"Đây, con xem đi. Con học hành kiểu gì mà kết quả như thế này đây? Giờ này mà con còn ngồi chơi đàn được à?" - chị Nga vừa nói vừa vứt bảng điểm học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 lên bàn. Chị Nga không phải là trường hợp duy nhất trong mùa biết kết quả kiểm tra học kỳ 1 này.
Điểm kém và "cuộc chiến" cha mẹ và con cái
Cứ tưởng con sẽ ăn năn, vội vàng xin lỗi mẹ, nhưng không, Hùng Mạnh, con chị Nga, tỏ ra rất bình thản: "Điểm này con biết hết rồi. Đúng là hơi thấp so với hồi học THCS, nhưng ở lớp con đâu phải tất cả đều đạt giỏi như hồi lớp 9 đâu".
Chị Nga không kiềm chế được, bắt đầu to tiếng: "Con đừng có ngụy biện! Lớp con vẫn có rất nhiều bạn đạt loại xuất sắc, nhiều bạn đạt loại giỏi. Còn con, con xem lại bản thân mình đi, chỉ là loại khá thôi. Đây! Môn vật lý mà điểm bình quân có 6,6"...
Lúc này anh Sang, chồng chị Nga, đi ra, Cầm bảng điểm lên xem, anh la lên: "Trời ơi là trời. Học không lo học, suốt ngày lo đàn ca hát xướng. Không thể như thế này được. Từ ngày mai nghỉ học đàn, tập trung vào việc học văn hóa cho tui".
"Con không đồng ý, chơi ghita là niềm vui của con mà ba má cũng cấm. Trong các môn học, chỉ mỗi môn vật lý điểm thấp nhất, còn nhiều môn cũng trên 8,0 mà ba má còn chưa hài lòng. Con là con người chứ không phải thánh thần mà năm nào cũng có thể đạt học sinh giỏi.
Ngày xưa ba má có học giỏi được suốt 12 năm, suốt 24 học kỳ không mà giờ yêu cầu con phải như vậy?" - Mạnh nói rồi bỏ lên lầu, cắm phone vào tai và mở nhạc thật to, kệ ba má mình tiếp tục la mắng ở dưới nhà.
Chị Thu Thủy, có con học lớp 8 ở quận 3 (TP.HCM), khi nhận thông tin kết quả học kỳ 1 của con không như ý đã triệu tập một cuộc họp gia đình ngay sau cuộc họp phụ huynh, có đầy đủ cả ba thế hệ trong gia đình, rồi "nói chuyện" với con.
"Con có biết là mẹ nhục nhã như thế nào không Mai? Lớp con chỉ có 7 học sinh đạt loại khá, trong đó có con. Con thấy đấy, ông bà, bố mẹ có để con thiếu thốn gì không? Vậy mà đến loại giỏi con cũng không đạt được nói gì đến loại xuất sắc. Công sức của ông bà, bố mẹ bỏ ra coi như đổ sông đổ biển hết".
Hết chị Thủy đến chồng chị Thủy rồi bố mẹ chồng chị Thủy dù không la mắng nhưng thay phiên nhau rao giảng, kể lể công lao của người lớn.
Mai không nói gì, lúc đầu chỉ cắm cúi ăn. Nhưng khi chồng chị Thủy hỏi con là "Con không thương ông bà, bố mẹ hay sao mà không tập trung học hành? Rồi đây, mấy người trong công ty bố hỏi thăm, bố biết trả lời ra sao khi con không đạt học sinh giỏi?" thì Mai ngước mặt lên, nước mắt giàn giụa: "Thế ra lâu nay bố mẹ chăm sóc cho con chỉ để con học giỏi, để bố mẹ đi khoe với người ta cho nở mày nở mặt chứ bố mẹ yêu thương gì con?".
Cô bé bỏ dở chén cơm, vừa khóc vừa chạy vào phòng riêng, đóng sầm cửa lại.
"Không sao đâu con"
Nhìn bảng điểm của con, anh Hưng, có con học lớp 6 ở quận 1 (TP.HCM), sững lại vài giây vì nhiều môn anh cho là đơn giản nhưng điểm của con chỉ toàn 5-6 như môn giáo dục công dân, lịch sử và địa lý…
Xuân Hùng, con trai anh Hưng, vừa nhìn ba vừa lo lắng. Nhưng không, anh Hưng trả lại bảng điểm cho con và cười xòa: "Không sao đâu con, điểm này so với ba ngày xưa là cao hơn nhiều. Hồi ba học lớp 6, điểm còn không được như thế này".
Mặt Hùng giãn ra: "Thiệt hả ba?" - "Thiệt chứ! Vì lớp 6 là lớp đầu cấp, nhiều cái thay đổi so với hồi tiểu học. Khi học sinh chưa có phương pháp học tập đúng đắn thì khó mà giỏi được".
"Thế con ghét môn nào nhất?" - "Con ghét giáo dục công dân, lịch sử và địa lý vì hai môn này cứ có những câu hỏi tự luận, bắt học sinh phải viết ra này nọ. Nên con chỉ làm những câu trắc nghiệm thôi, câu tự luận là con bỏ vì quá khó" - "À, tưởng gì, để ba hướng dẫn cho con làm, từ từ rồi con sẽ quen thôi".
Tương tự, chị Phương, có con học lớp 7 ở quận 6 (TP.HCM), tâm sự: "Xem kết quả học tập của con, mình buồn lắm chứ. Nhưng la mắng thì có ích gì. Con đã nỗ lực hết sức rồi, sức học của con chỉ đến mức đó thôi thì đành chịu. Và mình đã chọn giải pháp nhẹ nhàng hơn với cả mẹ và con, đồng thời tìm giáo viên dạy kèm cho con để "xốc" lại kiến thức, giúp con học toán và khoa học tự nhiên dễ dàng hơn".
Càng bị điểm kém, càng cần được trao tình yêu thương, động viên, khích lệ
Tôi đã từng gặp một số trường hợp phụ huynh khi nhận kết quả học tập không như ý của con đã la mắng, trách cứ khiến trẻ thất vọng về bản thân mình. Trong trường hợp này, trẻ thường có cảm giác tồi tệ, trẻ cho rằng mình không có giá trị gì. Và có trẻ đã có những hành động gây tổn thương đến bản thân các em.
Bản thân chúng ta rất vất vả đi làm kiếm tiền để nuôi con ăn học thì các con chúng ta đi học cũng rất vất vả. Có em bị bạn bè chơi xấu, có em bị bạn đẩy ra khỏi nhóm khi làm dự án, có em bị thầy cô ghẻ lạnh…
Không những thế, mỗi đứa trẻ có một khả năng khác nhau. Có em học văn hóa không giỏi nhưng chơi thể thao tốt, chơi đàn rất hay, hát rất giỏi… Vì vậy, các bậc cha mẹ đừng mắng con, đừng cấm đoán.
Tôi cho rằng trẻ học giỏi thôi thì chưa đủ. Các con cần có kỹ năng xã hội, kỹ năng đương đầu để vượt qua khó khăn… Kết quả học tập của một học kỳ chưa tốt thì điều quan trọng nhất là giúp trẻ rút ra được bài học gì. Hãy trao cho con tình yêu thương, động viên, khích lệ chứ đừng trao cho con những cảm xúc tiêu cực, rất dễ khiến trẻ buông xuôi, mất tự tin vào bản thân...
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận