24/06/2018 13:32 GMT+7

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt

TS NGUYỄN THỊ HẬU (tổng thư ký  Hội Sử học TP.HCM)
TS NGUYỄN THỊ HẬU (tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM)

TTO - Giáo sư Phan Huy Lê - chuyên gia hàng đầu của nền sử học Việt Nam, một tài năng, nhân cách lớn - vừa ra đi, để lại nỗi hẫng hụt lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến sử học nước nhà.

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt - Ảnh 1.

GS - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thầy của chúng tôi

Cho đến nay, chúng tôi, sinh viên khoa lịch sử của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM những khóa đầu tiên sau năm 1975 vẫn gọi thầy Phan Huy Lê một cách kính trọng và giản dị như thế dù thầy có rất nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông mất vào 13h06 ngày 23-6 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.

Lễ viếng và truy điệu được tổ chức vào 7h30 đến 10h ngày 27-6 tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ an táng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội vào 13h cùng ngày.

Bởi lẽ đối với nhiều thế hệ học trò, thầy Phan Huy Lê luôn là một người thầy điềm đạm, chu đáo và cẩn trọng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhân hậu và tình cảm với mọi người.

Những giờ học đầu tiên của chúng tôi về lịch sử là những trang sử thời cổ - trung đại Việt Nam do thầy Lê phụ trách.

Mười thế kỷ chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Minh - Thanh, qua bài giảng của thầy đã trở nên sống động và gần gũi, không phải chỉ từ những chiến thắng hào hùng mà còn từ những "góc khuất" của lịch sử.

Những góc khuất ấy, như thầy nói, không hề làm giảm giá trị của vinh quang mà khi sáng tỏ sẽ làm cho lịch sử trở nên cao quý hơn!

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng loạt di tích khảo cổ - lịch sử về kinh thành Thăng Long cổ xưa.

Người "đứng mũi chịu sào" đưa ra những kiến nghị về việc cần thiết bảo tồn khu di tích này với tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là thầy Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch Nam.

Với riêng tôi, thầy Lê dù quê hương ở vùng sông Lam núi Hồng nhưng là một "người Hà Nội" vì đây là nơi ông đã sống, làm việc trọn đời, và còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Được làm việc với thầy trong ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong nhiều khóa từ năm 2005 đến nay, tôi luôn nhận được sự chỉ bảo tận tâm của thầy trong công tác hội, khi tham gia nghiên cứu lịch sử vùng đất phía Nam, trong cách thức "phản biện" các vấn đề xã hội...

Thầy gửi cho tôi những cuốn sách mới của thầy, mỗi lần gặp thầy lại động viên: "Mình mới đọc bài của Hậu viết về bảo tồn di sản Sài Gòn. Cố gắng nhé!".

Vài năm sau này, quanh việc nghiên cứu triều Nguyễn và một số nhân vật lịch sử, thầy đã chia sẻ với chúng tôi về trách nhiệm của người nghiên cứu là phải vượt qua bằng được những khó khăn để có thể khôi phục những "sự thật lịch sử".

Dẫu biết thầy đã phải nằm viện từ những ngày trước, nhưng thật đột ngột là tin thầy đã ra đi... Với chúng tôi, sự ra đi của những người thầy như thầy Trần Quốc Vượng, thầy Đinh Xuân Lâm và thầy Phan Huy Lê đã để lại những khoảng trống không dễ gì bù đắp, dù các thầy không bao giờ muốn học trò coi mình là "thần tượng".

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt - Ảnh 3.

Phải viết khách quan về lịch sử

Khi ở tuổi 18, GS Phan Huy Lê học ban sử - địa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành giảng viên của trường. Ông cũng tham gia giảng dạy ở Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)...

Nhiều học trò được ông đào tạo, sau này cũng trở thành các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam.

Những công trình nghiên cứu của GS Phan Huy Lê có: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam (1959), Khởi nghĩa Lam Sơn (1965), Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (1976), Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (1988), Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (3 tập, 1994, 1996, 1997), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2002)...

Từ năm 1988, GS Phan Huy Lê đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Cuối đời, ông dành tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử lớn nhất Việt Nam với vai trò tổng chủ biên. GS đã đưa ra nhiều quan điểm tiến bộ, dự kiến sẽ thể hiện ở bộ Quốc sử.

Ông đề xuất phải viết khách quan về lịch sử của thực thể chính quyền Việt Nam Cộng hòa, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo, các sự kiện cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm...

Nhà sử học Phan Huy Lê được phong Nhà giáo nhân dân (1994); được tặng giải thưởng Nhà nước (2000), Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Pháp (2002), danh hiệu Viện sĩ thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011), giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016)...

V.HÀ

Chia tay giáo sư Phan Huy Lê - người thầy của nền sử Việt - Ảnh 5.

Từ trái qua: GS Đinh Xuân Lâm và GS Phan Huy Lê tại một hội thảo về triều Nguyễn - Ảnh: VIỆT DŨNG

Những học trò của GS Phan Huy Lê đã chia sẻ với Tuổi Trẻ trong cảm xúc bàng hoàng trước khoảng trống mà người thầy lớn của mình để lại, nhất là khi GS ra đi khi vẫn đang nặng lòng với bộ Quốc sử lớn nhất từ trước tới nay (bộ Lịch sử Việt Nam mới)...

* PGS.TS TRẦN ĐỨC CƯỜNG (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam):

Tổn thất to lớn của nền sử học VN

Bộ Quốc sử do GS Phan Huy Lê là tổng chủ biên tới thời điểm này cơ bản đã xong bản thảo lần một. Đây là công trình lớn mà GS Lê đã dành tâm sức cuối đời để thực hiện, bao gồm 30 tập, trong đó có 25 tập chính văn. Hơn 300 tác giả tham gia bộ Quốc sử dưới sự chủ trì sát sao của GS Phan Huy Lê. Hiện GS đang tổ chức thảo luận góp ý để chỉnh sửa bản thảo, nhưng thật không ngờ... Sự ra đi của GS Phan Huy Lê là tổn thất to lớn của nền sử học Việt Nam nói chung và tổn thất cho việc biên soạn, hoàn thành bộ Quốc sử.

GS Phan Huy Lê là người thận trọng về khoa học, nhưng đồng thời cũng là người cởi mở, cập nhật tất cả các nghiên cứu trong giới một cách khách quan để chọn lọc đưa các thành tựu nghiên cứu có giá trị vào bộ sách. Dự kiến bộ Quốc sử được hoàn thành vào năm 2019 nên GS Phan Huy Lê đã cùng các tác giả làm việc với cường độ cao. Tuy đau ốm, tuổi cao sức yếu nhưng GS Lê vẫn đôn đốc, sát sao với từng tập của bộ sách.

Hiện thời, tôi không thể nói thêm gì hơn về những việc đang làm dang dở, nhưng chắc chắn tôi cũng như tập thể tác giả của bộ Quốc sử sẽ vẫn cố gắng hết sức để thực hiện các yêu cầu của GS Phan Huy Lê, đảm bảo chất lượng của bộ sách. Đó cũng là việc làm thiết thực thể hiện sự tôn trọng và tiếc thương đối với đại thụ của nền sử học nước nhà.

* PGS.TS VÕ VĂN SEN (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM):

Những đóng góp của thầy có tính quyết định

Tôi là một trong số những học trò lịch sử lứa đầu tiên do thầy Phan Huy Lê giảng dạy tại miền Nam sau khi thống nhất đất nước. Thầy Lê là một trong tứ trụ trong giới sử học Việt Nam. Trong số hai người còn sống là thầy và thầy Hà Văn Tấn, sức khỏe của thầy khỏe hơn nhưng lại đột ngột ra đi. Đó là mất mát lớn cho giới sử học Việt Nam nói riêng cũng như đất nước nói chung.

Không chỉ nổi tiếng và uy tín ở Việt Nam, thầy còn được giới khoa học ở nhiều nước như Nhật, Pháp, Mỹ biết đến và kính trọng. Thầy Lê là người biên soạn những giáo trình lịch sử cổ trung đại Việt Nam cơ bản nhất. Những trang sử cổ trung đại Việt Nam không thể không nhắc đến tên thầy. Những đóng góp của thầy có tính quyết định đến việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử tại Việt Nam.

Không chỉ là nhà nghiên cứu, thầy còn là người dẫn dắt biết bao thế hệ những nhà sử học Việt Nam. Khi đất nước giải phóng, thầy là người đầu tiên từ miền Bắc vào phía Nam đào tạo những lứa học trò lịch sử đầu tiên. Và đó cũng là nền móng cho sự phát triển của giới sử học phía Nam sau này.

Ngoài những giáo trình kinh điển về lịch sử Việt Nam, thầy đã chủ biên và xuất bản bộ Lịch sử Nam bộ gồm 10 tập và đã được trao giải thưởng Trần Văn Giàu. Đáng tiếc là trong lúc đang chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam mới, đã gần hoàn thành thì thầy ra đi.

VĨNH HÀ - MINH GIẢNG ghi

Cố giáo sư Phan Huy Lê, bậc thầy đổi mới nghiên cứu lịch sử

TTO - Với kiến thức lịch sử uyên thâm, Giáo sư Phan Huy Lê đã góp phần tạo ra sự đổi mới trong việc nghiên cứu, đánh giá lại lịch sử bằng cái nhìn khách quan và khoa học, nhất là lịch sử của vương triều Nguyễn.

TS NGUYỄN THỊ HẬU (tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp