05/12/2018 06:30 GMT+7

Chiếc quần short trên bàn, 'chuyện nhỏ' nhưng cần 'suy nghĩ lớn'

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Dư luận lại một phen dậy sóng với câu chuyện vừa xảy ra giữa một phụ huynh với một thầy giáo Trường THCS Trần Huỳnh, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Chiếc quần short trên bàn, chuyện nhỏ nhưng cần suy nghĩ lớn - Ảnh 1.

Một giờ sinh hoạt tại trường THCS Trần Huỳnh, nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: NGỌC HÂN

Thầy K. vào lớp thấy chiếc quần short để trên bàn giáo viên, thầy yêu cầu một học sinh của lớp vứt chiếc quần này vào sọt rác. Chị A., phụ huynh của học sinh có chiếc quần short bị vứt, lên trường "ăn thua đủ" với thầy K., quay clip "cuộc nói chuyện" và tung lên mạng. 

Một tình huống giáo dục, liên quan trực tiếp đến học sinh, phụ huynh, giáo viên đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhân đây, tôi có mấy ý kiến.

1 Lớp 6, không còn quá nhỏ để nghĩ rằng các em vô tư đến độ vứt quần short lên bàn của thầy. Chiếc bàn, vốn từ xưa đến nay ở học đường luôn gắn với người thầy - đầy ắp sự cao cả và trong sáng. Vậy mà bây giờ, chiếc quần short, với nhiều người phương Đông luôn gắn với kín đáo, rất đời thường. Không loại trừ, trong lớp này nghịch có tính toán, chọc tức thầy cho bõ ghét. 

Ban cán sự của lớp, ban chỉ huy chi đội lớp, học sinh trực nhật, nếu các em - trước khi thầy vào lớp, lấy chiếc quần short ấy cất đi thì không có việc gì xảy ra. Lỗi này các em cần được nhắc nhở, phút bốc đồng, đúng là "...thứ ba học trò".

2 Thầy K. vào lớp, thấy quần short trên bàn giáo viên, thầy yêu cầu học sinh vứt vào sọt rác, biện pháp này không sai nhưng chưa sâu sắc. 

Nếu nhanh ý, thầy sẽ nhận ra được, lớp đang có vấn đề, lẽ tất nhiên các em đang dõi theo thầy, xem thầy xử lý như thế nào? Lúc này nếu thầy nóng giận, học sinh thích thú lắm. Giá mà, thầy yêu cầu một học sinh lên, gấp chiếc quần short ngay ngắn, để vào góc lớp rồi bắt đầu tiết học... 

Giáo học pháp luôn dạy sinh viên sư phạm, trong mọi tình huống cần hết sức bình tĩnh. Sự bình tĩnh là bài dạy đạo đức của thầy đối với học sinh. Một bài học mà các em mãi ghi nhớ, chia sẻ cho nhau, nhiều em sẽ học theo chữ nhẫn của thầy. 

Lẽ tất nhiên, cuối tiết học hoặc vào đầu tiết sau, thầy ngắn gọn nhắc nhở các em đừng tái phạm. Làm được vậy, mới là người thầy tuyệt vời.

3 Với chị A., tôi cho rằng phụ huynh này đang ở một điểm bức xúc nào đó, chiếc quần short của con chị ấy bị vứt vào sọt rác như giọt nước làm tràn ly, điểm hung vì thế nổ tung. Chị trút giận lên thầy K. không thương tiếc, chẳng những thế chị còn ghi hình để kịp thời đưa lên mạng xã hội, thêm một minh chứng cho "thầy giáo luôn sai"? 

Chị A. đáng trách nhưng cũng đáng thương; trách là vì chị thiếu suy xét, vơ đũa cả nắm, nói cho hả hê bất kể ra sao ngày sau. Lẽ thường, trong tâm trạng đó, có ai hành động đúng đâu, chị A. không là ngoại lệ. Đáng thương là, giờ chị A. gánh chịu "gạch đá" của cộng đồng mạng (dù chị đã gỡ bỏ clip trên Facebook cá nhân). 

Trong chuyện này, không ai đứng về phía chị, rồi bà con lối xóm, bạn bè, đồng nghiệp nghĩ gì về chị đây? Trong gia đình, xấu thiếp, hổ chàng, con cái bị bạn bè dè bĩu; cái giá phải trả cho một hành động quá ư kém cỏi, có câu "giận quá mất khôn", thật đúng cho trường hợp của chị A.

4 Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, lãnh đạo Trường THCS Trần Huỳnh, ban đại diện cha mẹ học sinh Nhà trường, thầy K. và chị A. cùng ngồi lại; sai thuộc về ai, người đó nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi. 

Thầy giáo, phụ huynh hãy tha thứ cho nhau, rồi cùng nhau nhắc nhở học sinh trong lớp mà do vô tình hay cố ý đã đặt chiếc quần short lên bàn giáo viên trong giờ thầy K., tôi tin các em sẽ nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình và tự biết phải làm gì. Trường học thân thiện là thế đấy.

5 Về lâu dài, ai cũng mong nhà trường vững vàng trong sự nghiệp trồng người, lấy lại niềm tin trong xã hội. Nhà trường kỷ cương, tình thương, trách nhiệm thì sự nghiêm trang của học đường sẽ được lập lại. 

Còn tinh nghịch của tuổi học trò ư, đây đó trong nhà trường còn mãi, nhưng phụ huynh khi biết chuyện, họ luôn tâm niệm "muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy".

ThS Nguyễn Viết Đăng Du (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Đừng quên tinh thần tôn sư trọng đạo

Xem xong clip, tôi tự hỏi chẳng lẽ tinh thần "Tôn sư trọng đạo" đã xuống cấp đến thế sao? Dĩ nhiên trên đời này không phải phụ huynh nào cũng vậy nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng thời gian gần đây xã hội đã xuất hiện một số phụ huynh coi giáo dục giống như một loại hình dịch vụ.

Họ cho rằng họ có quyền lực và tiền bạc thì họ sẽ bắt buộc được người khác phải phục vụ cho mình, trong đó có cả thầy cô giáo của con em họ. Họ quên mất ông thầy giáo chính là người thay thế họ nhận lãnh trách nhiệm giáo dục con em họ thành người. Tôi cho rằng vụ việc trên là tình trạng đáng báo động.

TS Võ Văn Nam (giảng viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM):

Phản tác dụng

Xét cho cùng, bắt đầu là lỗi ở học sinh bởi ai cho phép học sinh bỏ quần short lên bàn thầy giáo? Rồi phụ huynh lại đi phá vỡ sức mạnh giáo dục học sinh của người thầy giáo bằng cách xúc phạm, sỉ nhục thầy.

Sự việc đã không hay lại còn cho lan truyền trên mạng nhằm mục đích bêu rếu hình ảnh của thầy giáo. Tưởng đã có "một nhát dao" chém vào thầy nhưng ngược lại cộng đồng có một cách nhìn rất khác trước những lời nói, hành vi mà phụ huynh đã thể hiện.

Về phía ngành GD-ĐT, tôi mong rằng một mặt ngành yêu cầu giáo viên phải rèn luyện để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng mặt khác ngành cũng cần tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho thầy cô giáo làm tròn trách nhiệm thiêng liêng của mình trong việc giáo dục trẻ.

H.HG. ghi

Xin đừng là "phụ huynh cá biệt"

Tôi muốn góp ý kiến từ góc nhìn phụ huynh. Trước một tình huống "khó chấp nhận", thầy giáo đã có hành xử chưa chuẩn lắm. Nhưng qua sự việc này, tôi thấy phụ huynh đã cố tình "hơn thua" với thầy giáo, một hành xử cá biệt, không phải do nóng giận nhất thời. Càng cá biệt hơn khi chuyện được đưa lên mạng, chuyện tế nhị trong một lớp học được lan truyền khắp nơi.

Không ai muốn nổi tiếng từ những câu chuyện buồn như thế này. Và nữ sinh lớp 6 trong câu chuyện sẽ sống bất an hơn trước bao ánh mắt hướng về mình, trước bao những lời lẽ cả cộng đồng nói về mẹ mình, thầy mình. Ai hơn, ai thua trong câu chuyện này? Người lớn, không ai muốn con mình thành học sinh cá biệt thì cũng xin đừng tự biến mình thành phụ huynh cá biệt.

Bao lần tôi nhìn thấy trẻ con hãnh diện và yêu thương giới thiệu với bạn bè: "mẹ mình đó", "ba mình kìa". Bao đứa trẻ đã kể với thầy cô những chuyện đẹp đẽ, tự hào về cha mẹ cũng như kể với cha mẹ những chuyện vui tươi về thầy cô mình. Con trẻ sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu khi thầy cô và ba mẹ luôn thân thiết, quý trọng nhau hoặc ít ra, đừng bắt trẻ nghe cha mẹ "nói xấu" thầy cô.

YÊN BÌNH (một phụ huynh)

TP Bạc Liêu họp vụ phụ huynh

TTO - UBND TP Bạc Liêu đã triệu tập ngay cuộc họp với những cá nhân, đơn vị liên quan và đã có kết luận cũng như hướng xử lý tiếp theo vụ phụ huynh 'ăn thua đủ' với giáo viên vì vứt quần short con mình dậy sóng dư luận.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp