Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang cao kỷ lục. Các chuyên gia cho rằng cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và thực chất để vực dậy doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi đó, số tiền thuế được gia hạn sẽ phải nộp từ tháng 9 đến hết năm sẽ là gánh nặng đối với doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, chưa nói đến chuyện phục hồi. Hơn nữa, do không có kinh doanh hoặc kinh doanh lỗ, không có tiền để nộp thuế nên nhiều doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi từ chính sách gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Nghĩa - tổng giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa - cho rằng dù Chính phủ đã ban hành nghị định 52 về việc gia hạn thuế đến quý 2-2021, nhưng doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Trong thực tế, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp do ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh lỗ, không có thu nhập để được giảm thuế. Thời gian gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất chỉ trong 3 tháng cũng chưa đủ để doanh nghiệp có thể phục hồi, khi dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2021.
Chưa kể điều kiện để được gia hạn theo nghị định 52 là doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2020, nên sẽ có rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện nhận ưu đãi này bởi hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó do dịch kéo dài đã hơn 1 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thức - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đại lý thuế BCTC - cũng cho rằng qua 4 đợt COVID-19, doanh nghiệp đã thực sự kiệt quệ rồi nên rất khó xoay xở hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2020 để đủ điều kiện được gia hạn thuế theo nghị định 52.
"Theo tôi, nên áp dụng điều khoản trong Luật quản lý thuế, cho phép doanh nghiệp được trả chậm tiền thuế trong vòng 12 tháng và được miễn tiền chậm nộp, đồng thời bỏ điều kiện phải có ngân hàng bảo lãnh... Ngoài ra, thời gian gia hạn cũng nên dài hơn, ít nhất 8-12 tháng thay vì chỉ 3 tháng" - ông Thức kiến nghị.
Theo ông Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý trung ương, dịch COVID-19 làm cho hoạt động kinh doanh gián đoạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh phải tạm đóng cửa, không có nguồn thu, dòng tiền bị hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp đang rất cần nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí như trả tiền thuê nhà, mặt bằng, trả lương để giữ chân người lao động... và cả tiền mua các thiết bị phòng chống dịch nữa.
Dù nghị định 52 giúp doanh nghiệp có dòng tiền để cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do tiền thuế và tiền thuê đất chỉ được chậm nộp... 3 tháng chứ không phải được miễn. Sau khi hết thời gian được gia hạn, doanh nghiệp sẽ phải nộp dồn trong những tháng cuối năm, gánh nặng tài chính ngày càng nặng nề.
"Hàng chục ngàn doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp khó khăn nhất, đang hấp hối, kiệt quệ vì dịch bệnh sẽ không được thụ hưởng chính sách này. Vì quy định doanh nghiệp được tạm hoãn tiền thuế VAT, nhưng trên thực tế phải đóng cửa vì giãn cách, doanh thu không phát sinh thì làm gì có VAT mà được giãn nộp..." - một chuyên gia nói.
Các doanh nghiệp đã kiệt quệ sau 4 đợt dịch đang gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần thuốc trợ sức mạnh hơn
Theo các chuyên gia, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất... đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.
Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online... nhưng đang kẹt về vốn.
"Các khoản nợ của doanh nghiệp được ngân hàng xem xét gia hạn, không chuyển nhóm nợ nhưng chưa được xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ. Trong khi đó, lãi suất khoản vay mới có giảm nhưng không đáng kể, chưa kể doanh nghiệp muốn vay cũng phải có tài sản đảm bảo..." - một doanh nghiệp cho biết.
Và trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị cơ quan thuế cần phải tính toán, sớm đề xuất giải pháp kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế. "Nếu không đề xuất và có giải pháp hỗ trợ kịp thời, ngoài áp lực về chống đỡ dịch bệnh, doanh nghiệp còn phải chịu sức ép về nghĩa vụ thuế vào những tháng cuối năm. Rủi ro của doanh nghiệp có nguy cơ bị nhân đôi" - ông Hiếu nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia thuế kiến nghị rằng các chính sách hỗ trợ thuế cần mở rộng đến các đối tượng là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, người làm công ăn lương... khi tình hình giá cả tiêu dùng đang dần tăng lên mà thu nhập lại theo chiều ngược lại vì dịch bệnh.
"Năm 2009, người làm công ăn lương từng được miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm. Trong khi hiện nay dịch đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua, tình hình khó khăn hơn nhưng người làm công ăn lương chưa được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân" - vị này nói.
Bên cạnh đó, cần chính sách kích cầu tiêu dùng thông qua việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng. Dù thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, việc thay đổi do Quốc hội quyết định, nhưng trong hoàn cảnh doanh nghiệp, người dân khó khăn như hiện nay cũng nên xem xét giảm thuế suất nhằm kích cầu tiêu dùng.
"Quy định về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cũng nên được ban hành nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp" - vị chuyên gia này kiến nghị.
Doanh nghiệp khó khăn thực sự phải được hỗ trợ
Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm nay và đầu năm sau. Trong đó, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo ông Ngô Xuân Tòng - cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh, cần cân nhắc để chính sách hỗ trợ thiết thực, chia sẻ với những doanh nghiệp thực sự khó khăn, bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Như năm 2020, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết 116 về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu 200 tỉ đồng trở xuống.
Trên thực tế, số doanh nghiệp được hưởng chính sách này không nhiều. Hơn nữa, khi vẫn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, có nghĩa doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi, trong khi nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có lợi nhuận nên không được thụ hưởng chính sách này.
Số doanh nghiệp rời thị trường tăng mạnh
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), trong quý 1 và nửa đầu quý 2 năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 16.751 doanh nghiệp, tăng 7,18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 11.582 doanh nghiệp, tăng gần 19%, tính ra trung bình mỗi tháng có 1.800 doanh nghiệp rời thị thường.
Khảo sát nhanh bằng hình thức online của HUBA trên 100 doanh nghiệp cho thấy hơn 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng và thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận