
Một góc của thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) - Ảnh: NAM TRẦN
Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo và tờ trình về nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.
Các tiêu chí mới sáp nhập
Theo dự thảo nghị quyết và tờ trình, các tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã gồm diện tích tự nhiên; quy mô dân số; lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022) về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính.
Theo nghị quyết, đơn vị cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo đó, tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000km2, dân số 0,9 triệu người trở lên; các tỉnh còn lại diện tích 5.000km2, dân số 1,4 triệu người trở lên.
Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500km2, dân số 1 triệu người trở lên. Tất cả tỉnh, thành phố phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên/tỉnh thành mới đảm bảo tiêu chí.
Dự thảo nêu rõ các tỉnh, thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.
Dự thảo lưu ý không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị có vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.
Trong đó ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Về nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị, chủ trương lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.
Nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng…), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.
Trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập, bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh.
Theo các tiêu chí định hướng sắp xếp thì dự kiến cả nước có 11 đơn vị cấp tỉnh giữ nguyên, gồm TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Còn lại 52 đơn vị cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp gồm 4 thành phố là Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
48 tỉnh gồm Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên;
Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.
Theo dự thảo, nếu tỉnh nhập với tỉnh thì sau khi sáp nhập sẽ gọi là tỉnh, tỉnh nhập vào TP trực thuộc trung ương thì tỉnh lớn sau sáp nhập là TP trực thuộc trung ương.
52 tỉnh, thành phân chia theo 8 vùng ra sao?
Trong 52 tỉnh, thành thuộc diện phải sáp nhập căn cứ tiêu chí mới theo đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo nếu chia theo 8 vùng kinh tế thì vùng Tây Bắc Bộ có 3 tỉnh là Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái.
Vùng Đông Bắc Bộ có 6 tỉnh là Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Vùng Đồng bằng sông Hồng có 9 tỉnh, thành gồm TP Hải Phòng, các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình.
Vùng Bắc Trung Bộ có 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Vùng Nam Trung Bộ có 8 tỉnh, thành gồm TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, thành là TP Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre.
Còn nếu chia thành 3 miền Bắc, Trung, Nam thì trong số 52 tỉnh, thành này, miền Nam có 19 tỉnh, thành; miền Trung có 14 tỉnh; còn lại miền Bắc có 19 tỉnh, thành.
Trong số 52 tỉnh, thành thuộc diện sáp nhập dựa vào tiêu chí mới theo đề xuất của Bộ Nội vụ thì TP.HCM có diện tích hơn 2.000km2, với 22 đơn vị cấp huyện, là đô thị đặc biệt, có vị trí chiến lược về giao thông và cảng biển.
TP.HCM giáp với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Biển Đông. Với vị trí gần biển và giao thông thuận lợi, TP.HCM là một trung tâm giao thương quan trọng của cả nước.
Cũng trong số 52 tỉnh, thành, tỉnh Bắc Ninh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam với hơn 822km2, đứng thứ 2 là Hà Nam hơn 860km2, Hưng Yên đứng thứ 3 với hơn 930km2 và Vĩnh Phúc đứng kế tiếp với hơn 1.235km2.
Dự kiến cả nước có khoảng 34 tỉnh, thành
Khi chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 28-3, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.
Theo dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện; và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Ảnh: NGỌC AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận