"Chỉ vì một chữ H mà con tôi không được khen thưởng danh hiệu xuất sắc. Mà phải chi đó là môn văn hay môn toán thì không bực. Đằng này, con tôi bị đánh giá "H" ở môn âm nhạc"... Bài viết của chị T. - phụ huynh có con vừa học hết lớp 1 ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ - đang được share rất nhanh trên mạng xã hội.
Yêu cầu của danh hiệu xuất sắc
Theo đó, với môn tiếng Việt thì con chị T. được 9 điểm, môn toán được 10 điểm. Các môn còn lại không đánh giá bằng điểm số thì con chị T. đều đạt mức tốt (trong phiếu liên lạc giáo viên thường ghi chữ "T"). Duy chỉ có môn âm nhạc là giáo viên ghi chữ H, tức là "hoàn thành". Vì chữ H này mà con chị T. không được khen thưởng danh hiệu xuất sắc.
Theo chị T., các môn học năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật là môn học đặc thù. Không phải học sinh nào cũng giỏi được. Quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay quá cứng nhắc. Cách đánh giá này yêu cầu những đứa trẻ phải như thần đồng. Bởi rất ít trẻ đã giỏi văn, giỏi toán mà còn giỏi cả âm nhạc, mỹ thuật.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
"Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá học sinh theo bốn mức:
Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.
Tranh luận kịch liệt
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với chị T. vì con em họ cũng thường bị đánh rớt khỏi danh hiệu xuất sắc vì những môn năng khiếu:
"Con mình có năm cũng bị một chữ H như thế này ở môn mỹ thuật. Mình lên hỏi cô chủ nhiệm là tiêu chí nào để đánh giá học sinh đạt chữ T (hoàn thành tốt) hay chữ H (hoàn thành) thì cô không trả lời được" - một phụ huynh cho biết.
Trong đó, nhiều phụ huynh còn bức xúc chia sẻ rằng việc không cho điểm đối với một số môn ở bậc tiểu học là không hợp lý. "Thà cứ cho điểm để phụ huynh hiểu được thực lực của con mình một cách cụ thể. Đằng này, rất nhiều môn không cho điểm như đạo đức, tự nhiên - xã hội, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật… Thế nên, giáo viên đánh giá các môn này rất cảm tính. Bé nhà tôi thường xuyên không đạt danh hiệu xuất sắc vì những môn không cho điểm" - một bà mẹ phản ánh.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh đưa ra lời khuyên là không nên đặt nặng danh hiệu xuất sắc làm gì, vô tình gây áp lực cho con trẻ.
"Con mới đi học lớp 1 mà phụ huynh đã lo thành tích như thế này thì khổ cho học sinh quá. Không được danh hiệu xuất sắc thì bức xúc. Mà khi nhà trường cho cả lớp xuất sắc thì lại bảo nhà trường bị bệnh thành tích. Thật khó chiều lòng phụ huynh" - một ông bố nêu ý kiến thẳng thắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận