16/02/2020 10:32 GMT+7

Chỉ có một người anh ruột duy nhất

TRẦN MINH HỢP
TRẦN MINH HỢP

TTO - "Ủa, mày về hồi nào vậy Tư Lùn?", anh tôi hay trố mắt hỏi câu đó khi nhìn thấy tôi ngồi trên bàn, kề cửa sổ trước sân. Cái tên ở nhà của tôi lúc nhỏ, giờ chỉ còn mình anh tôi gọi.

Chỉ có một người anh ruột duy nhất - Ảnh 1.

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Buổi chiều cũ ấy, anh và chị tôi ngồi mổ xẻ tên "trong nhà" của mấy người hàng xóm. Cuối cùng, quay sang đặt tên thêm tên cho tôi giống vậy, gồm số thứ tự trong nhà cùng với một cái tên đặc rệt cho cá tính hoặc vóc người. Cái tên Tư Lùn ra đời, vì ngày đó, tôi thứ tư và tôi lùn. Tiếng cười bữa chiều đó của anh và chị tôi vẫn còn nghe ha ha trong đầu tôi...

Hồi xưa má hay nhắc lại câu chuyện khi anh bồng tôi đi chơi, mỏi tay nên để tôi ngồi trên thành giếng nhà dì Chín Ốm. Dì chạy hết tốc độ từ trong bếp ra để tóm lấy tôi. Má ca cẩm lại hơn 100 lần câu chuyện "tôi ngồi trên giếng", kèm thêm sự tái hiện cảm giác muốn nín thở, muốn rụng rời tay chân lúc đó. 

"Nó ngồi trên miệng giếng nhưng con có vịn nó mà má!" - anh tôi minh oan, nhưng má cũng không "tha": "Lỡ em nó quậy quọ, rớt xuống thì sao, sao con chụp kịp?". Đó là một kỷ niệm sợ hãi của má, nhưng tôi thấy yêu thương từ câu chuyện đó, vì nhờ đó tôi tưởng tượng được cảnh tôi được anh ruột ẵm bồng, chăm sóc...

Trong nhà có lẽ má thương anh tôi nhất, bất kể hoàn cảnh nào. Tôi hiểu chuyện đó, vì má kể lúc nhỏ anh đã chịu cực với má, lúc nào cũng lủi thủi khuya sớm với má, đỡ đần công chuyện cho má. Lớn lên anh không thể đi học được nên phải phụ ba gánh vác các chuyện nặng trong nhà từ ruộng rẫy đến chăn trâu, bò. Tôi chưa bao giờ nghĩ anh tôi mới học xong lớp 9.

"Cái mặt mày giống y anh mày lúc nhỏ, bữa nào tao đem tấm hình hồi anh mày chụp cho mày coi, y luôn ớ!" - thằng bạn cấp hai, có anh trai cũng học chung với anh tôi, dòm mặt tôi nói thế. Nhiều khi tôi nói chuyện, có nhiều chữ, nhiều điệu bộ tôi nghe giống hệt tông giọng, điệu bộ của anh tôi. Đôi khi nhìn vào gương tôi thấy phảng phất hình ảnh anh tôi trên mặt tôi. Cũng chẳng khó hiểu những chuyện đó, vì tôi và anh tôi là hai anh em ruột.

Anh tôi đi bộ đội, có bữa tranh thủ về thăm nhà được chút, anh cho tôi 10.000 đồng ăn bánh. Đó là số tiền lớn tôi nhận được. Hay lúc ra thăm tôi hồi đại học, mấy anh em dẫn đi ăn lẩu sau làng đại học. Đang ăn anh tôi gỡ sim trong cái điện thoại nắp trượt ra và đổi lấy cái điện thoại Nokia trắng đen tôi đang xài. Những khoảnh khắc đó giúp tôi thăng bằng rằng anh đã không để "tiền" lên trên tình cảm ruột thịt của hai anh em.

​Tôi đọc được một câu chuyện về Congo, một chú voi có khả năng nhớ mọi thứ. Nhưng một lần Zambesi, người anh ruột đùa giỡn dìm nó xuống sình. Thế là Congo cay đắng và nhớ miết cái trò đùa nghịch, đến nỗi không muốn thấy mặt anh nó. Bà ngoại voi biết chuyện, ân cần bảo Congo có trí nhớ tốt, nhưng chỉ nhớ những gì đáng nhớ. Và điều đáng nhớ nhất về Zambesi không phải chuyện bị dìm xuống sình mà chính là sự thật: Nó và Zambesi là anh em ruột.

Hai anh em tôi lớn lên mỗi người có những cách nghĩ riêng, đôi khi khó êm đềm những buổi chiều chạng vạng hồi xưa, khi anh em chở nhau xuống nhà nội ngủ. Nhưng bà ngoại voi nhắc tôi rằng: tôi chỉ có một người anh ruột duy nhất giữa hơn 90 triệu người Việt Nam.

Truyện ngắn: Vẫn còn hi vọng Truyện ngắn: Vẫn còn hi vọng

TTO - Khi anh nhướng người nhét cặp vé số vào túi quần thì nhìn thấy bà già. Bà ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ, tay giữ một cành mai gầy không một chồi lá lộc. May nhờ cành mai cao vượt tầm đầu người, nên bà không bị khuất giữa đám đông qua lại.

TRẦN MINH HỢP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: anh ruột
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp