01/06/2017 12:47 GMT+7

Chia tay cuối cấp, đám bạn tôi quăng tôi vô... thùng rác

TÂM AN
TÂM AN

TTO - Dạo gần đây, trên mạng xuất hiện một đoạn clip học sinh ném bột màu vào cổng trường, có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Vào thùng rác đối với học sinh 12 Gia Định là điều khá bình thường - Ảnh: Tâm An

Vậy, những bạn học sinh - người trong cuộc nghĩ gì về các trò chơi, hoạt động… ghi dấu kỷ niệm tuổi học trò?

Quăng... bạn vào thùng rác!

Bạn Thạch Ngọc Phương Anh (học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Vào dịp cuối năm, nhà trường có tổ chức chụp hình mặc lễ phục tốt nghiệp. Sau đó trường cho học sinh 12 được thoải mái đi chụp hình, chơi đùa. Bên cạnh các hoạt động nhẹ nhàng như ghi nhật ký, ký tên,… tụi mình còn đem bột mì hoặc bột màu, chuẩn bị bóng nước để ném. Tụi mình chơi trên tinh thần vui là chính, lâu lâu phải quậy vậy mới vui chứ.”

Đồng ý với việc “vui là chính, học trò là phải quậy mới ra học trò”, bạn Thành Đạt (cựu học sinh Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM) nói: "Ngồi đèn sách 12 năm, năm cuối cấp nên chúng em “nổi loạn” một tí. Sau này lớn rồi nhớ về cũng thấy mình có một thời “điên cuồng” của tuổi trẻ.

Ngoài ra, các bạn Trường THPT Gia Định còn nảy ra trò chơi… ném bạn vào thùng rác. Bạn Quỳnh Mai (cựu học sinh Trường Gia Định, quận Bình Thạnh) nói: “Ngày xưa cứ canh đúng dịp cuối năm là mấy đứa bạn lại đi “săn lùng” và ném mình vào thùng rác ở các dãy hành lang. Đương nhiên là phải chọn thùng nào vừa dọn xong, nhưng thật ra thùng rác cũng không có gì dơ, toàn là giấy tập nên mình cũng cảm thấy vui và không nghĩ gì nhiều”.

Khi được hỏi có sợ thầy, cô la không, cả bạn Mai và bạn Phương Anh đều nói thầy cô có nhắc nhở không nên để ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng có “la cho có lệ” nhưng sau đó thấy không sao nên cho qua. Thậm chí, bạn Phương Anh còn nói thầy giám thị của trường cũng là “nạn nhân” của bột màu, tuy nhiên thầy không hề la hay khó chịu mà còn rất vui vẻ.

Thầy cô, phụ huynh cũng tạo điều kiện cho học sinh chơi hết mình

Biết được tâm lý cuối cấp, học sinh thích làm những điều khác biệt để lưu giữ kỷ niệm đẹp tuổi học trò, nhiều trường cũng chủ động tổ chức các hoạt động vui chơi.

Bạn Nguyễn Khánh Huyền (cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Biên Hòa) háo hức kể lại kỷ niệm: “Trường em tổ chức một tháng cuối cùng với bốn buổi giao lưu chơi trò chơi cho tất cả học sinh khối 12. Trường tạo điều kiện cho học sinh chơi trò chơi như cuộc đua kỳ thú, bơi lội, cặp đôi hoàn hảo, đập bóng nước, cùng nhau về đích...”.

Học sinh lớp 12 Trường Lê Quý Đôn tham gia hoạt động trường tổ chức - Ảnh: Tâm An

Tại Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, vào cuối học kỳ 2 thầy cô cho phép học sinh được tổ chức hội trại, được nhảy nhót, vui chơi,… Bên cạnh đó, cũng cho phép học sinh được tổ chức buổi dạ hội (giống phong cách nước ngoài) để học sinh có thể lưu giữ nhiều kỷ niệm và hình ảnh đẹp, thư giãn trước kỳ thi cam go sắp tới.

Bạn Vũ Hải Long (lớp 11, sáng lập CLB EDM Trường THPT Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Trong những năm gần đây, ban giám hiệu nhà trường cho phép tụi mình được đưa nhạc EDM (nhạc điện tử) vào hội trại cho lớp 12, kết hợp đồng ý cho sử dụng bột màu và bóng nước. Theo mình, đây là một hình thức giúp học sinh được thỏa sức nhảy nhót, thể hiện sự năng động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của thầy cô'.

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu quậy hết mình trong hội trại lớp 12 - Ảnh: Sỹ Huy

Thầy Vũ Đại Hội (GV vật lý Trường THPT Võ Thị Sáu) nói: “Quan điểm của thầy cô là không cấm học sinh chơi bột màu, bóng nước. Tuy nhiên thầy cô cũng luôn dặn học sinh phải kiềm chế, phải chọn lựa và không để ảnh hưởng đến các bạn không thích. Chơi trên quan điểm vui vẻ, hòa đồng và an toàn thì thầy cô rất ủng hộ.”

Cô Diễm Lệ (quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Cô cũng ủng hộ cho con cô chơi những hoạt động này. Dù về nhà người lấm lem nhưng ít ra con mình vui. Còn có mấy ngày nữa đâu, trường cũng tạo điều kiện thì sao mình lại cấm.”

Ông Trọng Bình (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng đồng cảm với học sinh: “Tụi nó còn nhỏ, ép tụi nó học 12 năm rồi. Quy củ quá, nghiêm túc quá chắc tụi nó... điên hết. Miễn là không ảnh hưởng đến sức khỏe, còn lại chú cho con chú xả láng. Nhiều khi chú còn thúc cho nó chịu chơi với bạn bè để hòa nhập, hiểu được không khí tuổi học trò. Nhiều người lớn mình cứ thích áp đặt, thích con ngoan ngoãn, riết nó thành cái máy hết.”

Thầy Vũ Đại Hội cho rằng: quan điểm của thầy cô và nhà trường là tạo điều kiện cho học sinh chơi, nhưng sau đó học sinh phải ở lại dọn sạch sẽ rồi mới cho đi về. Bên cạnh đó, việc chơi bột màu hay bóng nước đều diễn ra trong khuôn viên sân trường, không để ảnh hưởng đến nhà dân, hay ảnh hưởng đến các phòng học. Học sinh chơi xong, vui vẻ, sau đó dọn dẹp để không ảnh hưởng đến các cô chú lao công, như vậy mới nghiêm túc.

 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến dọn dẹp bột màu sau khi chơi xong - Ảnh: Mai Nguyễn 
Rất mong người lớn sẽ hiểu và thông cảm cho những hành động nghịch ngợm nhưng vẫn có ý thức, đừng đánh giá học trò quá khắt khe                                                      
NGUYỄN KIỀU MY, một học sinh

                             

TÂM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp