22/07/2024 16:07 GMT+7

Chi tiền tỉ cho đường xe đạp: Xu hướng tất yếu

Nhiều quốc gia đang đầu tư mở làn đường dành riêng cho xe đạp như một xu hướng tất yếu. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cũng đề xuất TP.HCM nên làm thêm đường xe đạp tại bán đảo Thanh Đa.

Làn đường dành cho xe đạp ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: Shutterstock

Làn đường dành cho xe đạp ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: Shutterstock

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm vừa giao Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu hoàn chỉnh làn ưu tiên cho xe đạp ở trung tâm TP và đường Mai Chí Thọ để đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Trước đó, thông tin TP Huế đang hoàn thiện việc sơn kẻ vạch đường dành riêng cho xe đạp trên vỉa hè ở các đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp… đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc và được nhiều người khen ngợi.

Đề cập vấn đề này, các ý kiến cho rằng việc đầu tư làn đường xe đạp là cần thiết, vừa giảm khí thải, tiết kiệm nhiên liệu và giải quyết ùn tắc giao thông ở đô thị.

Các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư, mở rộng các làn đường dành riêng xe đạp.

Đầu tư 2 tỉ euro khuyến khích sử dụng xe đạp

Là một quốc gia châu Âu, Pháp đi đầu trong việc tăng cường đầu tư vào giao thông bền vững, góp phần giảm khí thải toàn cầu.

Năm ngoái Pháp đưa ra kế hoạch dùng 2 tỉ euro để khuyến khích việc sử dụng xe đạp trong bốn năm tới. Số tiền này sẽ xây đường dành cho xe đạp và cơ sở vật chất phụ trợ, cũng như hỗ trợ tài chính cho người dân mua xe đạp, theo báo The Connexion.

Để tăng việc sử dụng xe đạp, chính phủ nước này bắt đầu xây nhiều làn đường và tuyến đường du lịch dành cho xe đạp khắp cả nước, nhằm bảo đảm an toàn cũng như tạo không gian thơ mộng cho người lái xe.

Chính phủ muốn tăng chiều dài các tuyến đường xe đạp lên 80.000km vào năm 2027 và 100.000km trước năm 2030.

Năm 2023, cả nước Pháp có 57.000km tổng chiều dài các tuyến đường dành cho xe đạp.

Hiệu quả giao thông tăng, tai nạn giảm mạnh

Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, trước đó có kế hoạch mở nhiều làn đường dành cho xe đạp để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm và hạn chế sử dụng nhiên liệu, theo Yonhap.

Thành phố này mong muốn xây dựng một mạng lưới đường dành cho xe đạp trước năm 2030 để người dân có thể dễ dàng sử dụng xe hai bánh đi bất cứ đâu trong thành phố trong khoảng thời gian ngắn.

Năm 2018, chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường dành riêng cho xe đạp đầu tiên ở phía bắc của thủ đô, theo trang China.org.cn.

Tuyến đường dài 6,5km trở nên đông đúc ngay sau khi khai trương vào tháng 5-2019, Ủy ban Giao thông thành phố Bắc Kinh cho biết.

Thành phố tiếp tục triển khai nhiều dự án liên quan đến xe đạp kể từ năm 2018 nhằm hướng tới giao thông xanh và an toàn cho người lái xe.

"Không gian an toàn nên được xây dựng cho người đi xe đạp" - một quan chức chia sẻ.

Năm 2021, Bắc Kinh đã tiến hành nâng cấp khoảng 52km trên đường vành đai thứ hai, mở rộng làn đường dành cho xe đạp từ 2m lên hơn 3m.

Sau sự cải thiện này, hiệu quả giao thông trên tuyến đường tăng 25%, trong khi tỉ lệ tai nạn giảm mạnh.

Đồ họa làn đường xe đạp ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Đồ họa làn đường xe đạp ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap

Hướng đến xe đạp để giảm ô nhiễm

Theo Thông tấn xã Philippines, Bộ Giao thông nước này dự định mở thêm nhiều làn đường xe đạp toàn quốc với tổng chiều dài 2.400km trước năm 2028 để đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp và người đi đường.

"Bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng an toàn, Philippines muốn khuyến khích người dân dùng xe đạp, đặc biệt khu đô thị, để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm, cải thiện sức khỏe cho cộng đồng" - thông tấn xã trích lời một quan chức.

Cuối tháng 1-2024, chính quyền Jakarta cho biết thủ đô của Indonesia đang tập trung bảo trì và cải thiện chất lượng các làn đường dành cho xe đạp để đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người lái xe, theo Hãng thông tấn Antara của Indonesia.

Thành phố cũng đang cố gắng hoàn thành 298km làn đường xe đạp trong năm nay.

Trong khi đó, theo Viện Chính sách phát triển và giao thông (ITDP) tại Indonesia, có rất nhiều cách để khuyến khích người dân đi xe đạp ở Jakarta, đặc biệt đối với các nhóm có thu nhập thấp, như một giải pháp để phát triển giao thông bền vững.

Nếu chất lượng làn đường được cải thiện, cộng với các công trình phụ trợ, chẳng hạn như bãi đậu xe đạp, thì việc đi xe đạp có thể được coi là một phương thức thiết yếu.

Indonesia cam kết giảm mạnh lượng khí thải vào năm 2030. Do đó, mạng lưới làn đường dành cho xe đạp được chú trọng đầu tư ở các siêu đô thị như Jakarta.

Làm được việc này, theo nhà chức trách Indonesia, vừa để tiết kiệm chi phí, dễ xây dựng và quan trọng hơn là để bảo vệ khí hậu và tăng hiệu quả giao thông.

Đề xuất TP.HCM làm đường xe đạp tại bán đảo Thanh Đa

Nếu làm đường xe đạp tại bán đảo Thanh Đa sẽ rất tuyệt vời và nhiều người dân, du khách sẽ ủng hộ.

Thử tưởng tượng, khách bắt tàu Saigon Water Bus từ bến Bạch Đằng tới bến Thanh Đa, thuê xe đạp chạy lòng vòng ngắm cảnh, nằm cà phê võng, câu cá tôm, tắm hồ, chơi pickleball, bi sắt sau đó ăn uống nghỉ ngơi…

Được như vậy đã là một ngày hạnh phúc mà không cần phải đi đâu xa xôi.

Bạn đọc tài khoản HẠNHPHUC trongtamtay

Làn đường xe đạp, làm thế nào để an toàn và hiệu quả?Làn đường xe đạp, làm thế nào để an toàn và hiệu quả?

Việc TP Huế dành một phần vỉa hè để làm làn đường xe đạp được nhiều bạn đọc ủng hộ. Tuy nhiên bạn đọc cũng góp ý thêm cách làm để an toàn cho người đạp xe và cách làm của một số quốc gia.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp