về biển đảo được các em tham gia nhiệt tình, sôi nổi và trách nhiệm.

TS LÊ MINH PHIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp