09/01/2014 15:49 GMT+7

Chi trả tiền bồi thường kịp thời cho dân

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TTO - Trao đổi về Luật Đất đai năm 2013, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết bà chú ý đến hai chữ “kịp thời” trong nguyên tắc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

yOelGmIU.jpgPhóng to
Theo Luật đất đai mới, sẽ không còn tình trạng dự án "treo" kéo dài nhiều năm như khu vực Bình Quới - Thanh Đa đã vướng phải - Ảnh: D.N.Hà

Theo luật sư Hòa, điều này rất quan trọng bởi hiện tại có nhiều dự án mà quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, người dân được nhận tiền bồi thường khá lâu sau khi nhà nước phê duyệt phương án khiến cho dân bị thiệt thòi.

Bồi thường công khai và kịp thời

Luật Đất đai 2013 đang được bộ Tài nguyên - môi trường triển khai tại các địa phương trên toàn quốc có nhiều quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.

Theo qui định hiện hành, để có được giá đất áp dụng bồi thường trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thường phải trải qua nhiều thủ tục. Đầu tiên là đơn vị tư vấn thẩm định giá đất, trình chứng thư cho chủ đầu tư, sau đó qua thẩm định của Hội đồng bồi thường, trình qua UBND TP phê duyệt.

Sau khi UBND TP phê duyệt giá đất, UBND quận/huyện mới phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ thời điểm này cho đến lúc người dân cầm được đồng tiền bồi thường trong tay đối với dự án nhanh là vài tháng đến một năm, còn dự án bồi thường chậm có khi lên đến cả chục năm. Khi người dân cầm được đồng tiền trong tay thì giá trị của số tiền bồi thường họ nhận được thấp hơn so với giá trị nhà, đất trên thị trường.

Quan trọng hơn, với số tiền trên, họ không thể mua được nhà, đất mới bằng với nhà, đất cũ để ổn định cuộc sống hoặc canh tác, làm ăn. Đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện trong thời gian qua. Vì vậy, bồi thường cho dân kịp thời là cần thiết.

Luật cụ thể hóa nguyên tắc kịp thời bằng hàng loạt quy định như: Quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được phê duyệt trong cùng một ngày. Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì cơ quan có thẩm quyền phải chi trả tiền bồi thường cho dân.

Nếu chi trả chậm thì phải trả thêm cho dân số tiền bằng tiền phạt chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên tổng số tiền chậm chi trả và thời gian chậm chi trả.

Công bằng hơn

kCaIA4HM.jpgPhóng to
Đất đai, chuồng trại của người dân tại xã Phước Hiệp, Củ Chi bỏ hoang do vướng dự án "treo" hơn 8 năm. Theo luật mới, sau 3 năm nhà nước không thu hồi đất thì dân có quyền xây nhà và trồng cây lâu năm - Ảnh: D.N.Hà

Luật đất đai mới qui định chặt chẽ hơn cũng như thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để đưa ra đấu giá, hạn chế việc áp dụng thu hồi đất theo dự án để giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định như qui định hiện hành.

TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, nhận xét điều này nhằm bỏ nguy cơ tham nhũng trong thu hồi, giao đất, cho thuê đất.

Theo qui định hiện hành có hai loại dự án được ưu tiên đương nhiên được nhà nước thu hồi đất là các dự án lớn thuộc nhóm A và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này tạo sự bất bình đẳng giữa những doanh nghiệp lớn (được giao dự án lớn) với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Luật đất đai 2013 bỏ những quy định này, qui định cụ thể trường hợp nhà nước thu hồi đất không dựa vào chủ thể sử dụng đất, tạo sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

TS Đặng Hùng Võ nhận xét cái khó là hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép nhận chuyển nhượng đất trực tiếp của các hộ gia đình, cá nhân như doanh nghiệp trong nước, như vậy họ chỉ có một con đường để có đất làm dự án là tham gia đấu thầu, thiệt thòi hơn những doanh nghiệp Việt Nam được cả hai hình thức.

Theo Luật đất đai mới, nhà nước thu hồi đất để làm các dự án hạ tầng được quyền thu hồi đất rộng hơn ranh dự án để bán đấu giá phần đất dư ra. Với cách làm này, sẽ không còn tình trạng khá phổ biến hiện nay là khi nhà nước mở rộng đường hoặc làm đường mới, có những lô đất đang ở trong hẻm, người sử dụng đất đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với giá đất hẻm, bỗng nhiên được “ra mặt tiền” với giá trị tăng gấp đôi, gấp ba trước kia.

Rất nhiều người nhìn thấy điều này và cho rằng đây là sự bất công giữa người bị giải tỏa trắng, phải di dời trong các dự án hạ tầng và những người ở lại.

Với cách thu hồi thêm đất để bán đấu giá, phần giá trị đất tăng thêm do nhà nước đầu tư hạ tầng sẽ được đưa vào ngân sách, nhà nước trích một phần để chăm lo cho những người bị di dời. Cách làm này còn hạn chế được tình trạng nhà cửa siêu méo, siêu mỏng dọc các con đường mới mở.

- Kỳ 2: Để dân không sợ dự án “treo” và quy hoạch “treo”

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp