Dàn mô hình máy bay Su27 mô phỏng phi đội tiêm kích nhào lộn Hiệp sĩ Nga - Ảnh: HÀ QUÂN
Sáng 23-4, Câu lạc bộ hàng không phía Bắc tổ chức cuộc thi bay Funfly 2022 tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội).
Cuộc thi bay Funfly quy tụ các câu lạc bộ bay từ 11 tỉnh thành trên cả nước. Có nhiều thành viên đến từ các tỉnh thành Đồng Nai, TP.HCM, Hải Phòng… Cuộc thi có phần biểu diễn lộn nhào, vượt dây, kéo thả đồ vật bằng máy bay trực thăng.
Trung tá Lại Hoàng Vinh, phó trưởng Phòng Quân huấn - nhà trường, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân - khẳng định, kế hoạch bay đã được thủ trưởng Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân phê chuẩn nhằm kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 136 năm Ngày Quốc tế lao động.
Cũng theo trung tá Vinh, trong những năm qua, mặc dù chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, Câu lạc bộ hàng không phía Bắc vẫn nhận được sự thu hút, quan tâm của các hội viên trên cả nước.
“Cuộc thi góp phần tạo sân chơi bổ ích, đúng quy định của pháp luật và quy định của quân đội. Buổi tổ chức bay mô hình hàng không là điều kiện thuận lợi để các hội viên câu lạc bộ hàng không trên cả nước kết nối.
Cuộc thi cũng thể hiện được chức năng giáo dục quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng các hội viên có trình độ tốt trong ứng dụng điều khiển máy bay mô hình hàng không, thiết bị bay không người lái, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước yêu cầu".
Là người đoạt giải nhất phần thi biểu diễn, anh Nguyễn Bảo Tháp (31 tuổi, Đồng Nai) chia sẻ anh đã bay ra Hà Nội để tham dự cuộc thi. Do máy bay mô hình có kích thước lớn, anh Tháp phải đóng thùng gỗ, gửi xe khách ra Hà Nội mất gần 3 ngày. Anh ra Hà Nội trước 2 ngày thi để lắp ráp, kiểm tra máy bay.
"Điều khiển máy bay không khó, nhưng đòi hỏi kỹ thuật bay cơ bản và hướng dẫn của người đi trước. Các bạn trẻ muốn tham gia chơi mô hình có thể chọn loại bằng điện giá 1-2 triệu đồng, thêm tay cầm chừng ấy là thỏa mãn được đam mê", anh Tháp chia sẻ.
Để thỏa mãn đam mê, anh Nguyễn Bảo Tháp bỏ ra hơn 190 triệu đồng cho chiếc máy bay tham dự hội thi, chưa bao gồm tay điều khiển chuyên dụng nhập từ nước ngoài.
Tham gia Câu lạc bộ máy bay cánh bằng Hà Đông gần 5 năm, anh Trần Hoàng Hiệp (33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) còn muốn "truyền lửa" đam mê cho các thành viên nhí trong gia đình.
"Con tôi mới 6 tuổi nhưng rất thích tham gia câu lạc bộ, khi thấy chú và bố đi bay mô hình. Thời gian đầu tập chơi, cháu chỉ mới 4 tuổi và lái thử mô phỏng trên máy tính. Sau hai năm, cháu đã có thể bay ổn.
Tôi đưa cháu tới cuộc thi để cháu nghe các câu chuyện lịch sử từ các cán bộ chiến sĩ phòng không không quân, các bác, các chú lớn tuổi và tìm hiểu cấu tạo máy móc máy bay, từ đó phát triển tư duy khoa học, khám phá công nghệ", anh Hiệp cho hay.
Theo trung tá Lại Hoàng Vinh, trong thời đại số 4.0, việc sử dụng máy bay không người lái được ứng dụng ở các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, giao hàng, đo đạc, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, y tế.
Tại Việt Nam, các thiết bị bay không người lái bắt đầu được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, xã hội. "Nội dung bay đã được Bộ Quốc phòng và Nhà nước quản lý chặt chẽ", trung tá Vinh nói.
Võ Hoàng Hiếu (20 tuổi, Hà Nội) bên mô hình "ngựa thồ" quân sự C130 Hercules tự làm trong khoảng 1 tháng - Ảnh: HÀ QUÂN
Một mô hình máy bay cánh bằng cơ lớn được vận chuyển đến sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN
Phần nhào lộn của máy bay phản lực JET khiến khán giả trầm trồ khen ngợi - Ảnh: HÀ QUÂN
Môt mô hình tiêm kích Su27 phiên bản mini với trọng lượng 1kg được "độ lại" màu sơn vỏ Digital Camo - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhiều bạn nhỏ cùng người thân lên sân bay Hòa Lạc vào ngày thứ bảy để tìm hiểu về công nghệ trong từng mô hình máy bay và câu chuyện lịch sử của chúng - Ảnh: HÀ QUÂN
Dàn máy bay mô hình "khủng" trị giá hàng tỉ đồng có mặt tại "hội thao mini" trên sân bay Hòa Lạc - Ảnh: HÀ QUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận