Phóng to |
Ảnh: T.T.D. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, cho biết nơi này yêu cầu các NH thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn của các doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan.
NH phải tự quyết
Theo bà Hồng, tiêu chí cơ cấu lại các khoản nợ đã nêu rất rõ trong quyết định 783 năm 2005. Theo đó, các NH phải tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay.
Cụ thể, đối với khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc hoặc lãi vay, nếu đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì NH xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Còn đối với khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn, nếu đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì NH xem xét cho gia hạn nợ.
Bà Hồng nói thêm, trong tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn do yếu tố khách quan, NH Nhà nước yêu cầu các NH cần phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay. NH cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bớt khó khăn thì NH cũng hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn. Song cơ cấu lại nợ chỉ có thể áp dụng với các doanh nghiệp có khó khăn tạm thời.
Cũng theo bà Hồng, việc khoanh nợ thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng chứ NH Nhà nước không có quy định cụ thể về khoanh nợ. Nếu khoanh nợ, giãn nợ mà không đúng quy định pháp luật để cứu doanh nghiệp thì NH Nhà nước không khuyến khích.
Chỉ xem xét doanh nghiệp có năng lực
Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH ACB, cho biết điều kiện để cơ cấu lại nợ vay là khách hàng phải có năng lực trả nợ sau khi tái cấu trúc. NH chỉ tập trung cơ cấu nợ cho khách hàng thuộc các ngành phù hợp với chính sách tín dụng hiện hành của NH. Hiện ACB đang triển khai chương trình tái tài trợ khoản vay cho doanh nghiệp với thời hạn dài hơn, nhằm giảm bớt áp lực trả nợ.
Quy trình cho vay như sau: NH cam kết cho vay, sau đó doanh nghiệp tự tìm nguồn trả nợ cũ vay lại nợ mới với thời gian cho vay dài hơn. Hạn mức tài trợ đối với một khách hàng là 50 tỉ đồng trong thời gian 60 tháng và doanh nghiệp được ân hạn vốn gốc. Lãi suất cho vay theo chương trình này khoảng 18%/năm.
Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết với những doanh nghiệp hiện tại gặp khó khăn nhưng có hướng phát triển thì NH có thể kéo dài thời hạn trả nợ. Tuy nhiên với điều kiện những doanh nghiệp này vẫn còn khả năng phục hồi sau tái cơ cấu. “Quan trọng là doanh nghiệp phải có đường đi” - ông Thanh nói. Ông cũng cho biết dù có nguồn vốn dồi dào nhưng NH vẫn cho vay rất thận trọng, doanh nghiệp vay vốn phải thỏa những điều kiện NH đưa ra.
Trước khi NH Nhà nước có chỉ đạo, nhiều NH cũng vạch ra hướng nhằm vượt khó cùng doanh nghiệp. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết với những doanh nghiệp bất động sản gặp khó do không bán được hàng, NH sẽ cùng ngồi với doanh nghiệp để vạch ra hướng đi. “NH sẽ hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà, nhưng doanh nghiệp cũng phải có chính sách kích cầu, giảm giá, chiết khấu sao cho hấp dẫn. Bằng cách này không chỉ cứu doanh nghiệp mà NH cũng có cơ hội thu hồi được khoản nợ đã cho vay” - ông này nói.
Sẽ nhấn nút nếu có chính sách khả thi Ngày 12-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cần thiết sớm có những chính sách phù hợp để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ông Phùng Văn Hùng (ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là “vấn đề cấp bách” hiện nay. Ông Hùng nói: “Theo tôi được biết, Chính phủ đã và đang tích cực đề ra các giải pháp cần thiết, nếu giải pháp nào ở phạm vi Chính phủ tự quyết định được thì Chính phủ quyết định, còn giải pháp nào cần trình ra Quốc hội thì sẽ được trình tại kỳ họp vào tháng 5. Là một đại biểu, tôi sẵn sàng ủng hộ các giải pháp Chính phủ đưa ra mà phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn”. Ông Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) bày tỏ lo ngại trước số lượng doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động trong thời gian qua, đồng thời cho rằng nếu không có giải pháp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về lao động, việc làm mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2012. Ông Trần Ngọc Vinh (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) cho rằng đây là lúc Chính phủ nên sử dụng tối đa các loại quỹ có liên quan, ví dụ như quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Việc cứu doanh nghiệp lần này cần làm nhanh, nhưng không có nghĩa chỉ áp dụng các biện pháp tạm thời mang tính “cấp cứu hồi sức” mà cần phải tính toán cho lâu dài, để cho các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh rằng Chính phủ cần tính toán đến biện pháp kích cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh khó khăn người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến hàng tồn kho nhiều, do vậy các giải pháp đưa ra phải đồng bộ. Với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông Vinh khẳng định: “Tôi sẽ nhấn nút tán thành nếu Chính phủ trình ra Quốc hội các gói chính sách phù hợp, khả thi để cứu doanh nghiệp”.
|
* Ông LÊ HỮU NGHĨA (giám đốc Công ty Lê Thành): Kỳ vọng được tiếp sức Công ty chúng tôi hiện đang thực hiện hai dự án với tổng giá trị đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó dự án Lê Thành Twin Tower (Q.Bình Tân, vốn khoảng 500 tỉ đồng) đang triển khai dở dang. Mặc dù chúng tôi hiện đang sử dụng chủ yếu là vốn tự có để đầu tư, tổng khoản vay của công ty hiện nay chưa đến 24 tỉ đồng, chiếm chưa tới 3% tổng giá trị đầu tư. Thế nhưng thời gian qua, chúng tôi đi hỏi khắp các NH vay 50 tỉ đồng để duy trì việc xây dựng, phòng cho trường hợp thị trường tiếp tục khó khăn đến cuối năm, nhưng tất cả đều từ chối cho vay. Lý do mà các NH đưa ra là tín dụng bất động sản đã “đụng trần”, không thể tiếp tục cho vay nữa. Với chủ trương nới tín dụng bất động sản như NHNN vừa công bố, trong đó ưu tiên cho những dự án có sản phẩm bán được như chúng tôi, sản phẩm chủ yếu có giá dưới 15 triệu đồng/m2, tôi hi vọng sắp tới sẽ được vay để tiếp sức cho dự án. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn hiện nay là lãi suất cho vay quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tôi lấy ví dụ, khoản vay của chúng tôi rất ít nhưng cũng chịu áp lực trả lãi, do mức lãi vay lên tới 21%/năm. Tôi hi vọng lãi suất có thể giảm xuống còn khoảng 16%/năm, không những giúp doanh nghiệp dễ thở hơn mà người tiêu dùng có thể mạnh dạn vay vốn mua nhà, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản. * Ông LÊ CHÍ HIẾU (chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức): Chờ lãi suất giảm Việc cho giãn nợ, khoanh nợ, vay nợ mới nếu được triển khai trong thực tế như công bố của NHNN, tôi cho rằng một số doanh nghiệp sẽ giảm bớt được gánh nặng chi phí lãi vay để có thể tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng với lãi suất quá cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp có muốn cũng không dám vay. Bản thân người có nhu cầu nhà ở thật sự cũng vậy, với lãi suất này, nếu có một khoản vốn thì họ cũng không dám vay thêm để mua nhà. Như vậy đầu ra khó khăn, thanh khoản tiếp tục kém, doanh nghiệp không thêm vốn để gánh thêm nợ. Nói như vậy để thấy rằng cái cần hiện nay còn là thanh khoản của thị trường, thị trường có tiêu thụ, doanh nghiệp có thu hồi vốn và trả nợ NH, họ mới dám vay để tiếp tục triển khai dự án. Đó là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, tôi cho rằng nên thành lập một quỹ đặc biệt có đủ vốn để tiến hành phối hợp với các NH thương mại và các nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vốn để có những giải pháp tái cơ cấu nợ. Thông qua quỹ này, có thể thông qua việc liên kết ba bên, trên cơ sở đó xem xét những dự án nào, công ty nào có thể được khoanh nợ, giãn nợ, cần đầu tư thêm vốn để hoàn thành các công trình còn dở dang, tránh lãng phí của cải xã hội, chưa kể NH cũng có thể bị vạ lây. Theo tôi được biết có nhiều dự án đang đầu tư dở dang nhưng chủ đầu tư không còn vốn, không vay được vốn. Nếu có sự tham gia của quỹ này, trong đó có sự giám sát việc sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm, cộng với lãi suất giảm, thanh khoản của thị trường tốt hơn, không sợ không thu hồi được nợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận