23/06/2019 08:30 GMT+7

Chích ngón tay cứu người đột qụy, nước muối chữa Ebola: tin giả!

YÊN LAM
YÊN LAM

TTO - Ngoài tin sái cổ vào 'bác sĩ Google', rất nhiều người cũng tin vào các thông tin, bí kíp sức khỏe trên mạng xã hội mà không ít cái không chính xác, sai sự thật. Một số cá nhân đã đứng lên nỗ lực chống tin tức giả trong lĩnh vực y tế.

Chích ngón tay cứu người đột qụy, nước muối chữa Ebola: tin giả! - Ảnh 1.

Theo trang Poynter cuối tháng 2-2019, các thông tin sai lệch về sức khỏe đang "hoành hành trên Facebook", và đây là hiện tượng toàn cầu chứ không chỉ riêng một vài quốc gia. Ví dụ rõ ràng nhất là phong trào kêu gọi chống tiêm chủng (anti-vaccine), lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội như Facebook, Instagram…

Poynter dẫn thêm các ví dụ mới đây như một video chia sẻ "bí quyết" cứu người đột quỵ bằng cách chích ngón tay hoặc tai của họ đã lan truyền trên cộng đồng mạng xã hội Argentina hồi đầu năm nay.

Trang kiểm tra tin giả Chequeado cho biết đây là tin vịt vì không có cơ sở khoa học nào. Thông tin này có từ năm 2003 nhưng cứ cách vài năm lại rộ lên và vẫn có người tin, chứng tỏ người dùng mạng xã hội không tự trang bị kỹ năng thẩm định thông tin.

Tương tự, những thông tin như nước muối chữa được Ebola hay các "phương pháp dân gian" để tránh thai vẫn tràn ngập mạng xã hội Nigeria và không ít người răm rắp tin theo.

Chuyên gia sức khỏe tự phong

Một nguồn chia sẻ thông tin không đúng về chăm sóc sức khỏe và các vấn đề y khoa có thể gây hại là những influencer (những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với nhiều người "hâm mộ", lượt tương tác cao).

Tạp chí Newsweek từng cảnh báo hiện tượng những "chuyên gia lối sống" (lifestyle guru) tự phong, thường xuyên chia sẻ bí quyết trẻ đẹp, khỏe mạnh với hàng ngàn hay chục ngàn người theo dõi, trên thực tế lại không có chuyên môn hay kỹ năng, kiến thức gì cả.

Nhiều người tự nhận là chuyên gia dinh dưỡng nhưng không có bằng cấp, đủ chuyên môn để đưa lời khuyên về sức khỏe. Những "chuyên gia" này chỉ đưa ra các lời khuyên chung chung, phổ biến như "ăn nhiều trái cây và rau", "tập thể dục thường xuyên" hay "giảm rượu bia" để khỏe mạnh.

Thực chất họ gây dựng sự nổi tiếng để kiếm lợi từ đăng bài quảng bá sản phẩm giúp các nhãn hàng, thường cũng là bán loại hàng chẳng có tác dụng gì.

The Conversation cuối tháng 3 nhắc lại chuyện cô gái người Úc Belle Gibson, một "tấm gương nghị lực" nổi tiếng trên Instagram vào năm 2013 khi tự nhận đã chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối chỉ bằng "ăn uống và lối sống lành mạnh" thay vì điều trị theo y khoa hiện đại.

Sau khi có danh tiếng trên mạng, Gibson viết sách chia sẻ lời khuyên sống khỏe mạnh và công thức ăn uống bổ dưỡng "đẩy lùi ung thư", rồi đứng ra gây quỹ từ câu chuyện. Sang năm 2015, cô bị phanh phui là lừa đảo vì cô chưa bao giờ bị ung thư.

The Conversation tóm tắt điểm chung của các chuyên gia lối sống: cẩn thận xây dựng câu chuyện đời mình, nêu chi tiết nghịch cảnh và quá trình chuyển biến kỳ diệu, thoát khỏi bệnh tật. Các lời khuyên đưa ra thường chung chung và bằng chứng sự lột xác của họ chỉ là hình ảnh "trước và sau" do chính họ chuẩn bị.

Các chuyên gia dỏm này khéo sử dụng mạng xã hội, khai thác tương tác để tìm danh tiếng và ngày càng nổi tiếng.

Đây là điều mà các bác sĩ giỏi, chuyên gia y tế thực thụ không am hiểu hoặc không có thời gian để làm. Lời khuyên của một chuyên gia đầy kinh nghiệm và uy tín sẽ "chẳng là gì" so với các bài viết được chăm chút kỹ lưỡng của các "chuyên gia lối sống" tự phong.

Chống "tin vịt" trên mạng xã hội

Thông tin sai về sức khỏe đã đáng hại, chúng lại được khéo léo truyền đạt cho những người cả tin thì càng đáng nguy. Đó là lý do vì sao Jefferson Health, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở hai bang Pennsylvania và New Jersey (Mỹ), cho rằng cần có một nhân sự chuyên trách để giải quyết tình trạng thông tin sức khỏe và lời khuyên y tế không được kiểm chứng bị chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

Cơ quan này vì thế bổ nhiệm tiến sĩ y khoa Austin Chiang, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa được đào tạo ở Đại học Harvard, làm "giám đốc phụ trách vấn đề y tế trên mạng xã hội", theo CNBC ngày 31-5.

Nhận nhiệm vụ từ mùa hè năm 2018, bác sĩ Chiang đặt mục tiêu "chiêu mộ" một đội ngũ các bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế để mang đến các thông tin chính xác và lời khuyên hữu ích, nhằm giúp người theo dõi vốn đang hoang mang trước rừng thông tin trên mạng xã hội biết được đâu mới là thông tin đúng.

Chiang tương tác với người dùng qua Facebook, Instagram, Twitter và LinkedIn. Tài khoản của Chiang trên Instagram (@austinchiangmd) thoạt nhìn toàn là hình cá nhân của bác sĩ này, song phần mô tả của mỗi bức ảnh đều là các thông tin hữu ích về kết quả nghiên cứu y khoa mới nhất hoặc lời khuyên dành cho bệnh nhân.

Theo Chiang, vấn đề trong việc phổ biến thông tin sức khỏe trên mạng là các địa chỉ chia sẻ thông tin đúng như @austinchiangmd chỉ có gần 23.000 người theo dõi, trong khi Medical Medium, trang Facebook của một "nhà ngoại cảm" có 3,4 triệu người theo dõi, chuyên chia sẻ các loại rau giúp chữa bách bệnh, từ trầm cảm đến béo phì.

Ngoài ra, trên các mạng như Pinterest và Facebook, thông tin kêu gọi chống văcxin tràn ngập, lấn át các thông tin chính thống về sức khỏe. Ngay cả với các trang thương mại điện tử như Amazon và eBay, các phương thức trị bệnh nguy hiểm cũng được rao bán tràn lan, chẳng hạn một chất tẩy công nghiệp mạnh được cho là có thể giúp trẻ em khỏi tự kỷ.

"Đây là cuộc khủng hoảng trong chăm sóc sức khỏe lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt - Chiang nói với CNBC - Mọi người đều phải đứng lên có tiếng nói chống lại tin tức y khoa giả, nhưng tôi nhận ra mình cũng chỉ là một trong số rất ít người làm thế".

Chiang đơn độc là vì các bác sĩ có chuyên môn và kiến thức lại ngại dùng mạng xã hội và kết nối với bệnh nhân qua kênh này vì nhiều lý do như cho rằng mất thời gian, không biết cách làm hoặc sợ khuyên sai thì gặp rắc rối với nơi đang làm việc.

Nhiều chuyên gia thích trao đổi với đồng nghiệp qua các tập san khoa học hơn là lên Facebook. Theo Chiang, số đông đại chúng đâu phải ai cũng thích đọc và nắm bắt được thông tin từ các bài báo khoa học, vì thế các chuyên gia y tế cần dành thời gian kết nối với người cần tiếp nhận thông tin "đúng chỗ" trên mạng xã hội.

Cử một nhân sự chuyên trách chống tin tức giả về sức khỏe trên mạng xã hội là ý tưởng của Stephen Klasko, CEO của hệ thống Jefferson Health. "Tất cả những người dưới 35 tuổi đều sử dụng Facebook và Instagram và tôi muốn họ xem Jefferson Health là đối tác khi họ cần thông tin về sức khỏe", Klasko nói.

Klaso so sánh việc thông tin không chính xác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tràn lan trên mạng so với thông tin chính thống giống như việc "đọc báo lá cải dễ hơn tìm được tờ báo uy tín".

Vì thế mà gần 3.000 bác sĩ làm việc trong Jefferson Health cũng được khuyến khích tham gia mặt trận chống tin giả với Chiang để người dùng mạng xã hội có địa chỉ tin cậy tham khảo các thông tin về sức khỏe.

Nhiều bác sĩ vào cuộc

mang xh1

Một bài viết của bác sĩ Austin Chiang (chụp qua màn hình)

Ngoài Austin Chiang, có những bác sĩ khác cũng nỗ lực giúp người dùng không bị các tin vịt về sức khỏe lừa. Chẳng hạn như bác sĩ Zubin Damania với biệt danh ZdoggMD chuyên làm các video hài hước để bác bỏ các thông tin sai lệch về chăm sóc sức khỏe. ZdoggMD đã xây dựng được cộng đồng trên 1,3 triệu người theo dõi trên Facebook.

Trong khi đó, bác sĩ David Juurlink cũng thường xuyên lên Twitter để cảnh báo người dùng mạng xã hội chớ tin theo các thông tin truyền miệng trên mạng. Juurlink không dùng lời lẽ hàn lâm mà chọn cách thể hiện dí dỏm để người đọc dễ đón nhận.

Chẳng hạn như bài thơ sau để khuyên mọi người đừng tin vào các chế độ "thải độc" (detox) chia sẻ trên mạng: "Tôi đã xem / Phương pháp detox / Bạn tìm thấy / Trên Internet / Thứ mà / Bạn có lẽ / Sẽ áp dụng / Cho dịp năm mới / Tin tôi đi / Nó rất vô lý / Và phản khoa học / Và ngu ngốc nữa".

Những nỗ lực từ bác sĩ Austin Chiang hay Zubin Damania dĩ nhiên không thể nào đẩy lùi hoàn toàn nạn tin giả. Mỗi người dùng mạng xã hội cũng phải tự trang bị cho mình kỹ năng thẩm định thông tin và chỉ nên tham khảo thông tin từ các nguồn chính thức.

Chẳng hạn Tổ chức Y tế thế giới có tài khoản chính thức trên Facebook, Twitter và cũng thường xuyên chia sẻ các thông tin cần biết.

Đông Nam Á dựng tường chống tin giả

TTO - Người dân một số nước Đông Nam Á rất chuộng mạng xã hội, nhưng đôi lúc trở thành nạn nhân của tin giả, tin vịt. Một bức tường ngăn chặn 'đại dịch' tin giả đang được dựng lên giữa nhiều tranh cãi.

YÊN LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp