Bài dự thi Người con hiếu thảo - Mã số: 014
Ngày chị nhận giấy báo trúng tuyển cao đẳng cũng là lúc bệnh tình mẹ chị trở nặng, phải chạy thận nhân tạo. Trước tình thế đó, chị quyết gác lại việc học, đi làm công nhân phụ sức với ba lo cho mẹ, cho đứa em vừa vào lớp 10.
Rồi một thời gian sau, chị phải nghỉ làm một buổi mới có thời gian lo cho mẹ, thậm chí cả ngày chăm sóc mẹ và đi làm ca đêm. Ngày nào chị cũng quần quật với công việc nơi nhà máy, chăm sóc mẹ vào ra bệnh viện, lo cho em trai và quán xuyến mọi thứ trong nhà. Nhìn chị quần quật với vô số công việc, tôi cứ sợ chị quỵ đi thì không biết phải làm sao... Vậy mà chị vẫn cố gắng vượt qua lo cho mẹ tới giờ phút sau cùng khiến tôi vô cùng cảm phục. Có lẽ chính chữ hiếu là nguồn động lực giúp chị vượt qua bao khó khăn, thử thách.
Làm công nhân hơn năm chị gặp được "người ấy". Anh là nhân viên kế toán cùng công ty. Rồi anh ngỏ lời cầu hôn do gia đình muốn sớm có cháu nội ẵm bồng. Chị lần lữa rồi bảo: "Nếu thương thì anh hãy chờ...", bởi chị không thể bỏ mẹ, bỏ ba và em trong hoàn cảnh khó khăn này.
Mẹ biết chuyện nên nói với chị: "Mẹ có hai điều mong ước là thấy con học hành tới nơi tới chốn và yên bề gia thất. Giờ việc học vì mẹ, con đã không thành, thôi con lấy chồng đi cho mẹ vui, sớm muộn gì mẹ cũng ra đi". Chị cương quyết từ chối bởi chị nghĩ bà mẹ nào cũng thương con nên nói vậy.
Nhiều lần sang thăm mẹ chị (là bác dâu của tôi), tôi thấy chị rất chu đáo, giữ cho mẹ luôn sạch sẽ, tươm tất. Cứ rảnh giờ nào là chị ngồi kề bên trò chuyện, xoa tay bóp chân cho mẹ. Tuy không giấu được sự mệt mỏi nhưng nét mặt chị vẫn ngời ngợi niềm tin. Tôi biết chị nén chặt nỗi buồn trong tim để lạc quan vui sống cùng mẹ. Chị thổ lộ: "Mẹ vui được một ngày là một ngày chị sống trong niềm hạnh phúc lớn lao!".
Căn bệnh suy thận quái ác của mẹ chị đã cuốn sạch mọi tài sản quý giá trong nhà. Chị tận dụng từng món đồ thừa thãi, kiếm từng đồng để lo cho mẹ. Nhiều lần mẹ chị cương quyết không chạy thận nữa, chị phải dỗ ngọt, rồi cầu khấn van xin mẹ hãy gắng sống. Chị luôn tỏ ra lạc quan dù sự thật chị không biết ngày mai lấy tiền đâu lo cho mẹ. Hơn năm năm chăm lo cho mẹ, chị gần như quên hẳn sự hiện diện của mình trên cõi đời này. Cô thiếu nữ trẻ trung ngày nào giờ đã chai sạn, già đi cùng bao nhọc nhằn, năm tháng. Chị không luyến tiếc vì đã làm tròn bổn phận, lo cho mẹ an phần. Tài sản, tiền bạc mất đi rồi cũng có ngày tìm lại được. Nhưng có lẽ thẳm sâu đáy lòng, có một thứ mất đi khiến chị ưu tư, day dứt, đó là... tình yêu.
Chị vào học lớp trung cấp kế toán, sau đó vào làm cho một công ty tư nhân. Không dừng lại đó, chị tiếp tục học liên thông đại học. Ngày tốt nghiệp đại học, chị sắm sửa nhang đèn, trái cây "báo công" lên bàn thờ mẹ.
Giờ chị đã ổn định công việc. Ba đã về hưu, chị lại tiếp tục lo cho đứa em học đại học. Có vẻ như chị vẫn chưa thể “an tâm” lo cho chính mình.
Chị nói: "Mẹ không may mất sớm. Thôi thì lo cho ba, cho em cũng là cách bù đắp, trả hiếu cho mẹ vậy". Hỏi chị có luyến tiếc mối tình đầu và con đường tình sắp tới ra sao, chị bảo chuyện tình duyên khi nào tới nó tới, còn "chuyện cũ" nói không buồn là dối lòng, nhưng chị hài lòng với quyết định của mình ngày ấy. Quỹ thời gian sống của mẹ không nhiều nên thời gian được chăm sóc, cận kề đó là những tháng ngày sống có ý nghĩa, quý giá nhất, khó quên nhất đối với chị.
Vâng, chị vẫn đang bước tiếp hành trình trên "con đường hiếu thảo". Dường như chị tiếp tục "quên" sự hiện diện của mình, quên cả cái tuổi ngoài 30, quên cuộc sống, hạnh phúc riêng tư để sống chan hòa cùng... niềm vui và tương lai của những người thân yêu.
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận