Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Còn một tuần nữa trung thu, thầy ra đề bài thủ công làm một lồng đèn ngôi sao. Tôi bối rối vì chưa biết tìm đâu ra tre để làm thì bạn Phương Hạnh ngồi cạnh đề nghị tôi đến nhà bạn làm chung vì nhà bạn có một bụi tre trước cổng. Hạnh bị liệt hai chân do bệnh sốt bại liệt lúc nhỏ, chân bạn phải nẹp và đi lại phải chống nạng. Tuy bị liệt hai chân nhưng Hạnh học khá giỏi và không hề tỏ ra mặc cảm, cả lớp tôi đều quý mến bạn ấy.
Sáng chủ nhật tôi đến nhà Hạnh rất sớm. Hạnh ở nhà một mình, ông ngoại Hạnh đi Sài Gòn có việc, trước khi đi ông đã đốn giúp chúng tôi một cây tre và chặt ra một đốt tre lớn. Tôi và Hạnh cặm cụi chẻ ra từng thanh nhỏ rồi vuốt cho đều, đốt tre khá dài nên chúng tôi biết rằng nếu làm ngôi sao thì lớn lắm nhưng cũng không dám chặt nhỏ vì sợ chặt không đều. Tre xước vào bàn tay tôi, kẽm đâm vào đầu ngón tay tôi đau điếng nhưng khi thấy được hình dạng hai ngôi sao chúng tôi rất vui. Không đủ tiền mua giấy kiếng hay giấy màu để dán hai chiếc lồng đèn quá lớn, chúng tôi cắt giấy bao tập dán cho hai chiếc lồng đèn, cố gắng làm mười chiếc tua ở mỗi cánh của ngôi sao.
Sáng thứ hai, tôi xách hai chiếc lồng đèn to tướng đến trường. Bước vào lớp, nhìn lồng đèn của các bạn, tôi từ tâm trạng vui sướng chuyển sang ỉu xìu. Khoảng một nửa số ngôi sao của các bạn giống của tôi nhưng nhỏ hơn. Một nửa số ngôi sao còn lại rất đẹp, những ngôi sao được dán giấy pơluya sang trọng, giấy kiếng thẳng đẹp, có cái có cả vòng tròn bao quanh. Các bạn có lồng đèn đẹp có vẻ vênh váo, cầm lồng đèn chạy tới chạy lui vừa khoe khoang, vừa săm soi trêu chọc chủ nhân của những chiếc lồng đèn khác.
Thầy đến, tất cả về chỗ ngồi. Nhìn đám học trò lao xao với những chiếc lồng đèn, thầy hỏi: “Các trò đã làm xong lồng đèn rồi à?”, “Dạ”. “Thầy gọi tên từng bạn mang lồng đèn lên bàn thầy chấm điểm”. Từng bạn, từng bạn xách lồng đèn chạy lên bàn thầy, tiếng bàn tán xôn xao, tôi thoáng nhìn thấy 5 điểm, 6 điểm trên hai chiếc lồng đèn đẹp nhất. Đến lượt mình và Hạnh, tôi hồi hộp xách hai chiếc lồng đèn bước lên, thầy cầm hai lồng đèn ngắm nghía ra vẻ thích thú, 10 điểm thầy ghi trên một góc ngôi sao. Tôi ấp úng: “Lồng đèn của con không đẹp bằng của các bạn”, thầy chỉ cười. Cả lớp tôi xôn xao hẳn, bạn nào nói: “Thầy thiên vị, chắc lồng đèn bự thì điểm lớn”, có tiếng cười chế nhạo.
Chấm điểm xong tất cả lồng đèn, thầy đứng dậy, bước đến giữa lớp nét mặt nghiêm nghị. Thầy chỉ vào bạn có chiếc lồng đèn dán giấy pơluya, hỏi: “Lồng đèn này do con làm?”. Bạn lúng túng rồi đỏ mặt: “Dạ, ba con làm giúp”, rồi đến bạn có chiếc lồng đèn có vòng tròn xinh xắn: “Dạ, anh Hai con làm”, bạn có chiếc lồng đèn dán giấy kiếng rất đẹp: “Dạ, chị nhà kế bên làm giùm”. Hỏi ba bạn xong, thầy ôn tồn nói: “Các con cầm lồng đèn của người khác làm đến chấm điểm cho mình là thiếu trung thực. Bài tập của các con mà nhờ người khác làm là các con thiếu lòng tự trọng. Thầy chấm điểm các con dựa trên điều các con học được, cố gắng làm được chứ không phải là kết quả của sự nhờ vả, như vậy là gian lận. Giá trị của con người là điều chính bản thân người đó làm được, người học hành đàng hoàng mới trở thành người hữu ích. Đáng lẽ thầy cho các con 0 điểm nhưng đây là lần đầu thầy tạm tha”.
Từ hôm được chấm 10 điểm cho chiếc lồng đèn ngôi sao, tôi tự tin hẳn lên, tôi cố gắng học thuộc bài ngay tại lớp, tranh thủ những buổi chiều chợ vắng khách ôn bài. Đến cuối học kỳ I tôi đã ở trong năm bạn đứng đầu lớp. Chiếc lồng đèn ngôi sao ấy tôi mang về treo trên bàn học nhỏ xíu của mình, mỗi năm cứ đến trung thu tôi lại thay giấy mới cho chiếc lồng đèn. Lên cấp II, cấp III, rồi đến lúc tôi xếp hành lý đi TP.HCM vào học ngành y Đại học Y dược TP.HCM cũng là lúc tôi từ giã chiếc lồng đèn trên bàn học của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận