Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22-4 - Ảnh: TTXVN |
Ông Vinh nói muốn tạo ra một làn sóng đầu tư mới, phục hồi kinh tế đất nước thì phải tiến hành “cuộc chiến” đầy khó khăn với các bộ, ngành.
Bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Không dễ dàng, khó khăn lắm Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng tâm sự rằng việc rà soát, tranh luận với các bộ để giảm số lượng ngành nghề đầu tư có điều kiện là không dễ dàng vì nó gắn với quyền thẩm định, cấp phép, kiểm tra... của họ. “Báo cáo Chủ tịch Quốc hội là “cuộc chiến” với các bộ cũng khó khăn lắm” - ông Vinh nói. |
“Nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho nhà đầu tư đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, dự thảo luật đã bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả dự án đầu tư, trừ dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay.
Theo ông, tới đây nhà đầu tư chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư. Bộ Kế hoạch - đầu tư đang thiết kế để nhà đầu tư đăng ký qua mạng, không cần phải gặp người cấp giấy chứng nhận (thời gian chỉ từ 5-7 ngày). “Riêng với thủ tục đăng ký đầu tư thì so với quy định hiện hành, dự thảo luật đã bỏ rất nhiều thủ tục bởi họ chỉ đăng ký chứ không phải đi xin chứng nhận. Tuy nhiên, còn các thủ tục khác như xin cấp đất, xin giấy phép xây dựng, chứng nhận môi trường..., như vậy là còn nhiều quy định liên quan trong luật chuyên ngành đòi hỏi phải có thủ tục hành chính” - ông Vinh trình bày.
“Trừ một số hạn chế về tỉ lệ vốn góp, phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng với nhà đầu tư trong nước về quyền thực hiện hoạt động đầu tư” - Bộ trưởng Vinh cho hay. Cạnh đó, dự luật cũng đã hoàn thiện các quy định về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư theo hướng tiếp tục khuyến khích các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai...
Còn quá nhiều rào cản
Về danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, dự luật đã sửa quy định theo hướng không liệt kê cụ thể các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, mà giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục các lĩnh vực này.
Không đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Mình làm cái luật mà đọc xong người ta không rõ lĩnh vực nào đầu tư phải có điều kiện thì không ổn. Phải làm rõ là lĩnh vực nào cấm, lĩnh vực nào có điều kiện và cấp nào được đặt ra các điều kiện đối với nhà đầu tư. Ông nào cũng cấm, bà nào cũng cấm được thì chết tôi. Thậm chí xã có cấm được không? Ví dụ như có chuyện yêu cầu người ta chỉ được mua ximăng ở chỗ này chỗ kia. Nếu không làm rõ thì quyền tự do kinh doanh của người dân rất dễ bị hạn chế”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng quy định rõ trong luật này sẽ khó, bởi hiện nay các điều kiện đang nằm trong các luật chuyên ngành. “Đây là Luật đầu tư, tức cái luật bao trùm nhất, chứ không phải là cứ phải theo luật chuyên ngành” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Theo ông Vinh, qua rà soát thì có đến 330 ngành nghề thuộc danh mục đầu tư có điều kiện và vài chục ngành nghề thuộc danh mục cấm. “Như vậy vẫn còn nhiều quá” - Chủ tịch Quốc hội nói.
“Chúng tôi đang rà soát để lược bớt, tôi là bộ trưởng mà đọc cũng thấy lủng củng, nhiều ngành nghề cần phải loại ra khỏi danh mục đầu tư có điều kiện. Rào cản chúng ta còn quá nhiều, vì vậy chúng tôi mong muốn làm cái luật này để tạo ra đột phá mới. Các ngành nghề mà không cấm kinh doanh thì tiến tới không cần giấy tờ gì cả, anh muốn kinh doanh thì anh lên mạng đăng ký và tuân thủ pháp luật thôi. Chúng tôi sẽ rà soát quyết liệt, đến tháng 10 này trình Quốc hội phải dỡ bỏ được tất cả rào cản không cần thiết. Như vậy mới tạo ra làn sóng đầu tư mới, phục hồi kinh tế đất nước” - ông Vinh trình bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận