Chương trình được tổ chức hằng năm với sự phối hợp giữa Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Trung ương Đoàn và báo Tuổi Trẻ.
Tham gia các hoạt động vào mỗi tháng 3 với anh em biên phòng gần 20 năm qua, không nhớ hết bao nhiêu công trình, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu yêu thương mà nhân dân cả nước đã gửi về biên ải.
Từ việc mở những con đường cho dân với kinh phí hàng chục tỉ đồng, xây những ngôi trường, nối những nhịp cầu đến việc nuôi nấng các em học sinh rẻo cao ăn học như "người con của đồn", đêm đêm lặn lội cùng dân bản dạy từng con chữ, những quân y biên phòng nửa đêm choàng dậy về bản cấp cứu một trường hợp khẩn...
Nghĩa là đã chứng kiến rất nhiều công việc lớn lao của anh em cán bộ chiến sĩ nơi biên ải, vậy mà tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước những món quà rất nhỏ mà anh em biên phòng mang đến cho người dân rẻo cao.
Mấy tháng trước, dịp lễ Quốc khánh 2-9-2023, những người dân ở hai xã biên giới Hướng Lập, Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) được nhận quà để ăn "Tết độc lập" của anh em Đồn biên phòng Hướng Lập trao tặng.
Ngoài những nhu yếu phẩm để chung vui dịp lễ, bà con còn được nhận lá cờ Tổ quốc để treo, và điều khiến tôi bất ngờ và xúc động đó là cái móc khóa. Một cái móc khóa rất bình thường để móc vào đó chìa khóa xe máy, chìa khóa nhà, chìa khóa cổng...
Đáng nói là trên cái móc khóa hình tròn kia, một bên là biểu trưng của bộ đội biên phòng với người chiến sĩ tay cầm súng trên lưng ngựa đang phi nước đại, và mặt kia là số điện thoại đường dây nóng của Đồn biên phòng Hướng Lập.
Một dòng chữ số điện thoại nhỏ nhoi trên chiếc móc khóa ấy thôi nhưng đã giúp cho bà con và anh em cán bộ chiến sĩ đồn giải quyết được bao nhiêu vấn đề lớn.
Đại tá Nguyễn Nam Trung, chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Trị, cho tôi biết đấy là sáng kiến của đại úy Phan Văn Vĩnh - sĩ quan đồn biên phòng Hướng Lập.
Hóa ra khởi đầu câu chuyện của món quà tặng này lại vô cùng giản dị, nhưng ý nghĩa nó lại vô cùng lớn.
Đại úy Vĩnh kể có lần anh em đồn thấy dân bản hớt hải chạy bộ về đồn, hỏi có chuyện gì, bà con bảo đi làm nương, để xe máy trên đường, xong buổi làm, xuống chỗ để xe đã không còn xe nữa, phải chạy về đồn. Mà từ chỗ làm về đồn cách gần chục cây số.
Hỏi: Có điện thoại không? "Có"! "Sao không gọi cho bộ đội biên phòng lên mà phải chạy về?". "Không biết số của đồn". "Anh em địa bàn về bản đều để số điện thoại cho bà con lưu trong máy mà". "Có lưu mà không biết tìm"!
Vậy đó, với người dân vùng cao có khi tìm cái số điện thoại lưu trong máy còn khó hơn chạy bộ cả chục cây số đường núi. Vậy là cái móc khóa có số đường dây nóng của đồn ra đời.
Giờ nửa đêm vợ trở dạ mà trạm xá xã quá xa thì cứ alo cho anh em đồn. Nhà trong bản có chuyện tranh chấp ranh giới rẫy, lại alo cho anh em đồn... Có kẻ lạ tuyên truyền bậy bạ, tất nhiên cũng alo anh em đồn. Thay vì bấm bấm tìm tìm toát mồ hôi thì chỉ cần lật cái móc khóa ra để nhìn số điện thoại.
Từ sáng kiến của đại úy Phan Văn Vĩnh, câu chuyện cái móc khóa in số điện thoại đường dây nóng này đã được nhân rộng ra nhiều đồn biên phòng khác trong tỉnh ở cả vùng núi và vùng biển của Quảng Trị.
Rất nhiều năm gắn bó với biên cương, tôi nhận ra sự kết nối giữa dân bản và đồn biên phòng là "thế trận lòng dân" cực kỳ quan trọng. Làm thế nào để sự kết nối ấy đến nhanh nhất thì khi đó thế trận lòng dân mới phát huy hiệu quả nhất.
Và đôi khi điều đó lại đến từ những sáng kiến rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn như chiếc móc chìa khóa mà anh em Đồn biên phòng Hướng Lập đã mang tặng cho dân!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận