24/01/2015 12:31 GMT+7

​Chỉ một vụ oan sai là bị dân chê

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Đó là phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao, tại hội nghị tổng kết năm 2014 và kế hoạch công tác năm 2015 của Viện KSND TP.HCM diễn ra ngày 23-1.

Xét xử sơ thẩm Huỳnh Thị Huyền Như gây nhiều dư luận. Tại phiên tòa phúc thẩm, viện kiểm sát thay đổi một phần quan điểm, HĐXX cũng sửa một phần án sơ thẩm. Trong ảnh: Huyền Như trong phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: T.T.D.

Sau khi nghe báo cáo công tác năm 2014 và mục tiêu kế hoạch năm 2015 của Viện KSND TP.HCM, ông Nguyễn Hòa Bình đã có những đánh giá đối với công tác kiểm sát, công tố của Viện KSND TP.HCM nói riêng và ngành kiểm sát nói chung.

Làm dở là dân chê ngay

Theo ông Bình, địa bàn TP.HCM hết sức phức tạp về an ninh trật tự, số lượng tội phạm chiếm tỉ lệ cao trong phạm vi toàn quốc. Mỗi năm giải quyết hơn 10.000 vụ án hình sự khác nhau (toàn quốc xấp xỉ 80.000) và số bị can cũng hơn 10.000, số vụ án hành chính, dân sự khoảng 50.000.

“Những con số này cho thấy công việc của Viện KSND TP.HCM rất lớn, áp lực rất nặng nề” - ông Bình nói.

Với số lượng án lớn, nhưng năm 2014 không có bị can nào bị viện kiểm sát truy tố mà tòa tuyên vô tội. Việc giữ gìn, làm đúng, không làm oan sai, không để lọt người lọt tội là một áp lực rất lớn đối với lực lượng ngành và cần phải tiếp tục được duy trì.

Ông Bình cho rằng: “Việc đạt tỉ lệ giải quyết án 100% chưa chắc được khen, nhưng rủi ro một vụ là bị chê. Với cương vị viện trưởng Viện KSND tối cao, tôi chỉ mong không bị chê, chỉ cần một vụ oan sai là dân chê luôn”.

Đánh giá về ngành kiểm sát trong năm qua, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đó là một năm có nhiều ấn tượng khi viện thực hiện tốt nhiệm vụ công tố trong những vụ án lớn: Dương Chí Dũng, “bầu” Kiên, Công ty cho thuê tài chính 2 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Vifon, Huỳnh Thị Huyền Như, Dương Tự Trọng...

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ông Nguyễn Hòa Bình nói kết quả sơ thẩm và phúc thẩm có khác nhau nhưng theo ông, đây là điều bình thường của quá trình tố tụng bởi việc nhận thức là cả một quá trình.

Ông Bình còn nói sau bản án sơ thẩm được tuyên, dư luận đặt ra nhiều vấn đề về bản án.

Vấn đề mà dư luận nêu là tại sao hậu quả của vụ án lớn thế mà về trách nhiệm dân sự chỉ cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như bồi thường mà VietinBank không có trách nhiệm gì? Theo ông Bình, việc dư luận đặt ra các câu hỏi này không chỉ có ở trong nước mà cả dư luận quốc tế.

“Khi Thủ tướng tham dự hội nghị Asean, có nhiều câu hỏi đặt ra với Thủ tướng về việc giải quyết vụ án là có vấn đề, bởi quy luật hoạt động chung của ngân hàng trên thế giới là tiền đã vào đến ngân hàng rồi thì tại sao lại mất được, bởi việc quản lý ở nước ngoài không phải như vậy” - ông Bình kể.

Sau chuyến công tác đó, Thủ tướng về nước yêu cầu viện trưởng Viện KSND tối cao và chánh án TAND tối cao đánh giá lại vụ án.

“Tại phiên tòa phúc thẩm chúng ta đã thành khẩn, công tâm, đánh giá các hành vi phạm tội, những gì yếu thì cần phải đánh giá lại cho chính xác. Toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ án, các hành vi, bản chất vụ án đều được làm rõ. Chất lượng đánh giá của công tố gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin công chúng và công lý” - ông Bình nhấn mạnh.

Thường xuyên nhận được khiếu nại của công dân

Ông Bình cho biết trong năm qua, Viện KSND tối cao đã mạnh dạn phát hiện và xử lý một số vụ oan sai, một số vụ bức cung nhục hình, có tác dụng tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Ông Bình lấy ví dụ trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, Viện KSND tối cao khởi tố các cán bộ vi phạm bao gồm cả kiểm sát viên, thẩm phán của tòa và điều tra viên.

Một vấn đề tồn tại khác trong ngành tư pháp mà ông Bình nêu lên: “Phía sau những vụ làm sai lệch hồ sơ thì có đến 40% là tham nhũng, tiêu cực”.

Cho rằng mỗi năm toàn thành phố có đến 50.000 vụ việc phi hình sự thì việc giải quyết các vụ việc này rất dễ xảy ra sơ sót.

"1m2 đất tại TP.HCM bằng cả một sào ở nơi khác, nếu việc xử lý có gì không vừa ý người dân là ngay lập tức thông tin này đến với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Chủ tịch nước đã có rất nhiều ý kiến thông qua điện thoại hay nhắn tin về những khiếu nại của công dân.

Bản thân tôi cũng thường xuyên nhận được điện thoại hay tin nhắn của công dân. Thậm chí có những người mỗi ngày nhắn một tin, gọi một cuộc. Vì vậy, hai cấp viện cần cố gắng tập trung giải quyết án dân sự cấp quận huyện để không xảy ra sai sót” - ông Bình nói.

Một số cơ quan nhà nước chưa nghiêm túc thi hành án

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lực, cục trưởng Cục Thi hành án TP.HCM, về vấn đề thi hành án hành chính trên địa bàn thành phố trong hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015 của Sở Tư pháp TP.HCM ngày 23-1.

Theo ông Lực, áp lực thi hành án dân sự tại TP.HCM là rất lớn cả về tiền lẫn số vụ việc, nhưng trong một số vụ án hành chính có tình trạng các cơ quan nhà nước không nghiêm túc thi hành án.

“Đây là điều tôi không thể tưởng tượng được bởi có những vụ tòa tuyên các cơ quan chính quyền thua kiện nhưng chính quyền lại không muốn thi hành án, thậm chí còn nhờ cơ quan cấp trên kháng nghị” - ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho biết hiện nay vấn đề thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố đang có một mâu thuẫn rất lớn, đó là việc thu hồi nợ cho ngân hàng hay hỗ trợ doanh nghiệp duy trì phát triển?

Nếu đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng thì doanh nghiệp có thể phá sản, nếu đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp thì ngân hàng thiệt thòi.

Tại buổi làm việc, ông Lực cũng đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tìm hiểu nguyên nhân tại sao chúng ta có các văn phòng thừa phát lại nhiều năm rồi mà người dân vẫn đến cơ quan thi hành án dân sự đề nghị thi hành án.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp