Khách hàng mua thuốc tại nhà thuốc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 1-4, dược sĩ Đỗ Văn Dũng - trưởng Phòng nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TP.HCM) - cho biết theo lộ trình của Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 31-3 sẽ có 100% phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia do Bộ Y tế quản lý nhằm kiểm soát việc mua bán thuốc.
Nhưng đến thời điểm hiện tại (1-4) chỉ có khoảng 72% (tức khoảng 4.680 nhà thuốc) , chưa đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế đề ra.
Theo ông Dũng, đây là chủ trương lớn, mới nên quá trình thực hiện vẫn có một số khó khăn từ nhiều phía. Trong đó có hoạt động về giới thiệu, cài đặt phần mềm của các nhà cung cấp gặp nhiều trục trặc bởi quá trình tiếp cận giới thiệu cài đạt phần mềm và một phần nhận thức của các nhà thuốc không đầy đủ.
"Ngoài gần 1.000 nhà thuốc tự ngưng hoạt động vì nhiều lý do, trong tháng 4 chúng tôi tiếp tục thanh kiểm tra, hậu kiểm để xác định cho ngưng một số nhà thuốc chưa đạt chuẩn kết nối.
Thực tế hiện các công ty không thu tiền trước mà có nhiều chương trình khuyến mãi như sau 6 tháng đến cả năm mới thu tiền kết nối. Do đó không thể nói khó khăn về tài chính mà không chịu kết nối" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, từ một vài nhà cung cấp phần mềm ban đầu, đến nay toàn TP.HCM có đến 37 nhà cung cấp với nhiều ưu đãi khác nhau. Và trong thời gian tiếp theo danh sách nhà cung cấp dịch vụ còn được mở rộng để các nhà thuốc tự do lựa chọn.
"Phần mềm được các công ty cung cấp có thể tính năng khác nhau. Tuy nhiên phải đạt chuẩn cung cấp phần mềm đều phải thỏa mãn hai quyết định của Cục quản lý dược gồm phải chuẩn dữ liệu đầu vào và chuẩn dữ liệu đầu ra" - ông Dũng khẳng định.
Trước đó trong nỗ lực kiểm soát việc bán thuốc không toa, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 23 về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc nhằm chấn chỉnh tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không rõ xuất xứ, giá cả, không bảo đảm chất lượng, tình trạng bán thuốc không theo đơn...
Việc quản lý bằng phần mềm này được kỳ vọng sẽ kết nối các nhà thuốc với Bộ Y tế và các Sở Y tế. Từ đó giúp các đơn vị này có đầy đủ thông tin, tránh việc thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đi vào trong hệ thống.
Ngoài ra, phần mềm còn giúp tăng cường quản lý việc bán thuốc kê đơn, trong đó phải chấm dứt tình trạng bán kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ.
Các nhà thuốc cũng quản lý được hoạt động mua bán thuốc ở góc độ kinh doanh cũng như chuyên môn như nhập, xuất, theo dõi tồn kho, tính lỗ, lãi, theo dõi hạn dùng, số lô của thuốc...
Phần mềm này còn là sự trao đổi thông tin hai chiều của các cơ quan quản lý với nhà thuốc và ngược lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận