Các nhân sự hợp đồng làm việc tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mong lãnh đạo TP quan tâm, xem xét đến đối tượng như chúng tôi để tạo thêm động lực cho các bạn trẻ
Anh Đỗ Trần Nam Long (bí thư Quận đoàn 1) kiến nghị xem xét cho anh em làm việc hợp đồng ở Quận đoàn
Ông Giảng Văn Chải, giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.3, cho biết trung tâm có hai người thuộc diện hợp đồng theo nghị định 68 (nghị định 68/2000 quy định cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ hợp đồng với các công việc như bảo vệ, lái xe, nhân viên vệ sinh, bảo trì thiết bị...).
Khi TP triển khai chi trả thu nhập tăng thêm, những người thuộc diện hợp đồng còn tâm tư vì theo quy định họ không thuộc diện được hưởng khoản thu nhập này.
Khó đạt đồng thuận
Mặc dù nghị quyết 03 của HĐND TP đã nêu rõ các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc, tuy nhiên ông Chải cho biết việc chia sẻ thu nhập tăng thêm từ người được nhận cho người làm việc theo chế độ hợp đồng chưa được tập thể đồng thuận cao, nên hội đồng sư phạm trung tâm chưa thống nhất bổ sung vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Ngoài ra, theo ông Chải, các giáo viên ở trung tâm còn thắc mắc, băn khoăn về một số trường hợp không đủ chuẩn được xét nhận thu nhập tăng thêm. Chẳng hạn như theo quy định thì người nghỉ từ 22 ngày trở lên trong một quý không được xét chi thu nhập tăng thêm, mà thời gian nghỉ hè của giáo viên rơi vào tháng 6, 7 - dính vào cả hai quý.
"Suốt hè, các thầy cô vẫn phải đến trường làm nhiều việc như ôn luyện cho học sinh, coi thi, chấm thi, hoàn tất hồ sơ năm học, tuyển sinh... nên nếu một năm mà hết hai quý dính vào thời gian hè, không xét thu nhập tăng thêm thì thiệt thòi cho thầy cô giáo" - ông Chải nói.
Ông Nguyễn Khoa Khanh, hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10), cho biết trường có 130 nhân sự, trong đó 11 người làm việc theo dạng hợp đồng. Những anh chị này rất tâm tư khi biết mình không được chính thức hưởng thu nhập tăng thêm mà chỉ được phần chia sẻ từ đồng nghiệp, vì thu nhập tăng thêm được hưởng chính thức và tiền được chia sẻ có sự chênh lệch khá lớn.
Anh Đỗ Trần Nam Long, bí thư Quận đoàn 1, phản ảnh đơn vị có 14 người, nhưng chỉ ba người đủ điều kiện hưởng thu nhập tăng thêm.
"Anh em ở Quận đoàn đa số làm việc theo dạng hợp đồng. Mọi người rất muốn được thi công chức nhưng mấy năm nay TP không tổ chức thi nên đành chịu" - anh Long nói. Cũng theo anh Long, hầu hết cán bộ Quận đoàn đều còn rất trẻ, đang nhận bậc lương 2.34, tính ra chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nay anh em lại không được lãnh thu nhập tăng thêm nên rất buồn.
Chị Minh T., một công chức đang làm việc tại một sở của TP, tâm sự chị vừa nghỉ thai sản sáu tháng và không được nhận thu nhập tăng thêm nên thấy chạnh lòng...
Sẽ xem xét các kiến nghị
Ông Trương Văn Lắm, giám đốc Sở Nội vụ TP, cho biết theo nghị quyết 54 của Quốc hội, đối tượng được thụ hưởng thu nhập tăng thêm là cán bộ, công chức, viên chức nên người không thuộc nhóm đối tượng này thì không được nhận thu nhập tăng thêm.
Ở đây nảy sinh vấn đề là những năm gần đây, TP không tổ chức thi công chức vì thực tế số lượng người đang làm việc trong các đơn vị của TP đã vượt quá biên chế mà Bộ Nội vụ giao.
Do đó, đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng như các trường hợp nói trên, HĐND TP đã giao UBND TP hướng dẫn các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.
"Lãnh đạo các đơn vị có người làm việc theo chế độ hợp đồng nêu trên nên có cách giải thích, vận động để tập thể thấu hiểu, từ đó đạt được sự đồng thuận khi chia sẻ thu nhập tăng thêm với đồng nghiệp" - ông Lắm nói.
Riêng về việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thai sản, ông Lắm giải thích trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động được hưởng trợ cấp thai sản chứ không hưởng lương của đơn vị.
"Hơn nữa, nguyên tắc chi trả thu nhập tăng thêm là căn cứ vào hiệu quả công việc. Thời gian mà cán bộ, công chức không làm việc thì không có cơ sở để đánh giá hiệu quả công việc. Thu nhập tăng thêm được chi theo từng quý nên nếu quý này chưa đủ điều kiện hưởng thì quý sau, cán bộ công chức, viên chức còn có cơ hội phấn đấu làm việc thật tốt để được nhận mức cao nhất" - ông Lắm phân tích.
Ông Lắm cũng cho biết hiện TP đã yêu cầu các đơn vị phản ảnh vướng mắc trong quá trình triển khai chi thu nhập tăng thêm, ghi nhận ý kiến của cá nhân, tập thể để tổng hợp, tham mưu lãnh đạo TP xem xét, giải quyết các kiến nghị nằm trong thẩm quyền. Riêng những vấn đề vượt quá thẩm quyền, TP phải trình xin ý kiến Quốc hội.
"Không có bảo vệ, trường cũng không hoạt động được"
Bà Trần Thị Kim Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), cho biết cách làm để đạt đồng thuận trong chia sẻ thu nhập tăng thêm.
Đầu tiên, nhà trường tính toán cụ thể số tiền từng cá nhân nhận được, số người thuộc diện cần được chia sẻ là bao nhiêu. Để 7 lao động hợp đồng được hưởng thu nhập tăng thêm ít nhất 3 triệu đồng/quý, tỉ lệ chia sẻ của mọi người thế nào. S
au đó tổ chức họp toàn trường và ban giám hiệu định hướng rằng trong trường không có bác bảo vệ, không có cô lao công thì trường cũng không thể hoạt động được.
"Rất may trường tôi là đơn vị nhỏ, mọi người đoàn kết, trước đây đã có truyền thống chia sẻ, anh chị em lãnh lương xong vẫn thường dành phần biếu thêm cho bác bảo vệ, cô bảo mẫu. Bởi vậy nên mọi người cũng dễ đồng thuận với phương án tôi đưa ra" - bà Lan nói.
Phương án đó là sau khi nhận thu nhập tăng thêm, các thầy cô sẽ tự giác bỏ bao thư dán kín một khoản tiền tùy ý dành san sẻ cho các lao động hợp đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận