Nụ cười rạng rỡ của Nguyễn Trung Hải, thủ khoa Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Nguyễn Trung Hải (16 tuổi), tân thủ khoa Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, nuôi đam mê trở thành lập trình viên từ chiếc máy tính “đồng nát” do cha thu mua, “chắp vá” thành.
Chỉ cần đến đầu làng Phương Trù, xã Yên Phương (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) và hỏi cậu Hải con ông Hùng thu mua phế liệu là ai cũng biết và sẵn sàng chỉ nhà. Dưới cái nắng như đổ lửa của tháng 6, ông Nguyễn Văn Hùng (bố của Nguyễn Trung Hải - tân thủ khoa Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc) đang chở từng bao thóc về nhà.
"Việc học của con là do con tự quyết định"
Trong sân của căn nhà cấp 4 đã xây từ lâu là "gia tài" của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng: những chiếc tivi cũ, quạt cũ, máy bơm nước hỏng… được thu mua về, chất thành từng đống.
Hằng ngày, ông Hùng đi thu mua phế liệu từ huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đến Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cách nhà khoảng 30km bằng chiếc xe máy đã cũ. Còn vợ thu mua sắt vụn và thuê trọ cùng con gái thứ hai tại Hà Nội, thi thoảng mới về nhà.
Ông Hùng tâm sự: "Đi thu mua đồng nát tuy không ổn định nhưng cũng hơn việc cấy hái. Bình thường tôi đi từ 7h sáng đến chiều muộn mới về. Hôm nào mua được nhiều thì thu nhập khoảng 300.000 đồng, ngày mưa to không đi được thì đành phải nghỉ".
Vốn chỉ học hết lớp 7 nên việc học của các con, ông Hùng không giúp đỡ được gì nhiều. Nhớ ngày Hải còn nhỏ, ông Hùng chia sẻ: "Nhiều lúc con gặp bài khó, không làm được ra hỏi bố. Bố cũng chỉ biết lắc đầu. Có được ngày hôm nay đều là do thầy cô ở trường dạy dỗ và con tự học.
Giờ con đỗ THPT chuyên Vĩnh Phúc và chuyên Sư phạm Hà Nội, nhưng quyết định học ở đâu là do con. Làm cha mẹ, tôi cũng chỉ biết cố gắng lo cho con ăn học".
Niềm vui của ông Nguyễn Văn Hùng (bố của Hải) là các con được học hành nên người, dù bản thân mình phải chịu nhiều vất vả - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giải bất đẳng thức lúc "chán học"
Từ nhỏ Hải đã ham học. Ngoài thời gian học chính khóa trên trường, phần lớn thời gian còn lại ở nhà Hải đều dành cho việc học.
"Bố mẹ chưa bao giờ bắt ép hay gây áp lực trong việc học của em. Nhiều hôm thấy em học muộn, bố đều giục em đi ngủ sớm. Vì gia đình khó khăn, nên em muốn cố gắng học để sau này có công việc ổn định và bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn", Hải bộc bạch.
Hải kể em thích học toán từ tiểu học, lên cấp hai em đam mê khám phá và "làm chủ" các bất đẳng thức khó nhằn. Tiếp xúc với môn tin học vào năm lớp 8, cậu lại tìm được hướng đi mới. Đối với Hải, đây là môn học thú vị, lập trình cũng giúp Hải giải quyết các bài toán khó.
Cuốn sách em thích nhất là "Sáng tạo bất đẳng thức" của tác giả Phạm Kim Hùng, trong đó, bất đẳng thức Chebyshev là phần thú vị nhất”
Nguyễn Trung Hải
Có lúc Hải cũng cảm thấy chán nản nhưng cậu chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ học. Giải bất đẳng thức là cách mà Hải chọn để giải tỏa tâm trạng của bản thân. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đắm mình vào game online như PUBG, Liên minh huyền thoại… thì Hải lại chọn Graphwar. Gọi là giải trí nhưng game này đòi hỏi Hải phải nhập phương trình để vẽ đồ thị - "đường đạn" nhắm bắn đối thủ.
"Trò chơi khá đơn giản, màn hình được chia ra làm hai bên. Bên trái là quân ta, bên phải là đối thủ. Việc người chơi cần làm là nhập phương trình vào trò chơi sao cho đồ thị của phương trình đó chạm vào vị trí của các thành viên đội bạn càng nhiều càng tốt và tránh chướng ngại vật (các chấm đen trên bản đồ). Em thích trò này vì nó hay, giúp em bổ sung kiến thức đồ thị và giúp em căn khoảng cách", Hải cười nói.
Chiếc máy tính "dựng" từ tình yêu của cha
Được đặt chung với nhiều vật dụng sinh hoạt trong căn phòng rộng khoảng 7 mét vuông, góc học tập của Hải chỉ có một chiếc bàn cũ, ghế, sách vở và một chiếc máy tính được "dựng" từ tình yêu của cha.
Dịch COVID-19 bùng phát, Hải phải học trực tuyến, chiếc laptop cũ được anh trai cho cũng hỏng. Thương con nhưng không có tiền để mua máy tính mới, ông Hùng đã rã các "cây" máy tính cũ, chọn các chi tiết còn dùng được từ thanh RAM, cái chip đến quạt gió và nhờ bạn kiểm tra, lắp ráp. Cuối cùng, chiếc máy tính "chắp vá" từ tình yêu thương của người cha già đã giúp Hải nuôi dưỡng niềm đam mê với môn tin học của mình.
Thầy Lê Hồng Quân, giáo viên dạy toán của Hải, cho biết: "Hải có ý chí rất tốt, luôn cố gắng làm bài khó hơn, luôn cảm thấy đề "chưa đủ đô". Hải rất thích học tin vì được các thầy cô, anh chị khóa trước tâm sự, kể lại những câu chuyện thành công, đồng thời hoàn cảnh gia đình thúc đẩy Hải phấn đấu để giành kết quả cao nhất".
Theo thầy Quân, Hải thường xin thêm chuyên đề toán mới hoặc tự học thêm phương pháp giải mới để nâng cao kiến thức. Hải cũng không tự mãn về thành quả hoặc thành tích, mà coi đó là động lực đọc thêm chuyên đề bất đẳng thức khó, tài liệu trên tạp chí như Toán học và tuổi trẻ…
Nguyễn Trung Hải giành huy chương vàng cuộc thi Toán tuổi thơ toàn quốc năm 2018 và huy chương vàng kỳ thi toán SASMO cùng năm. Trong kỳ thi vào lớp 10, Hải đã được tổng 56,08/60 điểm. Điểm từng môn lần lượt là: toán 9,5; văn 8,5; tổ hợp 8,83; môn chuyên 9,75.
Anh cả Hải hiện đã tốt nghiệp Trường đại học Dược Hà Nội, còn chị gái đang theo học năm thứ ba Trường đại học Ngoại thương.
Thú vui của Hải là game Graphwar, mỗi ngày cậu thường dành khoảng 30 phút cho trò chơi này - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giải bất đẳng thức giúp Hải giải tỏa tâm trạng mỗi khi buồn chán - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giá sách đơn sơ của chàng trai thủ khoa Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
"Gia tài" của bố mẹ chỉ là những món đồ người khác bỏ đi, nhưng "gia tài" ấy đã nuôi lớn ba chị em Hải. Thương bố mẹ, Hải luôn cố gắng học tập tốt với mong ước giúp bố mẹ đỡ vất vả - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận