Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật Bản Yasutaka Nonaka nói với AFP: “Chúng tôi vẫn tuần tra ở khu vực Trung Quốc vừa tuyên bố lập ADIZ mà không cần thông báo. Chúng tôi cũng không gặp phản ứng nào từ máy bay Trung Quốc”.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cho biết một máy bay chiến đấu của nước này đã bay qua ADIZ của Trung Quốc mà không cần thông báo với Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chuyến bay trên là một phần trong hoạt động tuần tra quân sự thường lệ quanh bãi đá ngầm Ieodo mà Hàn Quốc đang kiểm soát. “Chúng tôi không thông báo với Trung Quốc và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc sẽ tiếp tục bay trên vùng không phận đảo Ieodo mà không cần phải thông báo với phía Bắc Kinh” - AFP dẫn lời người phát ngôn trên khẳng định.
Trên mặt trận ngoại giao, cuộc đối thoại quốc phòng song phương thường niên Hàn - Trung diễn ra hôm qua tại Seoul bỗng nóng hơn khi phía Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc vẽ lại ADIZ mà Bắc Kinh vừa tuyên bố. Hãng tin Yonhap dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung Joo cho rằng ADIZ do Trung Quốc tuyên bố đã chồng lấn lên khu vực đảo đá ngầm Ieodo do Hàn Quốc kiểm soát. “Hàn Quốc không thừa nhận ADIZ do Trung Quốc lập ra vì đó là hành động đơn phương của Bắc Kinh và không hề có sự thảo luận trước với Seoul” - Thứ trưởng Baek Seung Joo nói.
Tạm thời chưa có thông tin phản hồi cụ thể từ đoàn quan chức quốc phòng Trung Quốc do ông Vương Quán Trung - phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - dẫn đầu. Theo Yonhap, cuộc đối thoại còn thảo luận việc thiết lập một đường dây nóng quân sự giữa hai nước trong sáu tháng đầu năm 2014.
Trong khi đó, phía Úc vẫn giữ thái độ kiên quyết. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Úc từ chối rút lại những chỉ trích về việc Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Canberra cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Úc đã đi quá giới hạn khi đưa ra bình luận trên.
Hôm qua, trong bài xã luận “Không có gì phải sợ trước thách thức B-52 của Mỹ”, Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã phản ứng quá chậm khi hai máy bay của Mỹ bay vào ADIZ. Tờ báo nhấn mạnh điều này có thể sẽ làm xói mòn hình ảnh quân đội Trung Quốc trong thời đại Internet. Bằng chứng tờ báo nêu ra là đến 11 giờ sau khi hai chiếc B-52 bay vào vùng trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới ra tuyên bố xác nhận quân đội nước này giám sát toàn bộ quá trình. “Chúng ta đã không thể phản ứng đúng lúc và hợp lý” - Thời Báo Hoàn Cầu viết.
Báo này còn dẫn phản ứng của truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc cho rằng những động thái của Mỹ về việc Trung Quốc lập vùng ADIZ cho thấy Mỹ dường như muốn đạt thế thượng phong và nhấn chìm Trung Quốc vào tình thế bị động. Đứng trước những tình thế khẩn cấp và thử thách như trên, phản ứng của Trung Quốc quá chậm chạp và nếu không cải cách cơ chế truyền đạt thông tin, Trung Quốc sẽ không thể đối mặt với những cuộc chiến tranh tâm lý của Nhật Bản và Mỹ.
Mỹ khuyến cáo máy bay “giữ an toàn” tại ADIZ Mỹ khuyên các hãng hàng không nước này đưa ra những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn khi căng thẳng tại ADIZ do Trung Quốc thiết lập đang ngày càng leo thang. “Chúng tôi đang xác định xem liệu các quy định mới có áp dụng cho các chuyến bay dân dụng và thương mại hay không - người phát ngôn Chính phủ Mỹ Jen Psaki phát biểu - Trong lúc này, máy bay của Mỹ nên áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để di chuyển an toàn trong vùng biển Hoa Đông”. Dù vậy, bà Psaki không nói rõ có phải Mỹ đang khuyên các hãng hàng không thương mại nước này hỏi ý kiến nhà chức trách Trung Quốc về việc thông báo lịch bay cho phía Trung Quốc hay không. “Chúng tôi vẫn đang xem xét và đánh giá... Hiển nhiên điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn được tư vấn một cách hợp lý” - bà Psaki cho biết. ĐÔNG PHƯƠNG |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận