1. Từ hồi xa cách, tôi với má chưa ngày nào vắng tiếng của nhau. Điện thoại thông minh làm cầu nối, má học cách nhắn tin, gọi video với tôi qua Facebook.
Những câu chuyện được kể nhiều lần, những lời căn dặn được nhắc nhớ mãi, nhiều lần từng khiến tôi bực mình. Nhưng rồi thầm nghĩ, cần phải biết rằng đó là một niềm may.
Hồi mấy năm đầu, đúng như lời má, tôi chỉ thong thả về nhà mỗi dịp Tết. Hễ chưa tới chạp, má đã sốt sắng hỏi chuyện đặt vé xe, dọn phòng trọ cho sạch, cài cửa nẻo cho yên tâm.
Tết, tôi về. Nhà vẫn yên ở đó, ngay ngắn và ấm áp. Má đi chợ, nấu những món tôi thích, lo đầy đủ bánh trái thịt thà. Ba bữa Tết trôi qua thật nhanh, ngày vào lại Sài Gòn cũng thật nhanh.
Có những chuyến trở về được chuẩn bị kỹ càng. Cũng có những chuyến trở về được gói gọn trong gấp vội và nước mắt.
Nhớ hoài bữa đó đang dở dang việc, tin nhắn từ chị ba tới, báo má bệnh nằm viện. "Má nói muốn út về chơi với má mấy bữa". Tôi luống cuống sợ hãi như thể mình sắp bỏ lỡ một cuộc đời.
Sau lần má bệnh, tôi xếp lịch về nhà nhiều hơn. Thời gian nghỉ phép năm được tôi chia đều, để có thêm nhiều những cuộc gặp gỡ.
Về nhà mỗi năm đôi ba lần. Tôi biết, thời gian sẽ không đợi mình mãi mãi. Công bằng mà chua xót. Nhưng cuộc mưu sinh vẫn chưa thể dừng lại. Tôi chỉ còn cách bám víu vào lý do để an ủi lòng mình, rằng mình vẫn còn đó một nơi hằng chờ đón.
2. Chị hai tôi câm điếc bẩm sinh, ba mươi mấy năm ở vậy với má. Duyên trời trái khoáy cho chị 2 con đủ bề. Những ngày chị mới sinh em bé đầu tiên, tôi giận chị, giận lây qua má, không thèm gọi điện thoại. Má gọi, tôi hoặc không hỏi tới, hoặc thờ ơ khi má cho xem cháu trai mới chào đời.
Má hiểu lòng tôi đang nghĩ gì. Chỉ là, má không trách, má bình tĩnh gắn kết hai dì cháu tôi lại với nhau. "Dì út mình đó, dì út mình ở Sài Gòn đó", giọng má như mong tôi sớm chấp nhận đứa cháu ruột rà.
Không có một dấu mốc đặc biệt nào. Tôi và Bin cứ điềm nhiên, từ từ mà thương nhau. Rồi sau đó là Sam. Tôi nghe giọng má quyết liệt mà run run trong điện thoại, má dẫn chị đi bệnh viện rồi, không để xảy ra chuyện này một lần nào nữa.
Từ dạo nhà có thêm người, tôi càng có thêm lý do để trở về. Thời gian phủ đắp lên những buồn tủi, thay vào đó là những hình hài, giọng cười trong veo của con trẻ.
Về nhà rồi mới thấu, thời gian ở Sài Gòn, những gì tôi đón nhận chỉ là khoảnh khắc đáng yêu, vui vẻ của má với hai đứa cháu. Còn những nhọc nhằn, trần ai trong đời, má chỉ im lặng chịu đựng một mình, không lời than van.
Nhiều năm sau thời điểm xảy ra chuyện mà tôi tự cho là "biến cố gia đình do chị hai gây ra", không ít lần tôi đã tự giận vì thái độ của chính mình. Nhưng cả gia đình, sau hay trước vẫn vậy, chẳng ai một lời hờn trách.
Sau này, mỗi bận về nhà, nhất là dịp Tết, lòng tôi lúc nào cũng rộn ràng. Hành trang trở về không chỉ là quà cho má với chị, mà còn đầy ắp thương yêu cho mấy đứa nhỏ đang háo hức chờ dì út đi Sài Gòn về. Tội tình gì mà không thương, sâu thẳm bên trong đôi mắt của con trẻ?
Nhưng có một điều làm tôi buồn và ngờ vực.
Ngày đi lại Sài Gòn, tôi khẽ khàng dọn dẹp. Má và mấy đứa nhỏ đi ra đi vào, dúi thêm cái này, hỏi han cái kia.
Đôi mắt ráo hoảnh, nửa như ngơ ngác, nửa như tiếc nuối của mấy đứa nhỏ. Đôi mắt đỏ hoe hằn cả tia máu nhưng tuyệt nhiên không để rơi xuống một giọt nước mắt nào của má.
Những đôi mắt ấy đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm tháng sau này. Tôi biết, vào thời khắc đó, nước mắt đã chảy ngược vô trong lòng, ít nhất là với tôi và má.
Ý niệm về những chuyến trở về nhà trong tôi nhiều khi rất rõ ràng, nhưng cũng có lúc thênh thang như gió. Đã vài lần, tôi nghi hoặc, ngờ vực về hành trình của mình. Nhưng rồi, như má nói, khi mấy đứa nhỏ nài nỉ tôi ở nhà: "Dì út đi Sài Gòn làm việc để sau này lo cho Bin với Sam". Tôi tin mình vẫn đang đúng.
Chỉ mong mãi về sau này, trong những chuyến trở về, đôi mắt của má và lũ trẻ vẫn sẽ dõi theo tôi, thật hiền.
Hơn 1.000 bạn đọc đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" do báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành HDBank tổ chức đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 bạn đọc gửi bài dự thi. Hạn cuối nhận bài: hết ngày 1-3.
Các bài Về nhà được chọn đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online là những bài đã vào sơ khảo, sẽ được tập hợp trong một cuốn sách cùng tên.
Ban giám khảo xét giải chung cuộc bao gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên Hứa Vĩ Văn và biên tập viên Lê Thị Thái Hòa.
Dự kiến lễ trao giải cuộc thi, ra mắt sách Về nhà diễn ra ngày 18-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận