04/04/2022 10:29 GMT+7

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nhiều người yêu di sản Hà Nội đang ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh quảng trường Ba Đình, đang bị phá dỡ để xây cao ốc.

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 1.

Dãy nhà duy nhất chưa bị phá bỏ trên mặt phố Hùng Vương (ảnh chụp chiều 2-4) - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Nơi ấy từng ghi dấu tích lịch sử của thủ đô một thời hào hùng.

Dãy nhà nằm trên khu đất số 61 Trần Phú, đối diện với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên kia đường Trần Phú, cách quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 2.

Công trình kiến trúc kiểu Pháp của Nhà máy thiết bị bưu điện khi chưa bị phá dỡ - Ảnh: KTS Trương Ngọc Lân cung cấp

Một kiến trúc giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn nguyên vẹn

Điều đặc biệt, vốn là nhà máy cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, tòa nhà này được quy hoạch với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bêtông cốt thép rất độc đáo ở giữa.

Theo KTS Trương Ngọc Lân (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), đây là cấu trúc công nghiệp mang dấu ấn kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội đến thời điểm nó bị phá.

Công trình đã rất thân thuộc với người dân thủ đô, bởi kiến trúc kiểu Pháp thấp tầng thanh lịch bám theo mặt đường dưới những tán cổ thụ xanh mát. Xung quanh công trình này còn có nhiều biệt thự Pháp cổ khác.

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 3.

Bức ảnh tư liệu của TTXVN ghi lại khoảnh khắc lịch sử các chiến sĩ tự vệ Nhà máy Thiết bị bưu điện đang khẩn trương tu sửa nắp hầm tháng 5-1972 - Ảnh tư liệu TTXVN

Đáng chú ý, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ và thông tin cho biết chính tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19-5-1967.

Bức phù điêu nhắc nhớ về lịch sử hào hùng và cả lãng mạn của những năm "thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ" với những cô gái "súng bên vai sao vuông đầu mũ", mắt tươi sáng và "chân bước hiên ngang" như trong lời bài hát Bài ca Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Thanh.

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 4.

Bức phù điêu trên tường dãy nhà kiểu Pháp sắp bị phá hủy - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cần "cứu" bức phù điêu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo quận Ba Đình cho biết đây là dự án cấp TP phê duyệt, quận không được biết. Ông nói bức phù điêu chắc cũng sẽ bị đập bỏ cùng ngôi nhà. Một đại diện từ Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội cũng cho biết sở không được báo cáo, xin ý kiến về số phận của bức phù điêu.

Về bức phù điêu này, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nói tòa nhà thật khó giữ ở vị trí "đất kim cương" nhưng bức phù điêu là lịch sử Hà Nội trong một giai đoạn rất hào hùng.

Theo ông Ánh, TP sáng tạo chỉ được xây dựng trên nền tảng của TP giàu di sản và ký ức. Có lẽ là quá muộn để kêu gọi bảo vệ tòa nhà kiến trúc Pháp, nhưng ông Ánh nói ít nhất Hà Nội cần cắt mảng tường có bức phù điêu để dựng lại ở góc phố này.

"Điều cuối cùng có thể làm được là cứu bức phù điêu. Không thể tin là một di tích cách mạng có thể bị lãng quên và phá hủy như thế này" - ông Nguyên Khôi, một người yêu di sản Hà Nội, nói.

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 5.

Các tòa nhà bên trong vốn trước đây là nhà máy có kiến trúc rất độc đáo đầu thế kỷ 20 đã bị phá hủy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Ông Martin Rama - giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người lâu nay thân thuộc với người Việt Nam vì tình yêu đặc biệt của ông với di sản - cũng vừa lên tiếng về vụ việc phá dỡ tòa nhà.

Là một chuyên gia kinh tế, cố vấn cấp cao ở Ngân hàng Thế giới, ông Martin cho rằng với giá trị cực lớn của khu đất, việc sử dụng đất cho một tòa nhà mới là dễ hiểu nhưng nên đi kèm với điều kiện chiều cao và mật độ không mâu thuẫn với cảnh quan đẹp và thanh lịch của khu vực quan trọng này ở Hà Nội. Còn kiến trúc của tòa nhà mới được phê duyệt chỉ đơn giản là "khủng khiếp".

Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình - Ảnh 6.

Kiến trúc tòa nhà sắp được xây dựng cạnh quảng trường Ba Đình khiến nhiều người lo lắng cho bộ mặt của thủ đô

Nói với Tuổi Trẻ, ông cho biết Ba Đình là một trong những khu vực có cảnh quan đô thị đặc sắc nhất của Hà Nội, tòa nhà mới sẽ là sự "bức hại" tới "cá tính" của TP, làm đứt gãy ký ức của cư dân đô thị này.

Theo ông, vẫn có thể xây một tòa nhà cao tầng ở giữa khu đất, nhưng đồng thời giữ những cấu trúc nhà thấp tầng rất Hà Nội ở mặt đường (kể cả bức phù điêu) và hiện đại hóa chúng, biến thành những cửa hàng đẹp và lối vào tòa nhà mới rất hấp dẫn.

"Chính quyền Hà Nội lẽ ra nên đề nghị các nhà đầu tư tôn trọng môi trường cảnh quan đô thị hơn. Đặc biệt, Ba Đình là một trong những phần có giá trị nhất của TP về mặt di sản châu Âu. Và nó rất đồng nhất. Tôi rất mong UBND TP Hà Nội quan tâm hơn tới việc bảo vệ những đặc sắc còn lại của Hà Nội trước khi quá muộn", ông Martin nói.

Trong nhiều năm, nơi đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef) thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án công trình đa chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum (chiều cao tối đa 42,9m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5m2.

Dự án thuê đất trong 50 năm, kéo dài tới năm 2067, do Postef hợp tác với Công ty CP Liên Việt Holdings (nay là Công ty CP Tập đoàn Liên Việt) cùng đầu tư. Ngoài ra còn có sự tham gia của Tập đoàn Him Lam với vai trò "nhà tư vấn" cho Liên Việt.

Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945

TTO - Không đứng tên tác giả, nhưng nhà báo, nhà khảo cứu Phúc Tiến của TP.HCM chính là tác giả biên soạn cuốn sách này. Thật thú vị khi một người Sài Gòn đã được chọn thay vì một người Hà Nội hoặc một người sống ở Hà Nội nhiều năm.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp