06/11/2018 11:22 GMT+7

Chi phí vận chuyển và xử lý rác: Ngân sách vẫn gánh

HIẾN MINH
HIẾN MINH

TTO - LTS: Ý kiến “lấy rác nuôi rác” của anh Nguyễn Văn Hùng (Tuổi Trẻ 1-11) đã nêu thực tế về mức phí thu gom, vận chuyển rác ở TP.HCM. Bài viết này, Tuổi Trẻ tiếp nối câu chuyện đường đi của rác và thực tế ở những đơn vị trung chuyển rác.

Chi phí vận chuyển và xử lý rác: Ngân sách vẫn gánh - Ảnh 1.

Anh Trương Văn Thức (36 tuổi, quê Tiền Giang) thu tiền rác sinh hoạt tại đường 3 Tháng 2 (P.2, Q.11, TP.HCM) sáng 5-11 - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Mỗi ngày, mỗi nhà thải ra bao nhiêu rác và mức phí thu gom rác người dân đóng hằng tháng được chi cho khâu nào?

Chỉ 1.000 đồng/ngày

Một ví dụ thực tế từ nhà chị Nguyễn Ngọc Linh, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM. Gia đình chị có 3 người, lượng rác sinh hoạt hằng ngày từ 3-4kg. Rác gồm túi nilông, phần rau củ, thịt cá bỏ đi sau khi sơ chế, thức ăn thừa, bao bì, hộp xốp, chai lọ các loại... Khi tắm, giặt có thêm rác là các vỏ chai dầu gội, sữa tắm, nước xả… Tất cả được để chung vào một túi nilông và đưa ra phía trước nhà mỗi ngày, chờ người thu gom.

Cô Nguyễn Thị Viên, ngụ P.7, Q.Phú Nhuận, cho hay mỗi tháng nhà cô đều "biếu" thêm tiền cho người thu gom rác vì họ phải dọn tất cả mọi thứ nhà mình vứt ra. Chi phí thu gom rác hộ gia đình ở TP.HCM lâu nay tăng dần từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng và hiện nay là 30.000 đồng/tháng. Tính ra chỉ 1.000 đồng/ngày cho việc giải quyết rác thải cả nhà. 

Theo cô Viên, nếu tăng phí để người gom rác có thu nhập tốt hơn, họ sẽ làm việc tốt hơn; nếu khâu xử lý rác tốt hơn, thành phố sạch đẹp hơn mỗi ngày, người dân sẽ đồng tình.

Toàn thành phố thải ra khoảng 9.000 tấn rác/ngày. 60% lượng rác trên được lực lượng rác dân lập thu gom, 40% còn lại được các công ty TNHH MTV môi trường đô thị thành phố và các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích thu gom đưa về các điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển. Rác từ các trạm trung chuyển được đưa lên xe ép rác, đưa về khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) khoảng 5.000 tấn; lượng rác còn lại đưa về khu xử lý Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

Phí thu gom rác được đóng cho người, đơn vị thu gom rác. Còn khâu vận chuyển, xử lý rác vẫn được Nhà nước bao cấp. Số tiền chi cho các khâu này hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm. Tuy vậy, nhiều khâu hiện nay vẫn chưa được tính đúng tính đủ gây không ít khó khăn cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác.

Chi phí vận chuyển và xử lý rác: Ngân sách vẫn gánh - Ảnh 2.

Đồ họa: T.ĐẠT

Mong được tính đúng, tính đủ

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có tới 26 trạm trung chuyển rác. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, điểm tập kết đưa về đây xử lý sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý. Nhưng nhiều năm nay Nhà nước vẫn chưa có đơn giá trong khâu vận hành trạm trung chuyển này.

Có mặt tại trạm trung chuyển rác số 12 Quang Trung, Q.Gò Vấp thuộc Xí nghiệp vận chuyển số 1 (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM), chúng tôi thấy xe chở rác từ các nơi nối đuôi nhau chạy vào khu vực xử lý và ép rác. Công nhân vận hành máy ép, phun xịt thuốc khử mùi và liên tục quét dọn rác vương vãi xung quanh.

Ông Quốc Hùng (50 tuổi), công nhân ở đây, cho biết ông gắn bó với công việc này được 14 năm, mỗi ngày ông làm việc từ 7h-17h, thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo ông, trước đó mức lương khá hơn một chút nhưng gần đây đã giảm vì xí nghiệp khó khăn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ - phó giám đốc Xí nghiệp vận chuyển số 1 - cho biết công suất của trạm trung chuyển này là 1.000 tấn/ngày, nhận rác từ các quận: 1, 2, 3, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh. Trạm có hơn 100 công nhân. Chi phí bình quân hơn 100 triệu đồng/ngày, bao gồm tiền mua hóa chất phun xịt thuốc, tiền điện, nước, nhân công…

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt - giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nhiều năm nay đơn giá vận hành trạm trung chuyển chưa được ban hành nên công ty không được thanh toán khoản này. Để duy trì hoạt động, công ty phải cân đối lấy từ chi phí vận chuyển để bù qua.

Đã vậy, có thời điểm tiền vận chuyển nhiều năm liền cũng chỉ nhận mức tạm ứng nên công ty phải đi vay. "Cho đến thời điểm hiện tại, không chỉ chi phí vận hành trạm trung chuyển chưa được chi mà chi phí vận chuyển rác trong năm 2016 và 2017 cũng chưa được nhận đầy đủ" - ông Nhựt cho hay.

Tình trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích các quận huyện. Ông Vũ Quốc Bảo, giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.Thủ Đức, cho biết kể từ năm 2018, UBND TP đã giao cho các quận huyện chủ động xây dựng đơn giá vận hành các trạm trung chuyển, hi vọng sắp tới khoản chi phí này cũng như đơn giá vận chuyển năm 2016-2017 được duyệt sớm để thanh toán lại cho các công ty có tiền chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, làm sạch môi trường. Ông Bảo cho rằng chỉ khi tính đúng, tính đủ các chi phí thì hiệu quả giải quyết môi trường sẽ được nâng lên.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, nếu tính đúng tính đủ chi phí từ khâu thu gom - vận chuyển - xử lý rác, mỗi hộ phải trả tiền rác mỗi tháng tới 138.000 đồng. Trước mắt, năm 2018 chỉ tăng tiền thu gom, vận chuyển tương đương mỗi hộ khoảng 48.480 đồng/tháng. Mức tăng theo lộ trình, riêng chi phí xử lý rác, sau năm 2022 mới thu từ người dân.
Theo quyết định 38 ngày 22-10-2018 của UBND TP.HCM (có hiệu lực ngày 1-11), mức giá thu gom rác tối đa là 364 đồng/kg; giá vận chuyển năm 2018-2019 tối đa là 40 đồng/kg và tăng lũy tiến qua các năm. Riêng giá xử lý rác là 475 đồng/kg được tính từ năm 2022 trở đi. Với cách áp dụng mức tính bình quân mỗi hộ phát sinh 120kg rác thải/tháng, sắp tới mỗi hộ dân phải trả 48.480 đồng/hộ/tháng chi phí thu gom, vận chuyển rác.
Chi phí vận chuyển và xử lý rác: Ngân sách vẫn gánh - Ảnh 5.
HIẾN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp