Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông vận tải - Ảnh: TUẤN PHÙNG
"Bài học chúng tôi rút ra là với đường hiện có thì kiến nghị không làm BOT. Các quốc lộ 22, 62 và nhiều dự án khác dự tính nâng cấp bằng BOT đã dừng, chỉ làm trên tuyến mới; phải đánh giá tác động kỹ hơn các dự án cụ thể" - thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang rà soát 54 dự án BOT.
Trong đó, đã chấp thuận giảm giá 10 trạm, còn 3 trạm BOT đã thống nhất với nhà đầu tư phương án giảm giá và trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Việc giảm giá, giảm thời gian thu phí đều được đàm phán với nhà đầu tư dự án BOT, ngân hàng cho vay vốn.
Ngoài ra có 15 dự án BOT do UBND các tỉnh làm cơ quan quản lý cũng được Tổng cục Đường bộ đề nghị rà soát như Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện.
Ông Huyện cho biết dự kiến đến hết tháng 10-2017 sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc rà soát giảm giá các dự án BOT. Trong thời gian này, rà soát thống nhất giảm giá được trạm BOT nào sẽ báo cáo Bộ cho giảm giá ngay trạm đó.
Với câu hỏi Nhà nước có bỏ tiền mua lại các dự án BOT mà người dân cho rằng bất hợp lý như BOT đường tránh Cai Lậy hay không, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Ban quản lý các dự án đối tác công - tư Bộ Giao thông vận tải cho biết căn cứ theo quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện dự án, trạm Cai Lậy đặt trong phạm vi dự án.
Các cơ quan liên quan đã nghiên cứu các phương án đặt trạm thu phí rồi mới thống nhất vị trí đặt trạm như hiện nay.
Theo ông Huy, nếu hỏi có mua lại trạm thu phí không thì phải đặt câu hỏi tại sao làm BOT? Nếu Nhà nước có tiền thì đầu tư công tốt hơn làm BOT. Nhưng nợ công cao, ngân sách không đủ cân đối nên mới làm BOT. Trạm thu phí đúng quy định pháp luật và trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay khó tính phương án mua lại trạm BOT được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận