Cơ quan chức năng làm thủ tục chi trả tiền hỗ trợ cho người dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà bị thiệt hại do thiên tai - Ảnh: Minh Thư
Ngày 17-12, UBND huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) phối hợp cùng Phòng giao dịch Phú Ngọc (Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai – chi nhánh huyện Định Quán) tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ 129 hộ dân nuôi cá lồng bè tại 2 xã Phú Ngọc và La Ngà (huyện Định Quán) bị thiệt hại do thiên tai trong tháng 5 vừa qua với tổng số tiền trên 12,2 tỉ đồng. Trong đó, xã La Ngà có 52 hộ nhận hỗ trợ số tiền trên 4,8 tỉ đồng, xã Ngọc Định có 77 hộ nhận hỗ trợ trên 7,4 tỉ đồng.
Các hộ được hỗ trợ theo 2 mức. Cụ thể, lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 7,1-10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ từ 3-7 triệu đồng/100 m3 lồng. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho người dân được trích từ nguồn dự phòng ngân sách huyện Định Quán.
Một người dân nhận tiền hỗ trợ - Ảnh: Minh Thư
Sáng cùng ngày, các hộ dân trong danh sách nhận hỗ trợ đã có mặt tại Phòng giao dịch Phú Ngọc làm thủ tục nhận tiền. Mặc dù số tiền hỗ trợ không thể bù đắp được chi phí thiệt hại nhưng nhiều người dân không khỏi vui mừng, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục sản xuất. Nhất là Tết Nguyên đán 2019 đang cận kề.
Cầm tiền hỗ trợ trong tay, anh Nguyễn Văn Tuyên (ấp 1, xã Phú Ngọc), cho biết: "Hôm nay được các cơ quan nhà nước giúp đỡ, người dân chúng tối rất vui mừng và phấn khởi. Tôi hứa sẽ dùng số tiền trên để khắc phục những khó khăn, sớm ổn định sản xuất. Cảm ơn các ban ngành đã hỗ trợ".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (xã Phú Ngọc), cũng hết sức vui mừng khi nhận tiền hỗ trợ. "Mặc dù số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng được chính quyền địa phương quan tâm nên cũng rất vui. "Với số tiền được nhận hôm nay, tôi sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất, chăn nuôi cho cuộc sống tốt hơn", chị Hồng chia sẻ.
Theo thống kê, ngay trong sáng cùng ngày, cơ quan chức năng đã chi trả hơn 7,4 tỉ đồng cho 77 hộ dân tại xã Phú Ngọc. Trong đó, hộ nhiều nhất được hỗ trợ trên 600 triệu đồng. Ngày mai 18-12, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chi tiền hỗ trợ cho 52 hộ dân tại xã La Ngà.
Cá chết trắng được người dân gom lại bán cho thương lái làm phân bón với giá 1.000-2.000 đồng (ảnh chụp ngày 22-5) - Ảnh: A LỘC
Như đã đưa tin, tối 20 và rạng sáng 21-5, người dân nuôi cá lồng bè dọc sông La Ngà, đoạn qua hai xã Phú Ngọc và La Ngà khóc ròng khi hàng ngàn tấn cá chép, lăng, điêu hồng… đang nuôi bất ngờ chết trắng trên một đoạn sông dài gần 5km, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đồng Nai, tổng cộng có 129 hộ với trên 1.900 tấn cá bị thiệt hại. Trong đó, có từ 50-100 tấn cá được mang đi tiêu thụ, còn lại bán làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi với giá 1.000-2.000 đồng/kg.
Sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá mang đi xét nghiệm. Kết quả kiểm tra tại chỗ mẫu nước ở hiện trường cho thấy nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn khuyến cáo. Nhận định cá chết do có sự biến đổi bất lợi về môi trường.
Đầu tháng 11, sau khi có kết luận cá chết do thiên tai, Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn Đồng Nai có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ người dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà và được phê duyệt sau đó.
Trên 3 tấn cá lồng bè trên sông La Ngà lại chết
Liên tục trong hai ngày 16 và 17-12, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà đứng ngồi không yên khi cá trong vèo liên tục nổi đầu rồi chết trắng. Trong đó, cá chết chủ yếu là cá lăng giống với trọng lượng từ 2-3 lạng/ 1con, còn lại là cá chép, cá leo và cá nàng hai đang chuẩn bị xuất bán. Người dân cho biết chưa rõ nguyên nhân cá chết nhưng nước có hiện tượng bốc mùi hôi. Chính quyền địa phương đã xuống lấy mẫu nước, mẫu cá đem phân tích sau đó, đồng thời thống kê số lượng và báo báo cáo nhanh cho các sở ngành liên quan.
Cá lăng giống lại chết trắng trên sông La Ngà - Ảnh: Minh Thư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận