01/10/2016 11:16 GMT+7

​Chị nhường em cơ hội đến giảng đường

TTO - Trúng tuyển đại học nhưng gia đình quá khó khăn, Như giấu không cho mọi người biết việc trúng tuyển của mình, nhường cơ hội được đến trường cho em gái.

Nhờ giúp đỡ của người thân mà mẹ Như mở được một tiệm nhỏ bán bánh ướt, Như thường phụ mẹ nấu nướng bán hành - Ảnh: MAI VINH
Nhờ sự giúp đỡ của người thân, mẹ Như mở một tiệm nhỏ bán bánh ướt, Như phụ mẹ nấu nướng bán hàng - Ảnh: MAI VINH

Cách đây 3 năm, Lê Thị Khả Như (21 tuổi) tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), cầm trên tay giấy báo trúng tuyển Đại học Nông lân TP.HCM. Như không khoe với gia đình, bạn bè mà giấu biệt đi. Ai hỏi cũng nói “rớt rồi”. 

Chỉ có người em gái nhỏ hơn cô một tuổi Lê Thị Khánh Ngọc biết sự thật rằng chị đang nhường cơ hội học cho mình. Năm đó, Khánh Ngọc, hiện là sinh viên năm 3 (Đại học KHXH&NV TP.HCM), bước vào lớp 12.

Ngày bạn bè nhập học là ngày Như nói với em gái Khánh Ngọc: “Em đi học rồi từ từ chuyện nhà ổn chị lại đi học với em”. Dứt lời Như vội ra ngoài, không dám nhìn em mình đang khóc rưng rức. 

Giấu kết quả đậu đại học

Cách ngày Như nhận giấy báo trúng tuyển đại học không xa, ông nội Như qua đời. Việc ma chay đã khiến cho những đồng tiền bán vé số dạo của mẹ và tiền công làm thợ hồ của bố vơi dần.

Cũng lúc đó, bố như té xe trong một đêm đi làm về muộn khiến vai gãy. Không những không lao động được mà toàn bộ tiền bạc trong nhà cũng đội nón ra đi theo những đơn thuốc.

Là chị cả trong nhà, Như biết cái khó của gia đình nên cô quyết định im lặng với ba mẹ, hàng xóm và cả bạn bè về việc mình đậu Đại học Nông lâm TP.HCM với số điểm 18,5.

Như làm điều này vì không muốn những người xung quanh khuyên nhủ quá nhiều khiến cô rối trí trước một quyết định phải làm. Cô quyết định không đi học đại học.  

“Bố đang đau nhưng bữa ăn càng lúc càng đơn giản và sắp đến ngày nhập học theo giấy báo thì bữa ăn chỉ toàn rau, mắm, hiếm hoi lắm mới có chút đồ khô. Nhìn mâm cơm, em biết mẹ không thể lo nổi số tiền đóng học phí quá lớn”, Như kể lại. 

Ngọc giữ lời hứa với chị, không kể với ai chuyện chị Như đã giấu tờ giấy báo nhập học vào một góc kín nhưng vẫn cố khuyên chị đi đại học, còn mình sẽ nghỉ.

Đến giờ, Như vẫn cho rằng đó là cách tính hay nhất trong thời điểm đó. Như kể: “Nếu em đi học, chắc chắn Ngọc phải nghỉ học. Em bảo Ngọc phải đi học, ít nhất phải có bằng tốt nghiệp cấp ba mới có thể xin được việc làm. Còn em thì có bằng cấp ba rồi, coi như tạm ổn, đợi khi gia đình khá hơn sẽ đi học”.

Nghe như tính toán cụ thể như vậy, Ngọc chịu nghe nhưng thở dài thườn thượt: “Sao đi học mà khó vậy chị hai”.

Khả Như thành thục làm bánh ướt bán cho khách - Ảnh: MAI VINH
Như thành thục làm bánh ướt bán cho khách - Ảnh: MAI VINH

 

Nhường em cơ hội vào đại học

Như giấu ước mơ đại học và đến quán cà phê gần nhà xin làm phục vụ. 

Ngọc đậu tốt nghiệp và đỗ đại học một năm sau đó. Sợ Ngọc thấy gia đình khó khăn mà nghỉ học, Như đành nói dối.

Như bảo: “Em đang đà, học tiếp đi. Chị giờ quên hết kiến thức rồi, không muốn đi học nữa”. Ngọc bảo: “Lúc chị Như nói vậy, em chẳng tin nhưng chị đã quyết vậy thì làm trái lời chị cũng không được”.

Ngọc vào đại học, Như làm việc quyết liệt hơn để có tiền giúp bố mẹ lo cho Ngọc đi học.

Bà Trịnh Thị Huế, mẹ Như, bảo: “Cứ đầu tháng Như lại mang tiền đưa cho mẹ. Dặn xem em Ngọc có thiếu tiền học thì gửi cho em”.

Cứ đều đặn, suốt hai năm trời Như vừa làm bưng bê ở quán cà phê, vừa phụ mẹ bán vé số kiếm tiền phụ giúp gia đình qua cơn túng thiếu và quan trọng nhất là lo cho em gái học đại học, em trai đang học cấp 1.

Ước mơ được bước đến giảng đường đại học không tắt trong Như trong suốt những ngày cô nghỉ học.

Mẹ như kể, để khỏi quên kiến thức, mỗi khi đi làm về, Như lại chong đèn học bài. Bàn học của như là một thùng giấy cứng đủ cao, đủ vững để kê sách học.

Khi “cái bàn” bị rệu, nhão đi không còn đủ sức chống lại sức nặng đôi tay tì trên mặt thì Như lại đến tiệm tạp hóa gần nhà xin một “cái bàn” khác.

Như kể: “Học một mình thì buồn, nên thỉnh thoảng em đi học nhóm với các em lớp sau, chỉ qua chỉ lại vừa mau nhớ, vừa cập nhật không khí thi cử mỗi năm mỗi khác”.

Ba năm nghỉ học là ba năm Như cần mẫn mỗi ngày ôn luyện nhưng lại không đăng ký thi lại. Mẹ và bố Như đều ngạc nhiên. Mãi đến khi Ngọc là sinh viên năm 3, Như mới thi lại.

Như bảo: “Em tính khi Ngọc là sinh viên năm 3 thì mọi chuyện sẽ ổn hơn, Ngọc có thể làm thêm trang trải được, bố đi làm lại được nên gia đình bớt chật vật. Khi đó em thi lại là vừa”.

Câu chuyện chị nhường em, rồi lại dốc sức nuôi em đi học, đến khi em đủ vững chãi thì chị mới tìm đường vào đại học trở thành câu chuyện nhiều người biết đến trong mùa nhập học ở nơi Như sống.

Anh Nguyễn Thành, Bí thư chi đoàn Tổ dân phố 10 (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), bảo: “Ban đầu chúng tôi tưởng Như rớt đại học thật, dù đó là chuyện không dễ tin vì suốt 12 năm học, Như luôn có thành tích tốt. Sau này biết đến chuyện như tính toán từng bước một, vừa dìu gia đình qua cơn khó khăn, vừa dìu các em để không ai lỡ con đường học thì mọi người nể lắm.

Mọi người đều không ngờ một bạn trẻ lại biết cách tính toán chu đáo để gia đình không rơi vào túng quẫn, các em và cả bản thân không phải bỏ học. Như biết cách chậm lại một nhịp để mọi điều tốt hơn”.

Sau khi đóng học phí lúc nhập học, Như còn đúng 1 triệu đồng đủ để mua sắm một số dụng cụ sinh hoạt và 1 triệu đồng ấy cũng là số tiền cuối cùng của 3 năm như bỏ học đi làm, tính toán từng bước, ki cóp từng chút một để đến một ngày cả cô và em gái mình đều được học đại học.

Khi biết báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho mình, Như mừng: “Em sẽ dùng tiền học bổng để học tiếng Anh. May quá, không có học bổng em sẽ phải đi làm thêm cả năm mới đủ học phí đóng cho trung tâm. Đi học lại là em đã chậm hơn bạn cùng lứa mấy năm liền, giờ phải cố nhiều hơn”.

MAI VINH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp