Những năm tháng phổ thông thiếu thốn, rồi thời sinh viên sống và học dựa vào học bổng, tôi chưa bao giờ từ bỏ hai chữ “cố gắng” như lời cô dạy. Và tôi đã chạm tay vào ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, như niềm mong mỏi và lời dặn dò theo đuổi ước mơ của cô |
Năm ấy, tôi là cô bé nữ sinh đầu cấp III ở một ngôi trường làng bé nhỏ. Nếu xét hoàn cảnh gia đình thì chưa chắc tôi thuộc diện khó khăn nhất, nhưng nhà tôi thật sự nghèo. Cơn lũ lịch sử năm 1999 vừa đi qua càng làm mọi nhà túng quẫn hơn.
Rồi mùa đông ảm đạm đến. Bố tôi đi xe đạp thồ bữa có bữa không. Mẹ tôi hằng ngày cặm cụi bên chậu quần áo giặt thuê, rùng mình nhúng từng cái áo bẩn vào dòng nước lạnh lẽo. Tôi và đứa em trai thua mình 5 tuổi được đến trường đã là một may mắn lớn.
Cái ăn còn thiếu trước hụt sau nên chuyện mặc ấm, mặc đẹp thật sự xa xỉ với chị em tôi. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt giữa mùa đông, tôi nâng niu vô cùng chiếc áo ấm màu xanh nhạt. Đó là món quà tặng nghĩa tình mà gia đình tôi được nhận cùng chăn mền, mấy cân gạo và những gói mì cứu trợ lũ lụt.
Tôi luôn cố gắng giữ gìn áo nhưng khuỷu tay cứ mòn dần, mòn dần, rồi lớp bông vải trắng bên trong bung ra. Tôi vẫn mặc nó để giữ ấm người, vết rách nơi khuỷu tay thì được tôi cố giấu giếm đi.
Rồi một ngày, cô giáo dạy văn của tôi - cô Nguyễn Thị Mĩ Hạnh - gọi tôi lên văn phòng gặp riêng. Lúc đó trong tôi là một mớ hỗn độn của cảm xúc: ngạc nhiên, phân vân, lo lắng, sợ hãi...
Cô Hạnh bắt đầu dạy môn văn của lớp từ đầu năm nay. Cô giảng văn rất hay. Giọng cô đọc thơ rất truyền cảm. Và đặc biệt là cô rất nghiêm khắc. Đến giờ cô vào lớp, đố ai dám không học bài, không soạn bài, kể cả những bạn quậy nhất lớp.
Với một cô bé nhút nhát như tôi thì giữa hai cô trò luôn có một khoảng cách. Tôi luôn quý cô và luôn sợ cô. Một nỗi sợ vô hình.
Mang khuôn mặt tái mét lên phòng hội đồng, tôi lo lắng vô cùng và tưởng tượng đủ thứ chuyện về cuộc gặp gỡ này. Lời của lũ bạn càng làm tôi sợ hãi hơn, lâu nay ai “được” mời lên phòng hội đồng tức là sắp có chuyện chẳng lành. Tôi tự vấn mình mà chẳng biết mình đã phạm lỗi gì.
Gặp một mình cô trong phòng, tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mắt cô. Cô nói thật ngắn gọn, nhỏ nhẹ và nước mắt tôi bắt đầu ứa ra: “Cô biết hoàn cảnh của em và cô có món quà tặng em. Em hãy nhờ mẹ mua cho mình một chiếc áo ấm mới...”.
Người nghèo thường ôm trong mình nỗi mặc cảm, tự ti. Chỉ cần một ánh mắt, một lời nói, một hành động chạm nhẹ vào hoàn cảnh gia đình là lập tức những cảm xúc buồn, tủi kéo nhau đến xâm chiếm lấy tôi. Tôi chớp mắt liên tục, cố tự nhủ: “Không được khóc! Không được khóc!”...
Vậy mà nước mắt cứ thi nhau lăn trên má. Đưa tay quệt nước mắt, tôi rụt rè ngẩng mặt nhìn lên, gặp ánh mắt dịu dàng của cô, tôi lại vội cụp mắt xuống. Cô giáo của tôi đó. Người cô vẫn hằng ngày lên lớp giảng bài mà tôi chưa một lần dám trò chuyện, tâm tình. Cô để ý cái áo không lành lặn của tôi từ bao giờ? Cô biết hoàn cảnh gia đình tôi ư? Cô thật sự đồng cảm với cái nghèo của tôi?...
Trở về lớp, người tôi vẫn bồng bềnh như đang ở trên mây. Lời cô văng vẳng: “Em hãy cố nuôi dưỡng ước mơ của mình. Cô tin là em sẽ làm được!”. Ước mơ trở thành một cô giáo mà tôi viết trong bài tập làm văn đầu năm cô vẫn còn nhớ ư?
Mẹ tôi dành một phần quà của cô để mua cho tôi chiếc áo ấm màu hồng, không hề đắt tiền nhưng nó rất ấm, ấm như tấm lòng của cô vậy.
Có rất nhiều người thầy, người cô yêu thương học trò, bằng nhiều cách khác nhau. Cách cô Hạnh nhìn thấy chiếc áo ấm rách tay của một học trò thật đặc biệt. Và hạnh phúc của học trò chỉ đơn giản là có người thầy giàu lòng yêu thương như thế đỡ nâng, động viên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận