Ngày 11-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam? tại Hà Nội.
Nhà báo Cao Huy Thọ, phó giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ, thông báo các đại biểu đừng quên mang quà về. Đó là một giỏ bánh cốm - được làm hoàn toàn thủ công từ hạt cốm tươi - mà báo đã chuẩn bị.
Nói về sản phẩm cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam, các đại biểu dành một thời lượng tương đối nhiều bàn cách "thăng hạng" ẩm thực Việt.
Khi ông Thọ tiết lộ chiếc bánh cốm được nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Tuyết làm thủ công này chỉ có giá 18.000 đồng/chiếc, doanh nhân Phạm Quang Vinh đặt vấn đề: "Tôi mà là bà Tuyết, tôi sẽ bán 180.000 đồng/chiếc, thậm chí 500.000 đồng/chiếc".
180 ngàn/chiếc bánh cốm, đắt không?
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng nước mình có nhiều loại rượu và đồ ăn ngon, trải nghiệm thú vị nhưng giá cả chưa tương xứng.
"Bán 180 ngàn, 500 ngàn đồng, có khi khách du lịch cao cấp muốn ăn, muốn mua hơn. Nếu bán một chiếc bánh cốm 180 ngàn, câu chuyện sẽ khác ngay", ông Vinh nói.
Ông kể trải nghiệm khi cùng bạn bè đi uống rượu vang. Người ta có khi không phân biệt được một chai vang giá 1.000 USD với chai 5.000 USD, nhưng họ sẵn sàng chi tiền và thích chọn chai vang giá cao hơn.
Chiếc bánh cốm làm hoàn toàn thủ công, chỉ có giá 18.000 đồng/chiếc
Tương tự một lần khác, ông cùng hai khách người Canada đi Yên Bái. Khi vào một quán ăn địa phương, chủ quán mang ra menu có các món rượu, trong đó có rượu nếp cẩm, rượu táo mèo…
"Chúng tôi chọn rượu táo mèo. Bạn tôi rất thích, nhất là việc múc từng gáo nhỏ vào chén. Họ quay phim, chụp ảnh gửi cho người thân ngay", ông kể tiếp "khi biết giá 1 chai táo mèo dưới 10 đô, ai cũng quá ngạc nhiên".
Ông Vinh nói: "Tôi mà là chủ quán, tôi sẽ nói lên 100 USD. Khi uống sẽ cảm thấy ngon hơn khi phải trả 100 đô cho bữa rượu đó", ông nói thêm "miễn sao an toàn, trải nghiệm độc đáo".
Hữu xạ tự nhiên hương... xưa rồi!
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết kể khi đi thăm châu Âu, bà thấy người dân ở đó vẫn làm bánh thủ công từ các lò cổ điển hàng trăm năm. Giá bánh không hề rẻ.
"Sao chúng ta không quảng bá hình ảnh bánh truyền thống, được làm thủ công với những mẻ rất ít để họ hiểu được giá trị của ẩm thực Việt", bà Tuyết trăn trở.
Một nghệ nhân ẩm thực khác, bà Phạm Ánh Tuyết, từng tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như tỉ phú.
Bà nói "ẩm thực Việt Nam được thế giới ca tụng nhưng ta không biết nâng tầm ẩm thực của mình lên. Trong khi đó các nước làm rất tốt, kim chi của Hàn Quốc là ví dụ.
"Ẩm thực phục vụ khách cao cấp, yếu tố quan trọng nhất là cá nhân hóa, tiêu chuẩn phục vụ và chế biến an toàn để khi khách thưởng thức họ an tâm tận hưởng", bà nói.
Theo bà Ánh Tuyết, lâu nay người Việt vẫn theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương" nhưng ở thời 4.0, cần một chiến lược sâu hơn trong quảng bá ẩm thực.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, bà Nguyễn Thị Tuyết và đầu bếp Đỗ Nguyễn Hoàng Long - Ảnh: NAM TRẦN
Giải "lời nguyền giá rẻ", mang khách du lịch cao cấp đến
Những năm qua, Việt Nam liên tục vào top 10 điểm du lịch hấp dẫn có chi phí rẻ nhất năm. Năm nay, Việt Nam cũng nằm trong 21 điểm đến rẻ nhất theo tạp chí Condé Nast Traveler.
Phải chăng, ẩm thực Việt "dính phải lời nguyền giá rẻ, bình dân" và chỉ dành cho phân khúc khách du lịch tầm trung?
Làm gì để thu hút thêm phân khúc khách cao cấp tới Việt Nam? Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2017 Đỗ Nguyễn Hoàng Long cho rằng vẫn nên chế biến theo cách truyền thống nhưng trẻ hóa hơn nhằm tiếp cận thêm khách hàng.
Bên cạnh xây dựng các vùng nguyên liệu tốt, an toàn, phát triển theo hướng bền vững, những người kinh doanh ẩm thực phải hiểu giá trị cốt lõi của nguyên liệu, đồng thời hấp thụ tinh thần của khách quốc tế.
Ông Liam Cordingley, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford, nói dịch vụ ẩm thực là một trong những động lực lớn thúc đẩy lựa chọn điểm đến. "7/10 khách du lịch tiềm năng cho biết ẩm thực là yếu tố quan trọng khi lựa chọn điểm đến. Tỉ lệ này tăng lên đối với du khách thuộc nhóm thu nhập cao hơn", ông nói.
Du lịch Việt đang dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Muốn mang khách sộp tới thì phải chú trọng phát triển trải nghiệm ẩm thực cao cấp.
Gồm sản phẩm ẩm thực chất lượng cao với thực đơn phong phú, độc đáo, đa dạng, cá nhân hóa. Địa điểm linh hoạt, dễ tìm kiếm. Phục vụ nhiều loại đồ uống có cồn cao cấp đến cocktail mới lạ.
Ẩm thực Việt được thăng hạng - Ảnh: GIA, NÉN LIGHT
Ông Liam đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn và xuất xứ tin cậy của ẩm thực là yếu tố cốt lõi quyết định hình ảnh và uy tín của điểm du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holding, lưu ý một sản phẩm du lịch cao cấp, về bản chất là cuối cùng để lại ấn tượng gì cho khách.
"Một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm sâu sắc khó quên, một sự bất ngờ và phong phú trong nhận thức… quan trọng hơn rất nhiều là một khách sạn 5 sao hay 6 sao", ông nói. Do đó, chất lượng dịch vụ là cái quyết định cao cấp hay thấp cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận