Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận chấm dứt hợp đồng BOT, xin chủ trương chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện hạng mục dân dụng dự án sân bay Phan Thiết theo hợp đồng BOT.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án sân bay Phan Thiết được đầu tư theo hình thức BOT, được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 9-2014. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng cho phép chấm dứt hợp đồng đối với dự án là phù hợp.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự), hạng mục hàng không quân sự đang được Bộ Quốc phòng đầu tư và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2023.
Theo đó, sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (từ cấp sân bay 4C lên 4E) như quy hoạch, nếu tổ chức các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư BOT các hạng mục hàng không dân dụng theo quy định, thì sớm nhất đến tháng 8-2024 mới hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư thay thế để triển khai dự án.
Dự kiến cuối năm 2025 mới hoàn thành hạng mục hàng không dân dụng sẽ không đảm bảo khai thác, vận hành đồng bộ giữa các hạng mục quân sự và dân dụng; ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự.
Bộ Giao thông vận tải nhận định UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư là có cơ sở.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng quy định việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp: dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước hoặc dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết), hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT thực hiện theo hợp đồng được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông (nhà đầu tư) ngày 20-9-2016.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.548 tỉ đồng để xây dựng một đường lăn kích thước 253,5m x 15m, sân đỗ máy bay dân dụng, trực thăng; xây dựng nhà ga hành khách diện tích 5.200m2...
Thời gian xây dựng dự án trong 3 năm, dự kiến khởi công năm 2015, hoàn thành năm 2018. Thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường băng từ 2.400m lên 3.050m để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế.
Sau đó, các cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch sân bay Phan Thiết từ sân bay cấp 4C, đường băng dài 2.400m, công suất khai thác 500.000 khách/năm thành sân bay cấp 4E, đường băng dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất 2 triệu khách/năm.
Sự điều chỉnh trên làm thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư dự án BOT sân bay Phan Thiết lên trên 10% nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Ngày 17-7, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông đã ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án sân bay Phan Thiết trước thời hạn.
Ngày 2-8, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình thực hiện dự án và kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương chấm dứt hợp đồng dự án sân bay Phan Thiết trước thời hạn, áp dụng chỉ định nhà đầu tư thay thế để sớm triển khai thi công và đưa các hạng mục hàng không dân dụng vào khai thác đồng bộ với các hạng mục quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận