Xu hướng logistics của Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ doanh nghiệp và chuyên gia tại Hội nghị Logistics 2023 - Con đường phía trước do báo Đầu Tư tổ chức ở TP.HCM ngày 5-10.
Phải kéo giảm chi phí logistics
Bà Phạm Thị Bích Huệ - chủ tịch Công ty Western Pacific, cho rằng ngành logistics Việt Nam đang có con đường phát triển đầy kỳ vọng. Trong bối cảnh mới nhiều tiềm năng phát triển nhưng để ngành này bước lên được "con đường màu xanh" cần phải kéo giảm chi phí logistics trên tổng GDP của quốc gia vẫn còn điểm nghẽn.
Bà Huệ nêu con số khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở là hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Trong khi chi phí vận tải chỉ chiếm 30 - 40% tổng chi phí logistics. Theo chủ tịch Western Pacific, đây là con số rất lớn.
Ông Elias Abraham, giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping, nhận định các ngành như giao hàng, kho vận, xuất nhập khẩu… đều có tiềm năng rất lớn. Việt Nam như "ngôi sao sáng" trong ngành logistics được nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư.
Dẫn ví dụ, ông Elias Abraham cho hay 15 năm trước Việt Nam chưa có dịch vụ nào để đưa hàng hóa đến châu Âu và Mỹ. Đến nay lại khác, thống kê hơn 200 tuyến đến các khu vực này.
"Đây được xem là một trong những cam kết của các hãng tàu, cho thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trong ngành logistics và bức tranh trong ngành logistics vẫn có những mảng sáng nhiều hơn" - ông Elias Abraham nói và góp ý cần mở rộng nhiều thị trường mới có tiềm năng như Úc, Nam Mỹ và vùng Địa Trung Hải… bởi đây là các thị trường mà Việt Nam chưa có các chuyến tàu, lộ trình.
Làn sóng đầu tư lớn, làm gì đón cơ hội?
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đánh giá Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội sâu rộng trong phát triển chuỗi logistics trong vòng 2-3 năm tới. Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế và hành động cụ thể để thu hút dòng vốn khi đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang có cơ hội thu hút dòng vốn FDI với vị thế ngày một cao trên trường quốc tế.
Theo ông Edwin Chee - giám đốc điều hành SLP Vietnam, Việt Nam vẫn cần phát triển đa dạng các trung tâm logistics, không chỉ tập trung một khu vực, một tỉnh thành mà cần phải đa dạng hóa.
Đồng thời, xu hướng áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại trong logistics cần được đẩy mạnh nhanh chóng để cải thiện chi phí. Những cơ sở của SLP đang áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ các nhãn hàng thời trang, cung cấp tự động hóa, robot, cung cấp chuỗi cung ứng đầy đủ. Chỉ với 3 - 5 người có thể vận hành cơ sở 8.000m2, cơ sở tự động hóa, máy móc hiện đại…
Tiềm năng đã rõ, cơ hội đang rộng mở, các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cần ngồi lại, trao đổi với nhau và thay đổi, nếu không sẽ để mất miếng bánh, thị phần của ngành logistics vào các doanh nghiệp nước ngoài trên chính địa bàn của mình.
Ông Trần Duy Đông - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.
Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics...
Ngành logistics Việt Nam quy mô 40-42 tỉ USD/năm
Theo đánh giá của Agility, năm 2022 Việt Nam xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỉ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận