Bước vào giảng đường, A Sử muốn học thật tốt để về lại quê hương giúp đỡ các bản làng nghèo - Ảnh: HÀ THANH
Đó là tâm sự của Chớ A Sử (21 tuổi, tân sinh viên khoa y dược Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội). Hai năm dở dang việc học để chiến đấu với bệnh tật, năm ngoái phải xin trường bảo lưu kết quả thi đại học vì gia cảnh quá túng quẫn, nhưng năm nay A Sử quyết tâm đến trường.
Cái ăn còn thiếu, lấy đâu ra tiền học
Nhà A Sử ở nơi bản nghèo Sa Lông 1 (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, Điện Biên), 8 phận người nương tựa vào nhau mà sống nhờ nương ngô, nương lúa nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc.
Bố Sử bị tâm thần, mẹ đau nặng vì bệnh gút hành hạ. Hai anh trai đã lấy vợ, đứa em trai vừa học xong lớp 12 phải ngừng học để nhường cho A Sử, nhà còn hai đứa em học cấp II, cấp III.
Hoàn cảnh quá nghèo túng nên năm ngoái, khi nhận giấy báo trúng tuyển vào Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội, A Sử phải xin trường cho bảo lưu kết quả. "Bố mẹ, các anh khuyên nên học tiếp nhưng trong nhà đến cái ăn còn thiếu, lấy đâu ra tiền học. Mình quyết định nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy", Sử nói.
Một năm sau, dành dụm được 1 triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng, vay mượn thêm hàng xóm 3 triệu đồng, một mình A Sử lặn lội từ Điện Biên xuống Hà Nội nhập học. Ngày con trai đi học, bố mẹ dặn dò: "Đi xa, thân con lại không lành, con phải cố gắng học".
"Năm ngoái vì không có tiền mà mình phải nghỉ học. Năm nay mình quyết tâm đi học lại, nếu không có tiền nữa thì kiếm việc làm thêm hoặc xin học ở những trường có miễn giảm học phí, nhất định không thể bỏ học nữa", A Sử kiên quyết.
Dù nửa cơ thể bị liệt, A Sử vẫn vượt qua được mọi trở ngại, đi đứng, làm việc, học tập bằng nửa cơ thể còn lại - Ảnh: HÀ THANH
Chưa bao giờ ý chí của tôi lại mạnh mẽ hơn lúc này
Bảy năm trước, trong một lần tập xe máy, Sử bị ngã đập đầu vào biển báo ngất xỉu. Hôn mê nửa tháng trời mới tỉnh lại, nửa thân bên phải của A Sử bị liệt.
"Tôi tập và tập rất nhiều nhưng không cầm nổi bút, đau lắm nên tập viết bằng tay trái. Sau ba tháng tập luyện đã bắt đầu cầm được bút. Tôi cố gắng làm mọi thứ bằng nửa cơ thể còn lại", A Sử nhớ lại.
Viết về hoàn cảnh của mình trong lá thư gửi chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ cũng là lúc những mặc cảm bấy lâu cất giấu trong lòng chàng trai trẻ trào lên đè nặng trên lồng ngực.
"Bảy năm trước tôi gặp tai nạn, suy sụp khi biết kết quả, một màu xám xịt bủa vây lấy tôi. Và quá trình tập luyện đấu tranh tư tưởng dằn vặt tôi mỗi đêm. Tôi không ngủ được, tôi nghĩ rất nhiều về những công việc của một con người bình thường mà trước kia mình có thể làm được. Khi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ và các em, tôi lại khóc vì quá thương những con người trong ngôi nhà lụp xụp cuối bản nhỏ".
"Đã có những phút giây tôi muốn buông xuôi, đầu hàng trước số phận", nhưng A Sử vẫn quyết tâm. "Tôi đã tìm lại mọi lý do để sống, phải cố gắng và phải thật cố gắng. Nghĩ đến mẹ và gia đình, những tấm gương vượt khó giúp tôi học được rất nhiều. Chưa bao giờ ý chí của tôi lại mạnh mẽ hơn lúc này".
Viết thư cho Tuổi Trẻ cũng là lần đầu tiên A Sử chia sẻ về bản thân mình, "chút do dự, chút lo lắng và hồi hộp". A Sử kể do chưa thạo nên đã ngồi lì ở phòng máy tính của trường tận hai tiếng để gõ thư xin được tiếp sức đến trường.
Ước mơ của A Sử là học xong sẽ về mở quầy thuốc chữa bệnh cho bố mẹ, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. "Chữa được cho nhiều người càng tốt, tôi muốn mọi người xung quanh luôn khỏe mạnh", ánh mắt A Sử sáng lên khi nói về ước mơ đó.
"Chưa bao giờ ý chí của tôi lại mạnh mẽ hơn lúc này", A Sử khẳng định - Ảnh: HÀ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận