29/09/2014 08:13 GMT+7

​“Chiến dịch sắp mở màn, tướng lĩnh còn hoang mang”

VĨNH HÀ ghi
VĨNH HÀ ghi

TT - Phương án tổ chức kỳ thi quốc gia đã được Bộ GD-ĐT công bố, nhưng khi triển khai thực hiện vẫn còn quá nhiều băn khoăn từ các sở GD-ĐT và các trường ĐH - CĐ.

Những vấn đề nảy sinh ở khâu thực hiện vẫn chưa được Bộ GD-ĐT giải đáp và đề ra giải pháp. Cần làm gì trước tình thế này? Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.

Ảnh: V.Dũng

Nếu coi việc đổi mới thi cử cũng là một “trận đánh lớn”, nhưng chưa có đủ yếu tố đảm bảo thành công thì người chỉ huy cũng cần dũng cảm “kéo pháo ra”
GS Nguyễn Minh Thuyết

* GS Nguyễn Minh Thuyết: 

Bộ GD-ĐT nên “kéo pháo ra”?

Tôi thấy Bộ GD-ĐT tuy có nghiên cứu, trưng cầu ý kiến xã hội, nhưng tới thời điểm này nhiều bất cập vẫn bộc lộ ra, nhiều vấn đề vẫn còn tranh cãi, quan điểm giải quyết của bộ không rõ ràng, thậm chí thiếu nhất quán, khiến học sinh và phụ huynh rất hoang mang.

Dư luận có cảm nhận việc Bộ GD-ĐT đang làm giống như “vừa chạy vừa xếp hàng”, vấn đề nảy sinh đến đâu tìm cách gỡ đến đó, nên càng lúc càng bị rối.

Lẽ ra một chủ trương lớn, một đề án lớn muốn áp dụng đại trà với hàng triệu học sinh, tác động đến toàn hệ thống GD-ĐT thì cần có thời gian, thông báo ít nhất hai năm để thầy, trò và phụ huynh kịp chuẩn bị.

Mặc dù Bộ GD-ĐT cho rằng phương án đổi mới thi năm nay không có xáo trộn nhiều, nhưng dù thế nào cũng không thể phủ nhận việc này đang khiến các em học sinh cuối cấp rất căng thẳng, và có thể sẽ bị thiệt thòi khi phải đôn đáo chạy theo những đổi mới chỉ trong vài tháng.

Hơn nữa, nếu thi cử là “đột phá” trong đổi mới căn bản, toàn diện thì phải có lộ trình cụ thể hơn, không phải vừa năm ngoái thay đổi, năm nay lại thay đổi tiếp và cũng chưa biết lộ trình thay đổi trong những năm tới như thế nào. Làm như vậy khó có thể nói sẽ tác động tích cực vào việc thay đổi hoạt động dạy và học.

Nhiều người nói việc tổ chức kỳ thi quốc gia tới thời điểm này là không thể cưỡng lại được nữa, nhưng tôi thì nghĩ khác. Một trận đánh lớn như Điện Biên Phủ, khi bộ đội đã áp sát, pháo đã kéo lên cao điểm, nhưng vị tướng chỉ huy thấy chưa thể tấn công vẫn ra lệnh “kéo pháo ra”.

Và nhờ quyết định sáng suốt đó, chúng ta mới có được chiến thắng. Nếu coi việc đổi mới thi cử cũng là một “trận đánh lớn”, nhưng chưa có đủ yếu tố đảm bảo thành công thì người chỉ huy cũng cần dũng cảm “kéo pháo ra”.

Đến thời điểm này, tôi thấy có giám đốc sở GD-ĐT vẫn băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh dựa trên kết quả kỳ thi do đơn vị khác coi thi, chấm thi; có giám đốc phát biểu thật tình: “Bộ trưởng ra lệnh thì chúng tôi tuân lệnh, nhưng vẫn còn băn khoăn”.

Chiến dịch mở màn đến nơi rồi mà tướng lĩnh còn băn khoăn thì trận đánh sao có thể toàn thắng?

Ảnh: V.Dũng
Người dân, phụ huynh học sinh lo lắng không biết sẽ còn có thay đổi nào khác và cũng cho thấy Bộ GD-ĐT chưa tính được những vấn đề đi kèm với phương án thi đã công bố
PGS Văn Như Cương

* PGS Văn Như Cương (chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội):

Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng quy chế thi

Góp ý mãi rồi nhưng Bộ GD-ĐT dường như vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Đưa ra một phương án thi có quá nhiều thay đổi như thế nhưng lại không tính toán một cách chi tiết, rõ ràng.

Tôi chỉ ví dụ một việc nhỏ là quy định “miễn thi ngoại ngữ”, khi đưa ra như thế thì phải tính toán ngay những việc như chứng chỉ nào, trình độ nào thì được miễn thi, ai có thẩm quyền công nhận miễn thi, làm thế nào để chống gian lận trong việc mua bán chứng chỉ để miễn thi...

Nếu làm việc đó sẽ không có chuyện nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Còn những việc lớn hơn liên quan tới kỳ thi quốc gia như phân hai loại cụm thi ĐH và cụm thi địa phương, quy định giữ khối thi truyền thống hay giao cho các trường ĐH chủ động, quy định xét tuyển để tránh “ảo”, tránh gây cồng kềnh tốn kém...Bộ phải tính toán, khảo sát kỹ để có phương án chi tiết, xây dựng các quy định đi kèm chi tiết.

Trên thực tế, khi Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi, tôi có cảm giác nhiều vấn đề bộ chưa tính đến hoặc chưa kịp tính đến nên mới khiến người dân, xã hội hoang mang. Nhiều vấn đề bộ phát ngôn không nhất quán, không rõ ràng.

Ví dụ như chuyện thí sinh thi tại cụm địa phương, ban đầu bộ nói đối tượng này không được dự tuyển ĐH, chỉ thi để xét tốt nghiệp, sau bộ lại nói không cấm thí sinh này xét tuyển vào ĐH, những thí sinh thi cụm địa phương có thể được xét tuyển vào một số trường ĐH, những trường này sẽ công bố sau.

Rồi chuyện khối thi ĐH, ban đầu bộ nói sẽ giao các trường ĐH chủ động trong việc xây dựng phương án, có nghĩa các trường có thể tuyển sinh căn cứ vào tổ hợp môn thi do họ chọn. Nhưng sau lại có quy định về việc tuyển sinh dựa trên khối thi truyền thống và một số quy định khác...

Việc này khiến người dân, phụ huynh học sinh lo lắng không biết sẽ còn có thay đổi nào khác và cũng cho thấy Bộ GD-ĐT chưa tính được những vấn đề đi kèm với phương án thi đã công bố.

Tôi đề nghị phương án thi đã chốt và quyết định thực hiện vào năm 2015 rồi thì bây giờ việc cần làm ngay là Bộ GD-ĐT phải ban hành được quy chế sớm hơn thời điểm ban hành quy chế của các năm trước đây. Trong đó, bộ phải đưa vào các quy định cụ thể về thi và xét tuyển, bao gồm cả các vấn đề liên quan tới nộp hồ sơ thế nào, ở đâu, quyền lợi, trách nhiệm của thí sinh ra sao.

Những điểm thay đổi lớn nhất của kỳ thi này cần được quan tâm quy định chi tiết, rõ ràng. Ví dụ như việc đăng ký xét tuyển sau khi thi, quyền lợi của thí sinh ở cụm thi địa phương, cụm thi ĐH, cách thức đăng ký thi của thí sinh tự do, việc miễn thi ngoại ngữ...

Bộ cần sớm khảo sát, phân tích tình hình và triển khai phương án chuẩn bị cụm thi, đảm bảo tính khả thi, trong đó có hai việc cần lưu tâm là việc đảm bảo an toàn cho thí sinh và đảm bảo kỷ cương kỳ thi.

* Ông Trần Bá Giao (nguyên phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT):

Nên có một loại cụm thi

Ảnh tư liệu

Việc tổ chức kỳ thi quốc gia cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ không phải bây giờ mới đặt ra mà từng có đề án từ năm 2007.

Với phương án tổ chức kỳ thi quốc gia vừa công bố, tôi cũng thấy có bóng dáng của đề án trước đây, có nghĩa có sự kế thừa cả đề án trước đây và thực tiễn các kỳ thi đã tổ chức.

Việc tổ chức kỳ thi quốc gia cho hai mục đích, phù hợp với xu thế của nhiều nước đã làm.

Nhưng theo tôi, khi đưa ra một kỳ thi với nhiều đổi mới, Bộ GD-ĐT phải tính toán kỹ.

Cá nhân tôi cho rằng không nên chia ra hai loại cụm thi rất phức tạp. Bộ cần khảo sát kỹ để lên phương án có bao nhiêu cụm thi trên cả nước, khả năng đáp ứng của các địa phương, tham gia của các lực lượng từ trường ĐH và các địa phương như thế nào.

Với tính chất của kỳ thi quốc gia (có cạnh tranh giữa thí sinh để tuyển sinh ĐH - CĐ), tôi nghĩ sẽ khác với việc thi tốt nghiệp THPT các năm trước (chỉ để xét tốt nghiệp, nặng về mục tiêu thành tích). Vì thế tiêu cực thi cử sẽ giảm xuất phát từ động cơ của thí sinh, nhận thức của những người tổ chức kỳ thi.

Hơn nữa, các năm trước, khi Bộ GD-ĐT tung thanh tra ủy quyền về các địa phương không hiệu quả vì thanh tra vẫn lệ thuộc vào các địa phương. Nhưng ở kỳ thi quốc gia nếu chủ trì cụm thi là trường ĐH, tham gia lãnh đạo cụm thi là người của trường ĐH thì vấn nạn tiêu cực thi cử sẽ giải quyết được.

Như vậy, không cần phải chia hai loại cụm thi. Còn nếu bộ lo cho học sinh vùng sâu vùng xa khó khăn thì chỉ nên có quy định riêng hỗ trợ đối tượng này thôi.

 

VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp