Một đội dự thi trình bày ý tưởng tại vòng chung kết khu vực TP.HCM. Ảnh: C.NHẬT.
Vòng chung kết là sự tranh tài giữa 4 dự án xuất sắc đến từ ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương (cơ sở II), ĐH Văn Hiến.
Đa dạng sắc màu ý tưởng
Tham gia vòng chung kết khu vực TP.HCM là bốn dự án nhắm vào các sản phẩm, đối tượng khách hàng đa dạng.
Nhận thức được nhu cầu dịch vụ du lịch trong nước đang phát triển nhanh, dẫu vậy hiện chỉ mới có hai hình thức phổ biến là du lịch theo tour truyền thống và du lịch phượt tự phát với nhiều hạn chế, nhóm Vietnam Experience Journey (ĐH Ngoại thương, cơ sở II) đã cho ra đời sản phẩm là mô hình du lịch trải nghiệm.
Nhóm đã khảo sát rất chi tiết về những địa danh đã, đang và sẽ có tiềm năng lớn về du lịch tại tỉnh Phú Yên nhằm phục vụ xu hướng du lịch trên.
Còn nhóm IFF (ĐH Văn Hiến) có ý tưởng Thiết bị trồng rau IFF với tham vọng áp dụng công nghệ hiện đại (tự động hóa) giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Theo các bạn, dù VN là quốc gia nông nghiệp nhưng các sản phẩm chưa được tín nhiệm và các khâu hậu cần còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Với IFF, người dùng chỉ cần thực hiện thao tác duy nhất lúc khởi động và không phải lo những bước kế tiếp hay vấn đề thời tiết…
Một thành viên ban giám khảo đang chia sẻ ý kiến về đội dự thi. Ảnh: C.NHẬT.
Kinh doanh bánh snack củ sen là ý tưởng dự án Sendota Chips (ĐH Kinh tế TP.HCM) với các mục tiêu chính: cung cấp sản phẩm thức ăn nhanh có lợi cho sức khỏe và giải quyết bài toán nông nghiệp đầu ra cho người dân trồng sen lấy củ ở Đồng Tháp.
Nhắm vào thị trường giáo dục trực tuyến, cụ thể ở đối tượng giới trẻ thường xuyên sử dụng Internet và có điện thoại thông minh… là nội dung của dự án Tungtung (ĐH Kinh tế TP.HCM). Phần trình bày của nhóm Tungtung rất sinh động với rất nhiều thông tin khảo sát chi tiết và nắm rõ những ưu, khuyết điểm sản phẩm của mình cũng như các "đối thủ" hiện có trên thị trường.
Để những "đứa con" trưởng thành hơn
Trước việc tập trung vào sự khác biệt của dự án của VFF, bà Trương Lý Hoàng Phi (giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC) cho rằng nhóm cần nhận thức rõ về sự khác biệt mà khách hàng cần và có những sự khác biệt khách hàng không cần.
Bà cũng không giấu băn khoăn và hi vọng nhóm sẽ ghi nhận những chia sẻ của các giám khảo, vì bà không thấy nhiều thay đổi so với những lần nhóm tham gia ở các cuộc thi khác mà bà từng ngồi ghế giám khảo.
Có phần trình bày sinh động và đồng thời cũng là dự án nhận về sự phản biện nhiều nhất từ ban giám khảo là Sendota Chips. Trước băn khoăn của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (tổng giám đốc công ty Saigon Books) về việc trong củ sen có một số chất tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhóm cho biết trong quá trình sản xuất sẽ có những ứng dụng để làm giảm những chất bất lợi.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng nhấn mạnh việc muốn các bạn phải xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh của dự án. Nhóm cũng nhận về những câu hỏi liên quan đến chi phí truyền thông sản phẩm từ ông Trần Vạn Thọ (giám đốc tài chính – thuế và tuân thủ công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo VN).
Với "người quen" từng gặp ở cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp là nhóm Tungtung, bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng bà rất ấn tượng khi các thành viên trong nhóm luôn giữ được năng lượng, sự hết mình mỗi khi đi tiếp thị "đứa con tinh thần" của mình. Đây cũng là nhóm khiến một số thành viên ban giám khảo thú nhận "ngồi không yên" vì muốn được đặt câu hỏi "ngay và luôn" trước phần trình bày vô cùng hài hước, đầy "lửa" và tham vọng của các bạn.
Trước câu hỏi liệu các sản phẩm của Tungtung có khả năng tích hợp hay chỉ mãi là nền tảng cung cấp đề thi, nhóm đã gây ấn tượng với hội trường khi không giấu tham vọng trở thành tổ hợp giải quyết các vấn đề giáo dục lớn nhất Việt Nam.
Quá nửa chương trình, hội trường vẫn đông nghẹt người nán lại theo dõi cuộc thi. Ảnh: C.NHẬT.
Sau hơn hai tiếng tranh tài đầy căng thẳng, ban giám khảo đã quyết định trao chiếc vé đại diện khu vực TP.HCM cho đội Tungtung.
Vòng chung kết toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18-3 tại hội trường A.116 tại ĐH Kinh tế TP.HCM (cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) với sự tham dự của các đại diện mạnh nhất đến từ 4 vùng, miền: đội Strength Finder (CLB Dynamic ĐH Kinh tế Quốc dân) và đội Huế Legend Tour thuộc CLB Dynamic ĐH Kinh tế (ĐH Huế), dự án Nghiên cứu và thiết kế thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí (ĐH Cần Thơ), dự án Tungtung (ĐH Kinh tế TP.HCM).
Nhiều giải thưởng giá trị
Dynamic ra đời từ năm 1996 và nhanh chóng trở thành sân chơi học thuật hàng đầu dành cho giới sinh viên kinh tế, thu hút trên 33 ngàn sinh viên cả nước tham gia.
Dynamic - Sinh viên Nhà doanh nghiệp tương lai 2017 do ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức, có tổng giá trị giải thưởng lên đến 1,5 tỉ đồng (trong đó thí sinh xuất sắc nhất sẽ nhận được suất học bổng thạc sĩ toàn phần 300 triệu đồng tại ĐH Western Sydney - theo học tại chi nhánh trường ở VN, bên cạnh đó là nhiều suất tham quan Nhật Bản dành cho tất cả thành viên, giảng viên, cố vấn của CLB đoạt giải nhất).
Thông tin về vòng chung kết toàn quốc tại trang web: www.dynamic.ueh.edu.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận