Nghệ sĩ Kim Xuân và đạo diễn Vũ Minh - Ảnh: nghệ sĩ Kim Xuân
Nghệ sĩ Bạch Long buồn bã thốt lên: "Vũ Minh qua đời là một mất mát lớn của sân khấu Idecaf!".
Từ cậu bé lượm ve chai đến đạo diễn đa năng
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf, Vũ Minh tên đầy đủ là Nguyễn Điền Vũ Minh, sinh năm 1967 tại Quy Nhơn. Sau đó, gia đình anh chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Vũ Minh từng tâm sự ba mẹ sớm chia tay nên 5 anh em anh sống trong sự yêu thương của bà nội. Vì hoàn cảnh khó khăn nên ban ngày Minh đi học, chiều tối anh đi bán thuốc lá, hột dưa, đậu phộng, vé số dạo ở công viên, anh còn đi lượm cả túi nilông, ve chai...
Khoảng năm 1983, vô tình đội múa rối Nụ Cười của ông Huỳnh Anh Tuấn đến Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển diễn viên. Minh là một trong những người đăng ký đầu tiên.
Mới đầu chỉ là ham vui được học, được diễn, được chơi với bạn bè cùng trang lứa để quên đi những nhọc nhằn, khó khăn trong gia đình. Ai dè, Minh mê hồi nào không hay. Anh không chỉ diễn mà còn tạo hình con rối cực đẹp, anh bộc lộ thêm nhiều khả năng như nhảy múa, ca hát, diễn kịch câm...
Từ đội viên, anh trở thành phụ trách và là phó chủ nhiệm câu lạc bộ múa rối Nụ Cười. Ngày đó còn vất vả, chính Minh là người đạp ba gác chở đội rối đi diễn khắp hang cùng ngõ hẻm.
Khi ông Tuấn thành lập sân khấu Idecaf, khởi đầu là sân khấu Thế giới nhỏ với vở kịch thiếu nhi Hoàng tử chăn lợn, Vũ Minh, Đình Toàn lần đầu được diễn kịch chung với thần tượng của mình là nghệ sĩ Thành Lộc, Minh Nhí, Hoàng Trinh... Niềm đam mê lớn dần thôi thúc Vũ Minh đi học đạo diễn ở Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.
Sau khi học xong, Idecaf đã tạo điều kiện cho Vũ Minh phát huy khả năng của mình.
Vũ Minh cực kỳ yêu nghề, nghiêm túc, chỉn chu, đầy trách nhiệm với sân khấu. Điểm mạnh của em là sự đa dạng. Em có thể dựng kịch lịch sử như vở Vua thánh triều Lê, có thể dựng vở mộc mạc dung dị như Tía ơi má dìa hoặc những vở gợi nhiều suy ngẫm như Con Tám con Cấm, Hợp đồng mãnh thú...
NSƯT Hữu Châu
Mất mát lớn của sân khấu Idecaf
Ở Idecaf, đạo diễn Vũ Minh đã dựng khoảng 20 vở kịch người lớn, trong đó có rất nhiều vở diễn ghi được dấu ấn như: Dạ cổ hoài lang, Bông hồng cài áo, Tía ơi má dìa, Trái tim nhảy múa, Hợp đồng mãnh thú, Gươm lạc giữa rừng hoa, Ngôi nhà không có đàn ông, Hạnh phúc trên đồi hoa máu, Lời nguyền phù thủy, Mưu bà Tú...
Với kinh nghiệm lăn lộn cùng đội rối Nụ Cười, Vũ Minh là đạo diễn mát tay của chương trình Ngày xửa ngày xưa với 16 vở chiếm phân nửa số lượng chương trình đã trở thành thương hiệu ở Idecaf. Không chỉ đạo diễn, anh còn là tác giả kịch bản với những câu chuyện bay bổng, đầy tính hành động và hài hước.
Anh xây dựng một thế giới choáng ngợp cho các bé với đầy màu sắc, anh biến những cái xấu thành những trò hài hước để trẻ con không chỉ cười khoái chí mà còn biết né không làm theo.
Năm 2010, anh còn "cả gan" đầu tư thực hiện chương trình Gìn vàng giữ ngọc với 6 đêm diễn tại nhà hát Bến Thành với hai vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu tập trung các nghệ sĩ kỳ cựu của gia tộc cải lương lừng lẫy gồm NSND Thanh Tòng, Bạch Lê, Thanh Bạch, Điền Thanh, Trường Sơn, Công Minh, Xuân Yến, Thành Lộc, Bạch Long...
Chương trình đã tạo một dấu ấn thật đẹp mà theo Bạch Long, Vũ Minh đã biết phả luồng gió mới vào cải lương tuồng cổ, tiết tấu chặt chẽ, có những xử lý hợp thời và nhân văn. Từ thành công này mà Vũ Minh còn từng được nhà hát Trần Hữu Trang mời dàn dựng vở Đả chiến phá sông Ngân.
Không chỉ hừng hực lửa nghề, thích tìm tòi, khám phá cái mới, Vũ Minh còn rất tâm huyết với công tác đào tạo khi là giảng viên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.
"Sân khấu Idecaf đã lên khá nhiều kế hoạch mà Vũ Minh sẽ chịu trách nhiệm như làm kịch lịch sử dành cho trường học, hình thành một sân khấu chuyên dành cho diễn viên trẻ, dựng cho xong vở Ngày xửa ngày xưa Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá đen xì...
Lửa nghề của Minh vẫn còn hừng hực và hứa hẹn còn làm nhiều cái hay vậy mà em sớm ra đi. Anh chị em đau xót và sân khấu hiện cũng rất lúng túng!" - ông Huỳnh Anh Tuấn buồn bã nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận