Ông Hoàng Văn Thắng, phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 14 vào sáng 18-11 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khoảng 4h30 ngày 18-11, áp thấp nhiệt đới ở phía bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão số 14.
Lúc 7h, vị trí tâm bão ở ngay trên phía bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 620km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Ông Cường cho biết bão số 14 có bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên tính từ vị trí tâm bão là 200km nên phạm vi gió mạnh của bão là 400km. Vì vậy, phạm vi ảnh hưởng của bão khá rộng và vùng mưa, gió ở phía bắc tâm bão mạnh hơn phía Nam tâm bão.
Sau khi hình thành, bão số 14 di chuyển rất nhanh với tốc độ 30km/h, sau đó giảm xuống 25km/h. Vì vậy đến trưa, chiều 19-11 bão đã áp sát bờ biển Nam Trung Bộ và phía Bắc Nam Bộ.
Theo ông Cường, các cơ quan khí tượng quốc tế đều nhận định bão số 14 sẽ mạnh thêm đến cấp 9 khi cách bờ 300 - 400 km. Sau đó bão giảm cấp khi vào gần đất liền hơn nhưng mức độ giảm không nhanh.
Dự báo bão số 14 tiếp tục di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 25km/h và mạnh lên cấp 9. Khi bão vào bờ còn gió mạnh cấp 8, giật cấp 11-12.
Trọng tâm ảnh hưởng của bão là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Tuy nhiên, vùng gió mạnh có thể mở rộng tới Phú Yên do vùng phía bắc của tâm bão có gió mạnh hơn.
Theo ông Cường, bão số 14 sẽ gây mưa 100 - 200mm từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Mưa tập trung từ đêm 18 đến hết ngày 20-11.
Ngoài ra, không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa to cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Dự báo dợt mưa kéo dài từ 18 đến 26-11 với lượng mưa từ 200 - 300mm. Trọng tâm mưa sẽ ở Thừa Thiên - Huế với lượng mưa 400 - 500mm trong cả đợt.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhận định bão số 14 đang hướng vào các tỉnh miền Trung vừa bị ảnh hưởng bão số 12 chưa khắc phục xong nên phải hết sức lưu ý, cảnh giác trong phòng chống. Cần rút kinh nghiệm từ bão số 12 trong neo đậu tàu thuyền, sơ tán người ở nơi nuôi thủy sản, đảm bảo an toàn cho khách du lịch ở các đảo.
Ông Thắng đề nghị nhiệm vụ trước mắt là tập trung kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền thoát ra vùng nguy hiểm của bão. Các địa phương thực hiện cấm biển từ trưa 18-11. Các lực lượng chức năng sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Các địa phương di dời dân khỏi nơi xung yếu, di dời người từ nhà yếu lên nhà kiên cố; đảm bảo an toàn cho khách du lịch; phối hợp chủ lồng bè nuôi thủy sản nắm chắc số người làm việc ở lồng bè, di dời vào bờ.
Chủ lồng bè phải cam kết chịu trách nhiệm nếu để người ở lại trên lồng bè.
Ông Thắng chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là hồ yếu, có sự cố; chú ý vận hành hồ chứa đúng quy trình…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận