Lãnh đạo TP.HCM khảo sát tuyến sông Sài Gòn vào tháng 5-2022 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kênh rạch không chỉ là đặc điểm địa lý, mà theo bà Hậu, nó còn là di sản.
Tuổi Trẻ đã trò chuyện với tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU về các vấn đề xoay quanh việc khai thác, cải tạo, bảo vệ kênh rạch TP.
* Gắn bó và nghiên cứu nhiều năm về sông rạch TP, cũng đích thân tham gia nhiều chuyến du khảo thời gian qua, bà đánh giá thế nào về sông rạch TP trước đây và hiện tại?
Ở góc độ nghề nghiệp, tôi quan tâm đến sông rạch TP là một trong những di sản tự nhiên. Nó là yếu tố cảnh quan làm nên đặc trưng của TP mình, giống đặc trưng của nhiều đô thị Nam Bộ. Nói đến TP.HCM mà không nói hoặc không quan tâm đến hệ thống sông rạch thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề văn hóa, xã hội.
Ở góc nhìn đơn giản nhất, hệ thống sông rạch là yếu tố tự nhiên gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân. Nếu trước đây giao thông đường bộ chưa phát triển thì sông rạch là con đường giao thông quan trọng nhất.
Các thương cảng, giang cảng ở TP.HCM đã minh chứng rõ cho điều này. Sông rạch không chỉ phục vụ cho việc đi lại bình thường mà còn là tuyến đường buôn bán, thông thương.
Thứ hai, đời sống người dân Nam Bộ thường gắn liền với sông nước nên thường cư trú dọc theo các con sông rạch.
Tuy nhiên, mức độ phát triển của TP.HCM từ sau năm 1954 đến 1975 quá nhanh, dân nhập cư về quá lớn và sinh sống, cư trú trên kênh rạch với mức độ dày đặc. Điều này đã khiến nhiều sông rạch bị bức tử bởi ô nhiễm.
Khoảng 10 - 20 năm gần đây, TP đã bắt tay vào giải tỏa nhà ven sông rạch, cải tạo những hệ thống sông rạch lớn như Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm...
Động thái này nhằm đảm bảo cho người dân môi trường sống tốt hơn và cải thiện vệ sinh môi trường nước của TP.
* Theo bà, đâu là yếu tố để sông rạch TP được tồn tại bền vững? Chúng ta có thể khôi phục lại hệ thống sông rạch như trước đây để chia lửa cho giao thông đường bộ được hay không?
- Phát triển bền vững ở vùng đất Nam Bộ này là phải hiểu và sống theo điều kiện tự nhiên. Làm sao để điều kiện tự nhiên phục vụ cho con người tốt hơn, chứ không phải hạn chế hay ngặn chặn những yếu tố tự nhiên.
Hệ thống sông rạch TP trước đây chằng chịt hơn nhiều, sự phát triển của đô thị từ đầu thế kỷ 20 đã khiến nhiều sông rạch bị lấp đi. Ngay như khu vực quận 1, đường Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi chẳng hạn, trước đây cũng là rạch nhưng đã bị lấp.
Bây giờ chúng ta đã hiểu tác động không tốt của việc lấp kênh rạch thì phải dừng chuyện đó lại, thậm chí rạch nào lỡ lấp rồi mà có thể khơi thông lại và cần thiết thì nên khơi thông.
Việc sử dụng giao thông đường thủy chia lửa bớt cho đường bộ thì nhiều nước đã thực hiện. Nhưng phát triển giao thông đường thủy đầu tiên là để tạo thuận lợi về đi lại và sinh hoạt cho cư dân tại chỗ trước rồi mới đến phục vụ du lịch.
Du lịch phát triển rất cần, nhưng tất cả những gì cải tạo TP này phải hướng đến cộng đồng người dân sống ở đây và những người sẽ làm việc và trở thành cư dân của TP.
Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh cho kênh rạch và nâng cao ý thức người dân. Sông rạch ở TP thường chảy qua những khu dân cư rất lớn. Đã có những đoạn được ngăn cách bằng đường ven sông, nhưng phần nhiều nhà cửa vẫn còn sát sông rạch.
Cần làm sao nâng cao ý thức người dân, cùng với những điều kiện kỹ thuật khác, để đảm bảo vệ sinh môi trường đối với khu vực nhà ven sông, rạch.
Nếu không đáp ứng được hai yếu tố trên thì sự phát triển về giao thông, môi trường, du lịch đường thủy còn khó khăn.
* Vậy bà có mong ước gì về sông rạch TP trong thời gian tới?
- Mong ước của tôi trong 10 năm tới về sông rạch TP là chỉ mong nó đẹp và sạch hơn. Đẹp hơn về cảnh quan, đẹp hơn trong suy nghĩ của người đến TP và trong ký ức của người dân đô thị.
Đẹp không nhất thiết là công trình hiện đại hay cái gì trang trí quá tốn kém, chỉ cần hai bên bờ kênh rạch là cây xanh, thảm cỏ. Nếu được, mỗi tuyến sông rạch nên trồng một loại cây đặc trưng tạo điểm nhấn về cảnh quan.
Để phong phú, đa dạng và cũng tận dụng "nguồn vốn" từ cảnh quan thì tổ chức thêm dịch vụ nhỏ ven bờ sông, rạch như những quán cà phê, quán sách báo... Tất nhiên là phải đảm bảo môi trường.
Sạch là về chất lượng nước. Nước là yếu tố quan trọng nhất của vấn đề kênh rạch, trước tiên muốn kênh rạch thay đổi thì phải xử lý được nước thải. Hệ thống cống xử lý nước thải ra kênh rạch là điều cần thiết và phải đồng bộ vì kênh rạch thông nhau, không thể chỉ xử lý khu vực này mà không làm khu vực khác.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh giải quyết các vấn về sông rạch cần hướng đến đời sống người dân TP trước. Bảo vệ sông rạch là phải từ người dân. Họ nhận cảm thấy dòng sông, kênh rạch này của mình, môi trường sạch sẽ có lợi cho mình thì sẽ có ý thức và hành động cụ thể để bảo vệ nó.
Kênh rạch là mối quan tâm lớn của người dân thành phố
Gần một tháng phát động diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn: Xưa - Nay & Ngày mai", báo Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm bài viết của các chuyên gia và quý bạn đọc. Nội dung của các bài viết khá đa dạng nhưng tựu trung phản ánh và hiến kế giúp cho hệ thống sông rạch thành phố xanh, sạch, phát triển.
Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn sự nhiệt tâm của các chuyên gia, quý bạn đọc đã đóng góp nhiều quan điểm, góc nhìn mới mẻ để gìn giữ và phát triển kênh rạch thành phố. Diễn đàn tạm kết thúc nhưng điều đọng lại trong mỗi chúng ta là tình yêu kênh rạch thành phố, bảo vệ môi trường sống cho bản thân hôm nay và các thế hệ con cháu mai sau.
Khôi phục hệ thống sông rạch theo từng giai đoạn phù hợp
Từ xưa, những cư dân đầu tiên luôn thích sống và làm việc gần nguồn nước. Các thành phố, trung tâm thương mại và cơ sở công nghiệp bắt đầu mọc lên dọc theo các tuyến đường thủy của TP.HCM từ nhiều thế kỷ trước.
Tuy nhiên trước sự phát triển đô thị, sông ngòi dần không còn là những thực thể sống mà dần trở thành một bộ phận của cơ sở hạ tầng.
Đô thị hóa không được kiểm soát đã san lấp... làm suy giảm chức năng thoát nước của sông rạch, hậu quả là hàng tỉ USD sẽ phải được chi ra để xây dựng các hệ thống thoát nước nhân tạo kém bền vững hơn nhiều.
Khôi phục một dòng sông có thể bao gồm nhiều mục đích khác nhau như phục hồi chức năng sinh thái, điều tiết ngập lụt, cung cấp nước sạch, nâng cao giá trị cảnh quan, giải trí và thậm chí tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản ven sông.
Do đó, những dự án phục hồi sông nhất thiết phải được tiến hành theo từng giai đoạn với lần lượt các mục tiêu cụ thể khác nhau.
Trong giai đoạn 1, hệ thống thoát nước mưa và nước thải phải được tách riêng để có thể thu gom nước thải về các nhà máy xử lý. Việc nạo vét đáy kênh sông sẽ giúp gia tăng khả năng thoát nước đồng thời cải thiện chất lượng nước.
Các chính sách bảo vệ hệ thống sông ngòi hiện hữu không bị tiếp tục lấn chiếm cần phải được tuân thủ tuyệt đối.
Mục tiêu của giai đoạn 2 sẽ phải là can thiệp trên quy mô toàn lưu vực vào các nguồn gây ô nhiễm trên thượng nguồn để loại bỏ yếu tố gây ô nhiễm ngay từ gốc, kiểm soát các tác động tiêu cực về thủy văn làm gia tăng mực nước, xâm nhập mặn, bồi lắng, xói lở lòng sông.
Song song với việc khôi phục và ổn định về chức năng sinh thái cho các dòng sông, các dự án để nâng cao giá trị thẩm mỹ, du lịch và bất động sản có thể được tiến hành.
Do công tác khôi phục các dòng sông sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém, nên các nỗ lực hiện tại nên tập trung vào công tác bảo tồn hiện trạng và từng bước luật hóa để cho công tác khôi phục sông rạch sẽ dần trở thành các khoản đầu tư cho tương lai như đường cao tốc, công trình đô thị hoặc truyền tải điện.
HỒ LONG PHI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận